Khiêm tốn là gì?
Khiêm tốn là cảm giác hoặc thái độ mà bạn không cho rằng mình có tầm quan trọng đặc biệt khiến bạn giỏi hơn người khác. Thoạt nhìn, sự khiêm tốn có vẻ như là một phẩm chất tiêu cực, gần giống như là dấu hiệu của sự yếu đuối. Tuy nhiên, trong thực tế khiêm tốn là đặc điểm sẽ giúp bạn thành công trong cuộc sống và công việc, dù là ở vị trí của một nhân viên hay một nhà quản lý.
Vậy, điều gì làm cho sự khiêm tốn (tiếng Anh là humility) trở thành đặc điểm quan trọng của nhà quản lý? Dưới đây là một số lí do.
Khuyến khích sự học hỏi
Không có sự khiêm tốn, chúng ta không thể học các kỹ năng mới. Nhà quản lý khiêm tốn thừa nhận rằng họ không có tất cả các kỹ năng và bí quyết để thực hiện tất cả các nhiệm vụ một mình. Bằng cách mở lòng với các thành viên trong nhóm và học hỏi từ những người khác và thừa nhận sai lầm, các nhà quản lý khiêm tốn có thể chứng minh việc học tập không ngừng là trọng tâm của tất cả nhân viên cho dù họ ngồi ở đâu trên nấc thang công ty.
Tạo điều kiện phát triển
Các thành viên trong nhóm nhận thức được hành vi vị tha hơn từ người quản lý có nhiều khả năng trở nên sáng tạo hơn trong vai trò của họ. Một nhà quản lý khiêm tốn sẽ khuyến khích các thành viên trong nhóm của họ khám phá các kỹ năng mới và sẽ dành thời gian để dạy những người sẵn sàng học những gì họ đã biết được.
Đưa ra quyết định sáng suốt
Các nhà quản lý khiêm tốn sẽ luôn lắng nghe mọi ý kiến từ nhân viên của họ. Nắm bắt được các thông tin chính xác, họ có thể thực hiện các thay đổi và đưa ra quyết định sáng suốt cho bản thân và cho nhóm của họ.
Thúc đẩy người khác
Nhà quản lý khiêm tốn luôn tập trung vào điểm mạnh của các nhân viên và công nhận chúng với niềm tin không lay chuyển. Họ càng đánh giá cao những điểm mạnh của các nhân viên thì nhân viên càng có động lực mạnh mẽ để thành công. Việc chỉ trích hoặc hạ thấp mọi người để thúc đẩy thành công có thể mang đến kết quả ngắn hạn nhưng sau đó sẽ dẫn đến kiệt sức và tỉ lệ nghỉ việc tăng cao.
Tăng sự trung thành
Các nhà quản lý khiêm tốn nhanh chóng thừa nhận sai lầm của mình, điều này – trái với niềm tin phổ biến – thực sự củng cố danh tiếng của họ, thay vì làm hỏng nó. Thừa nhận thiếu sót cho nhân viên thấy rằng họ cũng là con người không hoàn hảo. Điều này khiến họ được yêu mến bởi vì, trong khi điểm mạnh có thể giúp chúng ta tạo ấn tượng với mọi người thì điểm yếu có thể giúp bạn kết nối với họ. Đây là lí do tại sao các nhà quản lý khiêm tốn tạo được lòng trung thành với người mà họ giám sát.
Có sức thuyết phục hơn
Nhà quản lý phải liên tục tìm cách thuyết phục người có tài năng tham gia vào đội nhóm hoặc thuyết phục các thành viên thực hiện công việc theo một cách mới hiệu quả hơn. Về điểm này thì người khiêm tốn sẽ có sức thuyết phục hơn người kiêu ngạo vì “vũ khí” quan trọng của người nói chuyện thuyết phục chính là tính cách của họ. Trong khi sự kiêu ngạo sẽ khiến người khác cảm thấy e dè thì sống khiêm tốn thực sự là cách hiệu quả để thuyết phục họ ủng hộ hoặc đồng ý với bạn.
