Mục Lục
Đội ngũ hợp tác có thể nâng cao hiệu quả, sự đổi mới và các mối quan hệ trong nhóm của bạn.
Bạn đã bao giờ nghe câu nói, “Hai cái đầu thì tốt hơn một” chưa? Điều này đặc biệt đúng ở nơi làm việc. Khi một người nảy ra ý tưởng, các thành viên khác có thể “bón phân, tưới nước” và cùng nhau họ có thể chứng kiến nó “đơm hoa, kết quả”. Sự hợp lực này có thể dẫn đến các sản phẩm, dịch vụ và kết quả chất lượng cao hơn.
“Hợp tác có nghĩa tập hợp sức mạnh trí tuệ chung của nhóm. Văn hóa này là điều bắt buộc phải có để thành công, vì nó đảm bảo rằng tất cả các thành viên làm việc cùng nhau để hoàn thành nhiều việc hơn, tạo sự khác biệt so với các đối thủ cạnh tranh”, anh Trần Mạnh Quốc – Marketing Manager chia sẻ.
Đồng thời anh cũng cho rằng xây dựng một nhóm hợp tác có thể gặp thách thức và đưa ra một số cách để nuôi dưỡng một nền văn hóa hợp tác mạnh mẽ, hãy cùng theo dõi sau đây nhé.
“Một đội ngũ hợp tác sẽ đạt được nhiều thành tựu hơn là khi mọi người làm việc độc lập”
Chiến lược xây dựng đội ngũ hợp tác và chia sẻ
Tuyển dụng người có tinh thần hợp tác tốt
“Nếu muốn thúc đẩy văn hóa hợp tác tại nơi làm việc, bạn sẽ cần bắt đầu từ quy trình tuyển dụng của mình”, anh Mạnh Quốc khẳng định. “Bạn có thể tuyển dụng hàng chục cá nhân xuất sắc nhưng nếu họ không phối hợp tốt cùng nhau, công ty của bạn sẽ không thể phát triển”.
Theo anh Quốc, để tuyển dụng được những người có khả năng hợp tác bạn nên nói rõ hợp tác là giá trị cốt lõi trong mô tả công việc, chẳng hạn “Có khả năng hợp tác hiệu quả khi làm việc với các nhóm đa dạng”. Những người đồng cảm với tiêu chí đó sẽ cảm thấy bị thu hút, trong khi những người khác sẽ bị đẩy ra xa. Thêm vào đó, trong buổi phỏng vấn, bạn có thể đặt các câu hỏi tình huống như “Hãy kể về thời điểm bạn phải làm việc với những người rất khác biệt với mình để đạt được kết quả nhanh chóng”. Hoặc bạn có thể sử dụng các tình huống mô phỏng để xác định cách ứng viên tương tác trong nhóm và xem liệu họ có cởi mở với sự đa dạng trong suy nghĩ khi trò chuyện hay không. Trong quá trình đó, hãy chú ý đến ngôn ngữ mà họ sử dụng. Họ có dùng “Tôi” thay cho “Chúng tôi” hay ghi nhận sự đóng góp của các thành viên thay vì đổ lỗi cho người khác về thất bại của nhóm?
Tận dụng thế mạnh của từng thành viên trong nhóm
“Mỗi người đều có điểm mạnh và góc nhìn riêng như một lợi thế cá nhân. Tạo điều kiện để mọi người phát huy điểm mạnh của họ có nghĩa là các thành viên đều có cơ hội sử dụng hết khả năng của mình để làm việc và doanh nghiệp của bạn sẽ được lợi từ điều đó”, anh Mạnh Quốc nhận định.
Anh gợi ý, bước đầu tiên là xác định điểm mạnh của từng người thông qua việc hỏi xem họ thích nhất điều gì và họ nghĩ điểm mạnh của họ là gì hoặc bạn tự quan sát những điều họ làm tốt nhất. Khi đã hiểu được khả năng của mọi người, hãy giao cho nhân viên nhiều trách nhiệm hơn dựa trên điểm mạnh của họ. Ví dụ, nếu nhân viên A giỏi lập kế hoạch, hãy để họ làm việc về hậu cần của một dự án. Nếu nhân viên B tư duy nhanh, hãy để họ tham gia vào quá trình động não và để nhân viên C giỏi phân tích hơn xem xét các ý tưởng. Theo cách này, mọi người sẽ làm việc dựa trên những gì họ làm tốt nhất và sẵn lòng, thậm chí háo hức làm việc cùng nhau.
Khuyến khích sự giao lưu của nhân viên
“Những người hiểu rõ nhau sẽ làm việc cùng nhau một cách suôn sẻ. Vì vậy, khuyến khích nhân viên tìm hiểu nhau, nhất là thông qua các hoạt động giao lưu bên ngoài văn phòng là điều cần thiết để xây dựng đội ngũ hợp tác”, anh Mạnh Quốc đưa ra lời khuyên.
