Việc tuyển dụng sinh viên mới ra trường có thể là một thách thức đối với doanh nghiệp, đặc biệt là vì nhiều người trong số họ chưa có kinh nghiệm thực tế về thế giới việc làm. Tuy nhiên, sinh viên mới tốt nghiệp có thể là một sự bổ sung tuyệt vời cho nhóm của bạn vì họ thường tập trung cao vào sự nghiệp, học hỏi nhanh và mang đến một không khí mới mẻ cho công ty.
Nếu bạn nhận được hồ sơ xin việc từ những sinh viên mới hoặc sắp tốt nghiệp này thì ngoài các phương pháp tuyển dụng thông thường, bạn cần đặc biệt chú ý đến các yếu tố sau đây khi quyết định chọn họ cho các vị trí công việc đăng tuyển.
Ứng viên phản ứng với những lời phê bình như thế nào?
Là sinh viên mới ra trường, chắc chắc họ sẽ mắc nhiều lỗi đôi khi chỉ là cơ bản khi viết CV hay khi phỏng vấn. Khi bạn chỉ ra những vấn đề họ cần cải thiện, hãy xem cách họ phản ứng. Một ứng viên biết nhận ra những hạn chế và điều chỉnh theo phản hồi của bạn không chỉ có khả năng lắng nghe tốt mà còn sẵn sàng học hỏi và phát triển – đây là kỹ năng quan trọng cho một sinh viên mới bước vào đội ngũ người lao động.
Ứng viên đã hoàn thành một công việc thực tập hoặc tình nguyện?
Ứng viên đã từng trải nghiệm những loại công việc nào trong thời gian học đại học? Họ đã tham gia thực tập? Làm thêm trong thời gian còn đi học hoặc thực tập là một dấu hiệu tốt bởi điều đó cho thấy họ có động lực và tập trung vào tương lai của mình. Cần đặc biệt chú ý đến những kỹ năng trong ngành nghề mà ứng viên đạt được thông qua trải nghiệm làm việc hoặc thực tập trước đây của họ. Và trong buổi phỏng vấn, hãy yêu cầu họ giải thích những kỹ năng đó sẽ được áp dụng như thế nào trong môi trường công ty của bạn.
Ứng viên đối mặt với khó khăn ra sao?
Một trong những cách tốt nhất để xác định khả năng của sinh viên mới tốt nghiệp không có kinh nghiệm làm việc là tìm hiểu cách họ xử lý và vượt qua thử thách. Hãy yêu cầu ứng viên của bạn kể về một trở ngại mà họ gặp phải và cách họ đối phó với thử thách đó. Câu trả lời sẽ cho thấy họ có sự sáng tạo, chủ động hoặc khả năng phục hồi vượt lên thất bại và nghịch cảnh hay không.
Kỳ vọng của ứng viên có thực tế?
Là một sinh viên mới tốt nghiệp, ứng viên có thể có ít hoặc không có kinh nghiệm làm việc chuyên nghiệp. Tuy nhiên, nhiều người trong số họ lại mong đợi một vị trí cấp trung, lương cao. Do đó, hãy tìm những ứng viên hiểu rõ thực tế của thị trường việc làm và sẵn sàng dành thời gian để tích lũy kinh nghiệm. Mặc dù mất nhiều thời gian để đào tạo sinh viên mới tốt nghiệp nhưng nhiều người sở hữu các kỹ năng công nghệ rất hữu ích trong công việc ngày nay.
Ứng viên có trí tuệ cảm xúc?
Nếu ứng viên có trí thông minh cảm xúc, họ sẽ kiên nhẫn hơn và ân cần hơn với đồng nghiệp, khách hàng, cấp trên và đối tác. Họ sẽ là người đại diện tuyệt vời cho bạn bởi vì họ mong muốn được đánh giá cao. Vậy làm sao để xác định ứng viên có cảm xúc trí tuệ? Hãy hỏi về một lần mà ứng viên mắc lỗi. Những người không có trí tuệ cảm xúc sẽ gặp khó khăn trong việc tìm ra lỗi với bất kỳ quyết định nào mà họ đưa ra. Và nếu họ bắt đầu nhấn mạnh vào một sai lầm nào đó nhưng bạn vẫn tiếp tục đào sâu, họ sẽ tìm cách đổ lỗi cho người khác.
Ứng viên có tính tò mò?
Sẽ là không hợp lý nếu bạn yêu cầu sự nhạy bén trong kinh doanh từ một người 22 tuổi nhưng ít nhất bạn nên nhìn thấy ở ứng viên một vài biểu hiện để thấy rằng họ sẽ phát triển trong tương lai. Ứng viên tò mò sẽ tìm hiểu về công ty, sản phẩm, quy trình, thách thức, khách hàng, về ngành nghề và tương lai của họ ở công ty. Hãy hỏi họ những câu phỏng vấn như: Bạn biết gì về các sản phẩm hoặc dịch vụ của công ty? Một người tò mò sẽ đào sâu vào ngành nghề và các giá trị của công ty, họ cũng sẽ tìm đọc các bài viết và biết mục tiêu của công ty là gì. Từ đó bạn sẽ nhận được nhiều thông tin chi tiết và đa dạng hơn là những điểm tóm tắt được đăng trên trang web doanh nghiệp.
Ứng viên có muốn gắn bó lâu dài với công ty?
Nhiều nghiên cứu cho thấy có hơn 50% sinh viên mới tốt nghiệp dành ít hơn 18 tháng với nhà tuyển dụng đầu tiên của họ. Bởi vì có thể mất vài tháng hoặc hơn để một sinh viên mới ra trường quen với công việc nên việc tuyển dụng họ trong ngắn hạn có thể ảnh hưởng đến doanh thu và chiến lược của công ty. Để tránh trở thành “bệ phóng” của những ứng viên này, hãy chắc chắn rằng họ thực sự muốn làm việc cho bạn. Bên cạnh đó cần xây dựng và trình bày các chương trình đào tạo cho thấy công ty quan tâm đến sự phát triển của nhân viên cũng như lộ trình tăng lương rõ ràng. Và điều quan trọng hơn là thực hiện những gì bạn đã hứa. Nếu bạn chỉ đưa ra những phúc lợi hấp dẫn mà không thực hiện chúng thì việc nhân viên chỉ gắn bó với công ty trong một thời gian ngắn là lỗi ở bạn.
Huỳnh Trâm
Author Profile
Latest entries
- Bí quyết tuyển dụng2024.09.09Khám phá sức mạnh của lắng nghe chủ động trong tuyển dụng
- Nghệ thuật quản lý2024.09.04Điều gì xảy ra nếu đặt kỳ vọng thiếu thực tế cho nhân viên?
- Bí quyết tuyển dụng2024.08.26Thổi phồng công việc để thu hút ứng viên, lợi hay hại?
- Nghệ thuật quản lý2024.08.19Nên làm gì với những nhân viên thiếu tự tin?