Làm thế nào để phát triển kỹ năng lãnh đạo thật hiệu quả?

Làm thế nào để phát triển kỹ năng lãnh đạo là một trong những yêu cầu đặt ra đối với người quản lý khi đảm nhận vai trò “chèo lái” cả một tập thể, thông qua đó mỗi nhân viên có thể phát huy được khả năng và sức sáng tạo của mình một cách tốt nhất, nhằm đem lại kết quả như ý trong công việc. Sau đây, CareerLink.vn sẽ chia sẻ một vài lời khuyên hữu ích, với mục đích hỗ trợ bạn biết cách làm thế nào để phát triển kỹ năng lãnh đạo sao cho thật hiệu quả nhé.

 1.Kỹ năng tạo động lực

Động viên mọi người: Một nhà lãnh đạo giỏi là người có khả năng truyền cảm hứng, tạo động lực và tiếp thêm nghị lực. Hãy là một người cố vấn tốt. Tập trung mang lại những điều tốt nhất cho con người, phát triển tài năng của nhân viên và khuyến khích họ trình bày sáng kiến và ý tưởng của bản thân.

Ăn mừng thành công: Khen ngợi nhân viên là biện pháp khích lệ tinh thần hữu hiệu. Nếu có vấn đề xảy ra, không nên chỉ trích nhân viên công khai. Hãy nói chuyện riêng với nhân viên và đóng góp có tính xây dựng cũng như chỉ ra điểm tích cực của họ. Nếu dự án của bạn thất bại, hãy mở một buổi thảo luận với nhóm làm việc để cùng nhau chỉ ra những gì cần thay đổi trong dự án tiếp theo cũng như có thể rút ra được gì sau thất bại đó.

Ủng hộ nhân viên của bạn: Là lãnh đạo không có nghĩa là tất cả mọi người phải tự động làm theo bạn. Hãy hiểu rõ nhu cầu đội – nhóm của bạn, nếu nhân viên của bạn cần đào tạo thêm, nâng cấp công cụ – kỹ thuật mới hoặc thay đổi ca làm việc, hãy sẵn sàng hành động vì họ trong điều kiện cho phép. Điều quan trọng là hãy thấu hiểu, ủng hộ và động viên nhân viên khi họ cần.

Hỗ trợ – hướng dẫn: Đây là điều mà nhà quản lý nên làm nhằm trợ giúp nhân viên của mình trong những tình huống khó xử, bất cập, đặc biệt khi là “lính mới”, còn với nhân viên lâu năm, việc hỗ trợ – hướng dẫn nhằm vạch ra mục tiêu chính xác, tạo ra sự thống nhất để đem lại hiệu quả công việc tốt nhất. Hãy chứng minh rằng bạn hiểu rõ những thách thức mà họ phải đối mặt, mặc dù bạn chưa từng làm công việc của họ. Sẽ tốt hơn nếu bạn hiểu rõ mong đợi của nhân viên và đưa ra đánh giá chân thành cho các nhiệm vụ công việc của họ.

 2.Tinh thần trách nhiệm

Chịu trách nhiệm: Khi nhân viên mắc những sai lầm, thiếu sót không mong muốn, với tư chất là người lãnh đạo, bạn cần có tinh thần trách nhiệm cao, đứng ra nhận lỗi và tìm biện pháp khắc phục ngay lập tức, không nên để tình trạng tiếp tục tái diễn.

Giải quyết vấn đề: Với tố chất lãnh đạo, nhà quản lý phải đề ra biện pháp cụ thể để giải quyết vấn đề. Trong trường hợp, đứng trước một quyết định khó khăn và nhận nhiều ý kiến trái chiều, bạn cần có hoạch định rõ ràng, xử lý xung đột và thuyết phục nhân viên bằng hành động và kết quả cụ thể. Điều này đòi hỏi lãnh đạo phải khéo léo trong giao tiếp – ứng xử. Chính kiến rõ ràng, định hướng sáng tạo tìm ra hướng giải quyết thấu đáo sẽ khiến nhân viên tin tưởng vào bản lĩnh và tài năng của bạn hơn.

Gương mẫu: Nhà quản lý là tấm gương để mọi cá nhân trong công ty noi theo, bạn có làm được thì mới khiến người khác nghe theo. Duy trì thái độ lạc quan và bỏ qua những nhận xét tiêu cực để định hướng, tập trung tư tưởng của tập thể theo nguyên tắc, kỷ luật đã định sẵn.

 3.Cốt cách trung thực, liêm khiết

Làm điều đúng đắn: Khi bạn phải đối mặt với một quyết định đi ngược lại giá trị của bản thân, hãy lên tiếng. Nếu bạn bị yêu cầu làm những việc bất hợp pháp hoặc vô đạo đức, thì nên từ chối, thì bạn hãy đứng lên vì bản thân và quyền lợi của nhân viên.

Trung thực: Khi bạn nói ra điều gì, hãy đảm bảo điều bạn nói ra là đúng sự thật và mang tính nhất quán cao. Nếu bạn không thể làm điều gì đó, đừng nên hứa hẹn. Khi bạn mắc lỗi, hãy thừa nhận và xin lỗi. Bạn sẽ gây ấn tượng với cộng sự, khách hàng và nhân viên của bạn nếu bạn trung thực với họ.

Tránh ngồi lê đôi mách: Đừng lan truyền tin đồn tệ hại hoặc nhắc lại những câu chuyện có vẻ không liên quan đến người khác. Hãy thể hiện sự tôn trọng và truyền cảm hứng cho nhân viên, từ đó bạn sẽ tạo được uy tín của bản thân với cấp dưới.

Cố gắng hết sức: Duy trì sự tự tin, tôn trọng người khác. Luôn thể hiện tài năng và kỹ năng lãnh đạo tốt nhất của bạn trong bất kỳ công việc nào, bạn sẽ nhận được sự ngưỡng mộ và tôn trọng cho những nỗ lực vì tính trung thực và liêm chính.

 Kỹ năng lãnh đạo mà bạn có được là kết quả của cả một quá trình học hỏi liên tục. Không chỉ dừng lại ở đó, bạn cần tiếp tục nâng cao tinh thần học hỏi, giám sát kỹ lưỡng công việc của toàn bộ công ty để đảm bảo năng suất và chất lượng công việc. Bằng chính tài năng, lòng kiên trì, tin tưởng vào bản thân, kỹ năng lãnh đạo là công cụ truyền cảm hứng đến với các cá nhân khác.

Thu Hiền

Sao chép thành công