Anh dẫn chứng, nhiều doanh nghiệp tổ chức các buổi tiệc tối một lần mỗi tháng và mời tất cả nhân viên cùng tham dự hoặc có những buổi dã ngoại hay các chuyến đi chơi xa. Thông qua các hoạt động này, nhân viên không chỉ hiểu nhau hơn mà còn có khả năng hình thành các mối quan hệ bền chặt.
Đồng thời, anh cũng lưu ý rằng: “Nếu bạn chọn làm điều này, hãy chắc chắn rằng ngày đó là ngày vui vẻ và giao lưu chứ không phải là ngày làm việc. Không có gì tệ hơn việc được đưa đến một địa điểm xinh đẹp, vui vẻ… và dành cả ngày để nói về công việc”.
Khen thưởng các hoạt động hợp tác
Khen thưởng và công nhận là điều quan trọng để giữ chân nhân viên. Các thành viên được đánh giá cao vì thành tích và được khen ngợi vì sự chăm chỉ sẽ hài lòng với vai trò của mình hơn, điều này khiến họ gắn bó lâu dài hơn với công ty. “Tuy nhiên, các nỗ lực làm việc nhóm cũng nên được chú tâm thay vì chỉ đề cao những nỗ lực cá nhân. Khi tinh thần hợp tác được khen thưởng và đánh giá cao, điều đó sẽ khuyến khích mọi người tiếp tục làm việc cùng nhau”, anh Mạnh Quốc nhấn mạnh.
Chú trọng việc làm gương
Chỉ nói thôi là chưa đủ, để tạo ra tác động, bạn phải hành động. Bạn có thể lập chiến lược cho sự hợp tác tùy thích, nhưng nếu bản thân bạn không thể hiện hành vi hợp tác, điều này sẽ ảnh hưởng đến nhân viên của bạn. Để xây dựng môi trường làm việc hợp tác, bạn cần đưa ra ví dụ tích cực về cách đạt được môi trường làm việc hợp tác và sẵn sàng làm gương.
Anh Mạnh Quốc giải thích “Khi người quản lý thể hiện sự nhiệt tình và chủ động trong việc hợp tác với các nhóm và thành viên khác trong nhóm thì mọi người có nhiều khả năng sẽ làm theo. Ngoài ra, việc thể hiện sự đáng tin và tôn trọng đối với đóng góp của mỗi cá nhân sẽ tạo ra môi trường mà tất cả mọi người đều cảm thấy thoải mái khi hợp tác và có động lực để cố gắng thực hiện”.
Khuyến khích chia sẻ kiến thức
Một thành viên hoặc một nhóm có thể cảm thấy phải giữ lại bí kíp hay thông tin cho riêng mình.
Họ có thể sợ rằng họ sẽ mất lợi thế so với đồng nghiệp hoặc các phòng ban khác nếu họ tiết lộ bí mật đó. Nhưng điều này chỉ cản trở sự hợp tác mà bạn đang hi vọng đạt được.
“Khuyến khích chia sẻ kiến thức trong nhóm giúp tận dụng các kỹ năng và kinh nghiệm đa dạng của các thành viên, giúp giải quyết vấn đề nhanh hơn và đưa ra các giải pháp sáng tạo hơn. Một nhóm chia sẻ kiến thức sẽ có tính cộng tác và hiệu quả hơn”, anh Mạnh Quốc phân tích.
Theo anh, có nhiều cách để nhóm chia sẻ hiểu biết cùng nhau như thiết lập các hội thảo nội bộ, tạo thư viện tài nguyên và khuyến khích các thành viên trong nhóm chia sẻ mẹo trong các cuộc họp hay đơn giản là để một người dày dặn kinh nghiệm hơn chia sẻ kiến thức và chuyên môn của họ với các nhân viên ít kinh nghiệm hơn.
Xây dựng đội ngũ hợp tác tại nơi làm việc không chỉ cải thiện trải nghiệm của nhân viên mà còn tạo ra hiệu ứng domino về sự gắn kết cao hơn của nhân viên, sự đổi mới của tập thể và trải nghiệm của khách hàng trở nên tốt hơn. Hãy áp dụng các bước hành động này và bắt đầu tăng cường sự hợp tác trong nhóm của bạn ngay hôm nay nhé.
Huỳnh Trâm
Author Profile
Latest entries
- Bí quyết tuyển dụng2025.01.13Offer letter nên tránh lỗi nào để tăng cơ hội ứng viên đồng ý?
- Nghệ thuật quản lý2025.01.066 dấu hiệu bạn đang lãnh đạo nhóm hiệu quả
- Bí quyết tuyển dụng2024.12.305 câu hỏi giúp đánh giá khả năng ứng viên qua CV
- Nghệ thuật quản lý2024.12.23Vượt qua thành kiến khi đánh giá hiệu suất làm việc cuối năm