Trí tuệ cảm xúc (EQ) được định nghĩa là khả năng xác định và quản lý cảm xúc của bạn đồng thời hiểu được cảm xúc của người mà bạn đang tương tác. Nói cách khác, đó là khả năng thể hiện cảm xúc phù hợp vào thời điểm thích hợp nhằm thể tạo ảnh hưởng đến người khác, khiến họ trở nên thoải mái hơn, giúp bạn xây dựng mối quan hệ tốt hơn với họ.
Các nghiên cứu cho thấy rằng người có chỉ số EQ cao có nhiều khả năng thành công trong vai trò quản lý hơn người có IQ cao và đây là lí do vì sao.
Tự nhận thức
Các nhà quản lý có trí tuệ cảm xúc là người tự nhận thức và có thể nhận ra cảm xúc khi chúng xuất hiện. Đây là một kỹ năng quan trọng vì nó giúp họ có được sự hiểu biết rõ ràng về điểm mạnh và điểm yếu của họ mà không có bất kỳ sự cản trở nào. Nhờ đó, họ có thể tận dụng những ưu điểm mà bản thân đang sở hữu, đồng thời tuyển dụng những cá nhân làm việc tốt trong các lĩnh vực không phải là thế mạnh của họ. Nếu một nhà quản lý thiếu sự nhận thức tốt, họ có thể tự mãn với chính mình, khiến đội nhóm gặp phải những rủi ro không đáng có, từ đó làm nản lòng nhân viên cấp dưới.
Kiểm soát tốt cảm xúc
Các nhà quản lý phải đối phó với những thách thức mới hàng ngày, cho dù đó là quản lý các thành viên trong nhóm, học các kỹ năng mới hay đối phó với các phàn nàn từ khách hàng. Đây là lúc học cách làm chủ cảm xúc bản thân trở nên rất quan trọng. Thực tế là chúng ta không kiểm soát được bất cứ điều gì xảy ra với chúng ta, điều duy nhất mà chúng ta có quyền kiểm soát là thế giới bên trong của chúng ta.
Với EQ cao, nhà quản lý có thể kiểm soát tốt trạng thái cảm xúc và không cho phép cơn giận điều khiển hành vi của họ. Họ không đưa ra quyết định mang tính cảm xúc và “tấn công” người khác. Họ suy nghĩ cẩn thận về tình huống trước khi trả lời. Kiểm soát những gì có thể kiểm soát là cách họ chọn để hành động.
Giao tiếp hiệu quả
Bạn có thể là người giỏi nhất trong chuyên ngành của mình, nhưng nếu bạn không biết cách giao tiếp hiệu quả với nhân viên, với khách hàng thì bạn sẽ không thành công trong vai trò quản lý. Trong công việc, giao tiếp diễn ra theo nhiều cách khác nhau từ viết, đọc, nói, nghe với nhiều người khác nhau. Trong đó, dường như lắng nghe tích cực là điều khó khăn với hầu hết mọi người bởi họ quá mải mê với suy nghĩ của mình.
Các nhà quản lý thành công sở hữu trí tuệ cảm xúc mạnh mẽ rất coi trọng khả năng lắng nghe. Họ nhận ra rằng, bằng cách khiến nhân viên cảm thấy được lắng nghe, họ đã tạo được sự tin cậy nơi cấp dưới. Hơn nữa, điều đó còn giúp họ tìm hiểu nhiều hơn về nhân viên và biết được điều gì đang thúc đẩy các thành viên trong đội nhóm của họ.
Thấu cảm
Nhà quản lý có trí tuệ cảm xúc sẽ đặt mình vào vị trí của người khác và xem xét vấn đề dưới góc nhìn của họ. Điều này rất quan trọng để quản lý thành công một đội nhóm hoặc tổ chức. Nhà quản lý với sự thấu cảm cao sẽ giúp ích rất nhiều cho sự phát triển nghề nghiệp của các thành viên trong nhóm. Họ đưa ra các nhận xét tiêu cực nhưng không hạ thấp giá trị của đối phương và thường xuyên khuyến khích nhân viên đưa ra phản hồi. Đây là những gì cần thiết để thúc đẩy nhân viên đạt được hiệu quả vượt mong đợi. Nếu nhà quản lý không thể đồng cảm với nhân viên, họ chắc chắn sẽ khó có được sự tôn trọng hoặc trung thành.
Khiếu hài hước
Nếu một nhà quản lý quá nghiêm túc, họ sẽ tạo ra một môi trường khắt khe. Ngược lại, nếu một nhà quản lý quá dễ tính sẽ khó có thể kiểm soát tốt mọi thứ. Một nhà quản lý có trí tuệ cảm xúc luôn biết cách cân bằng và sử dụng sự hài hước đúng lúc, đúng chỗ.
Nhân viên có xu hướng làm việc chăm chỉ và sáng tạo hơn khi có cảm giác vui vẻ. Tinh thần có sự liên quan mật thiết với năng suất làm việc và đối với một nhà quản lý thì điều này có nghĩa là nên lan truyền năng lượng tích cực vào không gian làm việc.
Giải quyết xung đột
Tại nơi làm việc, các xung đột có thể xuất hiện bất cứ lúc nào đe dọa hoặc phá vỡ hiệu quả và năng suất của tập thể. Tuy nhiên, các nhà quản lý có trí tuệ cảm xúc luôn có thể xử lý êm đẹp bằng các giải pháp hiệu quả. Với kỹ năng này, họ có thể nhanh chóng xoa dịu mọi bất đồng nảy sinh giữa nhân viên, khách hàng hoặc các phòng ban khác nhau. Kết hợp với các kỹ năng trên, các nhà quản lý có thể sử dụng trí tuệ cảm xúc của mình để cải thiện môi trường làm việc ngày càng trở nên hiệu quả hơn.
Huỳnh Trâm
Author Profile
Latest entries
- Bí quyết tuyển dụng2024.09.09Khám phá sức mạnh của lắng nghe chủ động trong tuyển dụng
- Nghệ thuật quản lý2024.09.04Điều gì xảy ra nếu đặt kỳ vọng thiếu thực tế cho nhân viên?
- Bí quyết tuyển dụng2024.08.26Thổi phồng công việc để thu hút ứng viên, lợi hay hại?
- Nghệ thuật quản lý2024.08.19Nên làm gì với những nhân viên thiếu tự tin?