Mục Lục
- Những dấu hiệu “cờ đỏ” cần lưu ý khi tuyển dụng Social Media Manager
- Mạng xã hội của ứng viên kém hấp dẫn, không tồn tại hoặc không được cập nhật thường xuyên
- Ứng viên tự gọi mình là “chuyên gia” nhưng không có bất kỳ bằng chứng nào về sự thành công
- Ứng viên tập trung vào những con số phù phiếm
- Ứng viên không biết cách xử lý các phản hồi tiêu cực
Thử hỏi những ai làm trong lĩnh vực tuyển dụng, hầu hết sẽ nói rằng rất dễ để tuyển dụng Social Media Manager nhưng để có một người thực sự mang lại thành công – tạo được khách hàng tiềm năng và tăng khả năng bán được hàng – là rất khó. Ngày nay, ai cũng có thể tự cho mình có hiểu biết về truyền thông xã hội, làm thế nào để biết đâu là ứng viên tốt nhất?
Nếu bạn đang tìm kiếm nhân sự cho vị trí Social Media Manager thì đây là những “lá cờ đỏ” bạn cần tránh để tăng cơ hội tuyển được đúng người, theo chia sẻ của anh Dương Thanh Vũ, Giám đốc truyền thông.
Những dấu hiệu “cờ đỏ” cần lưu ý khi tuyển dụng Social Media Manager
Mạng xã hội của ứng viên kém hấp dẫn, không tồn tại hoặc không được cập nhật thường xuyên
“Điều đầu tiên bạn nên làm nếu tuyển dụng Social Media Manager là kiểm tra các trang mạng xã hội của họ”, anh Thanh Vũ cho biết.
Giải thích về điều này, anh nói: “Nếu bản thân họ không có các hoạt động mang tính chuyên nghiệp trên mạng xã hội thì đó là một dấu hiệu nguy hiểm. Cách duy nhất để trở nên xuất sắc là luyện tập… Nếu họ xuất sắc, tại sao họ lại không làm điều đó cho thương hiệu cá nhân của mình? Nói cách khác, nếu ứng viên không thể làm cho mạng xã hội của mình trở nên hấp dẫn thì làm sao họ có thể làm được điều đó cho doanh nghiệp của bạn?”.
Bên cạnh việc loại bỏ những ứng viên có mức độ hiện diện kém trên mạng xã hội bởi thái độ cằn nhằn, phàn nàn, thiếu chuyên nghiệp, thích tranh luận hoặc hiếm khi đăng bài, có đăng thì chỉ chia sẻ bài của người khác… anh Vũ cũng không mặn mà với các ứng viên hay sử dụng các mỹ từ có phần phô trương như “bộ óc sáng tạo với tư duy đỉnh cao”,“có khả năng ghi nhớ thần sầu” hoặc “phù thủy của những con số”.
Ứng viên tự gọi mình là “chuyên gia” nhưng không có bất kỳ bằng chứng nào về sự thành công
“Những Social Media Manager hàng đầu không bao giờ tự nhận mình là chuyên gia trong lĩnh vực, trái lại họ sẽ là người đầu tiên nói với bạn rằng họ cần phải luôn học hỏi.”, anh Thanh Vũ khẳng định. Đây cũng là lí do vì sao anh luôn “tránh” các ứng viên tự huyên thuyên bằng những chức danh mỹ miều, cao siêu và không thể đưa ra bằng chứng chắc chắn về chuyên môn của mình.
Họ có thể lấp liếm bằng cách nói “Không thể đo lường được các hoạt động truyền thông” khi được hỏi về thành quả đã đạt được. “Các hoạt động truyền thông có thể đo lường được chứ, thậm chí nó còn được xem như một chiếc la bàn đáng tin cậy, hướng dẫn bạn một cách thành thạo trong bối cảnh rộng lớn của thế giới kỹ thuật số. Giống như một thám tử, nó tiết lộ thông tin về sở thích của khách hàng tiềm năng, giúp bạn đi trước đối thủ cạnh tranh một bước. Thế nên nếu ứng viên không thể cho thấy các hoạt động mạng xã hội họ thực hiện đóng góp thế nào vào thành công chung của doanh nghiệp thì họ có thể không phải là người bạn cần tìm. Các chuyên gia truyền thông xã hội giỏi phải thể hiện giá trị của họ cả về số lượng và chất lượng”, anh Thanh Vũ nhận xét.