Tạo ra sự tin cậy
Các nhà quản lý khiêm tốn không xây dựng danh tiếng của họ trên sự lừa dối, ồn ào hoặc hào nhoáng. Họ không thu hút người khác bằng những lời hoa mỹ nhưng sau đó lại không có bất kỳ hành động gì. Như đã nói ở định nghĩa khiêm tốn là gì thì nhà quản lý khiêm tốn muốn xây dựng các mối quan hệ cùng có lợi. Họ tin rằng cách tốt nhất để quản lý và kết nối mọi người lại với nhau là tạo ra môi trường làm việc với mức độ chính trực cao, nơi mỗi người hiểu rõ về vai trò của mình, nhiệm vụ và mục tiêu của toàn đội. Đây là những điều khiến họ được tin tưởng.
Làm thế nào để trở thành một nhà quản lý khiêm tốn?
Lắng nghe tốt hơn
Bạn có hai tai và một miệng nên hãy lắng nghe gấp đôi so với khi bạn nói. Điều này sẽ đảm bảo rằng bạn cung cấp cho những người xung quanh cơ hội để chia sẻ ý tưởng của họ và khiến họ cảm thấy được lắng nghe, đồng thời cung cấp cho bạn cơ hội để thu thập một số ý tưởng tuyệt vời từ đội nhóm.
Thừa nhận sai lầm
Ai cũng có thể mắc sai lầm, tuy nhiên thước đo thành công của bạn là bạn đã phục hồi tốt như thế nào từ những sai lầm đó. Hãy để nhóm của bạn biết bạn cũng là con người, bạn cũng có thể mắc sai sót và bạn sẽ hợp tác với họ để giải quyết vấn đề như một đội.
Trao quyền
Khi bạn cần thực hiện một nhiệm vụ nhưng điều đó lại không phù hợp với thế mạnh của bạn, hãy yêu cầu sự giúp đỡ từ một trong những thành viên trong nhóm – người có kỹ năng và có thể thực hiện tốt nhiệm vụ. Hãy để họ biết rằng bạn nhận ra ưu điểm của họ trong lĩnh vực này và rằng bạn cần giúp đỡ vì đó không phải là điểm mạnh của bạn.
Chia sẻ thành tích
Bạn không thể tự mình đạt được mục tiêu hoặc thành công! Bạn đã làm điều đó với nhóm của bạn. Mặc dù bạn nên tự hào về những chiến thắng của mình, nhưng bạn không nên là một người thành công đơn độc. Các nhà quản lý khiêm tốn có vẻ tĩnh lặng, nhưng họ nhận được sự tôn trọng bởi vì họ biết rằng bất kỳ thành công nào cũng không thuộc về một cá nhân mà thuộc về toàn đội.
Khi đã hiểu khiêm tốn là gì thì bạn cũng có thể hiểu được tại sao đó lại là một đặc điểm mà mọi nhà quản lý nên cố gắng có được. Xét cho cùng, sự khiêm tốn sẽ giúp bạn phát triển. Khi nhà quản lý phát triển, nhân viên cũng sẽ có thể phát triển. Và khi mọi người cùng phát triển, doanh nghiệp của bạn sẽ phát triển bền vững hơn.
Pha Lê
Author Profile
Latest entries
- Nghệ thuật quản lý2024.12.02Tuyệt chiêu xây dựng đội ngũ hợp tác và chia sẻ
- Bí quyết tuyển dụng2024.11.265 sáo ngữ cần tránh khi viết tin tuyển dụng và gợi ý thay thế
- Nghệ thuật quản lý2024.11.18Khắc phục phong cách quản lý vi mô bằng cách nào?
- Nghệ thuật quản lý2024.11.04Làm gì để nhân viên ít hỏi lại và nâng cao tinh thần chủ động?