Ứng viên tập trung vào những con số phù phiếm
“Nếu ứng viên chứng minh thành tích của họ dựa vào các số liệu phù phiếm như tăng số lượt thích trên Facebook hoặc số lượng người theo dõi trên Tiktok, hãy thận trọng. Đó không phải dấu hiệu của sự thành công”, anh Vũ nói. Đầu tiên, có nhiều người theo dõi không có nghĩa là bạn nhất thiết sẽ tăng doanh số bán hàng. Bạn có thể có hàng triệu lượt thích và người theo dõi nhưng nếu họ không mua sản phẩm hoặc dịch vụ của bạn thì điều đó cũng vô nghĩa. So với một lượng khán giả nhỏ hơn nhưng thường xuyên quan tâm và tương tác sẽ mang lại nhiều giá trị hơn.
Hơn nữa, nếu số lượng theo dõi lớn đáng ngờ nhưng mức độ tương tác hạn chế thì thuật toán của các nền tảng truyền thông xã hội như Instagram và Facebook sẽ chống lại bạn và làm hạn chế khả năng hiển thị của bạn.
“Thay vì tập trung vào các số liệu này, hãy hỏi ứng viên về cách họ xây dựng lượng khách hàng tiềm năng bằng cách nào và họ có kế hoạch gì với các đối tượng cụ thể đó”, anh Vũ gợi ý.
Ứng viên không biết cách xử lý các phản hồi tiêu cực
Tùy thuộc vào quy mô công ty, các phương tiện truyền thông xã hội có thể là nơi để khách hàng của bạn để lại phản hồi trực tiếp. Mặc dù tất cả chúng ta đều mong muốn phản hồi nhận được là tích cực nhưng không phải lúc nào mọi việc cũng diễn ra như vậy.
Nếu ứng viên không phản hồi một cách hiệu quả với các câu hỏi như “Bạn sẽ làm gì khi tên công ty được tag vào một dòng trạng thái đầy giận dữ?” hay “Bạn sẽ giải quyết vấn đề như thế nào nếu không khí đang trở nên căng thẳng hơn trong phần bình luận?” đồng thời tỏ ra thiếu tôn trọng những nhận xét và phản hồi tiêu cực thì hãy cảnh giác. Rõ ràng là họ không hiểu hết mạng xã hội như họ vẫn tưởng.
Không phải lúc nào Social Media Manager cũng phải giải quyết những phản hồi tiêu cực nhưng họ vẫn cần có khả năng xử lý điều này một cách cẩn thận. Điều hành tốt bất kỳ cộng đồng trực tuyến nào đều có nghĩa là đối xử với mọi người bằng sự tôn trọng và hiểu biết. Vì vậy, theo anh Vũ bạn nên tìm một người quản lý thực sự hiểu được mọi người!
“Cùng với việc chú ý các dấu hiệu này, bạn cũng nên sử dụng trực giác của mình. Nếu cảm thấy ứng viên đang nói những điều đúng đắn nhưng bạn có cảm giác không ổn, thì vẫn nên cân nhắc lại. Và chỉ vì ai đó mới làm việc trên mạng xã hội không có nghĩa là họ không giỏi. Tôi biết nhiều người là gương mặt mới trong ngành nhưng có rất nhiều tiềm năng phát triển. Đôi khi, kinh nghiệm không phải lúc nào cũng có nghĩa là tốt hơn”, anh Thanh Vũ chốt lại.
Huỳnh Trâm
Author Profile
Latest entries
- Nghệ thuật quản lý2024.12.02Tuyệt chiêu xây dựng đội ngũ hợp tác và chia sẻ
- Bí quyết tuyển dụng2024.11.265 sáo ngữ cần tránh khi viết tin tuyển dụng và gợi ý thay thế
- Nghệ thuật quản lý2024.11.18Khắc phục phong cách quản lý vi mô bằng cách nào?
- Nghệ thuật quản lý2024.11.04Làm gì để nhân viên ít hỏi lại và nâng cao tinh thần chủ động?