Làm gì để nâng cao trải nghiệm ứng viên khi tuyển dụng?

Mang lại trải nghiệm ứng viên tuyệt vời không nhất thiết phải phức tạp hay tốn kém, chỉ cần đánh giá các hoạt động tuyển dụng hiện tại, xác định những điểm khiến ứng viên bỏ dở giữa chừng và cải thiện chiến lược.

Làm gì để nâng cao trải nghiệm ứng viên khi tuyển dụng?

“Tháng trước mình được một công ty khá lớn gọi mời phỏng vấn. Khỏi phải nói, mình vui như bắt được vàng vì đó là một doanh nghiệp có tên tuổi, là nơi mình cũng tăm tia từ lâu và mình lại có bạn làm việc ở đó nữa.

Sau buổi gặp đầu tiên, chị A. phụ trách tuyển dụng nói rằng mình sẽ gặp sếp của chị trong lần phỏng vấn tới và sẽ báo cho mình thời lịch gặp chính xác qua email. Một tuần đến rồi đi. Rồi một tuần nữa trôi qua. Mình gọi điện nhưng không gặp được chị nên để lại tin nhắn. 3 ngày sau mình lại gửi email hỏi thăm. Mọi người có tin được không? Mình vẫn không nhận được bất kỳ câu trả lời nào. Chẳng lẽ công ty không quan tâm đến uy tín và chị nhân viên kia cũng chẳng thèm để ý đến sự chuyên nghiệp của bản thân sao?”

Có lẽ mọi người chúng ta ít nhiều đều biết các câu chuyện kinh dị về trải nghiệm ứng tuyển đáng quên như vậy, thậm chí có những tình huống “sốc tới óc” được lan truyền nhanh hơn cả cháy rừng. Làm việc ở vai trò tuyển dụng, chắc hẳn chúng ta không muốn trở thành “kẻ phản diện” trong những câu chuyện đó phải không nào? Đó là lí do vì sao cần chú trọng hơn đến trải nghiệm ứng viên. Cho dù ứng viên có muốn làm việc tại công ty hay không, hay chúng ta có tuyển họ hay không, hãy khiến họ cảm thấy hài lòng. Nhưng phải làm gì đây?

Hãy cùng nghe chia sẻ về những trải nghiệm ứng viên sau đây để có hướng đi phù hợp nhé.

Thông tin quan trọng nên trao đổi qua các email chỉn chu – Nguyễn Thị Thanh Nguyên, Copy Writer.

“Dẫu rằng việc trò chuyện, kết nối qua Facebook, Zalo sẽ nhanh chóng và tiện lợi hơn nhưng em nghĩ những nền tảng này chỉ nên dừng lại ở bước trao đổi thông tin ban đầu, chứ không nên để gửi những nội dung quan trọng như thư mời phỏng vấn. Em đã từng nhận được thư mời qua Messenger nhưng quả thật là em không tin tưởng cho lắm nên đã đề nghị gửi lại qua email. Không thể tưởng tượng được mọi người ạ. Email chi chít lỗi chính tả, phông chữ lúc thế này lúc thế khác, phần chữ ký chỉ trơ trọi tên của người gửi, đến tên của em cũng viết sai. Lướt qua email thôi mà em đã muốn xỉu ngang”.

Mẹo tuyển dụng: Khi gửi thư mời phỏng vấn hay lời mời nhận việc, email là lựa chọn tốt nhất. Luôn gửi email cho bạn trước khi gửi đến ứng viên và trả lời các câu hỏi: Dòng tiêu đề hiện lên trong hộp thư đến của bạn như thế nào? Email xuất hiện trên điện thoại ra sao? Bạn có thích đọc email này không? Nếu câu trả lời là không thì có thể ứng viên cũng sẽ như vậy. Nhanh nhanh sửa lại thôi!

“Ước gì thời gian của mình được tôn trọng hơn” – Lâm Thùy Anh, Chuyên viên Chăm sóc khách hàng.

“Công ty mình vừa ứng tuyển cố tình bắt tất cả các ứng viên phải đợi hơn 1 tiếng so với giờ đã hẹn mới bắt đầu phỏng vấn. Họ giải thích đó là cách mà họ “lọc” ứng viên vì họ sẽ từ chối phỏng vấn bất kỳ ai rời đi trong thời gian chờ đợi đó. Nếu nhà tuyển dụng bận việc đột xuất, mình có thể đợi 15 – 20 phút. Nhưng cố tình bắt chờ như thế này thì mình cảm thấy quá đáng lắm. Mình là một trong số 6 người ra về (trong tổng số 8 người đang có mặt ở đó) và để lại lời nhắn: “Xin lỗi vì đã gặp anh vào lúc bận rộn như thế này. Vui lòng gọi lại cho em khi anh đã sẵn sàng”. Tất nhiên là mình chẳng bao giờ quay lại.”

Mẹo tuyển dụng: Ai cũng có công việc của riêng họ, nếu chúng ta không tôn trọng điều đó thì sẽ không thể giúp họ có những trải nghiệm ứng viên tích cực. Đừng thay đổi lịch xoành xoạch đến nỗi ứng viên khi đến nơi hẹn rồi vẫn còn nhận được tin nhắn cập nhật, luôn đến đúng giờ phỏng vấn và đừng kéo dài quá thời gian đã hẹn. Hãy cho ứng viên thấy chúng ta tôn trọng họ cũng như lịch làm việc của họ và họ sẽ đáp lại điều đó.

“Cung cấp trải nghiệm ứng viên hấp dẫn không còn chỉ là một lựa chọn mà là điều bắt buộc nếu muốn nâng cao thương hiệu tuyển dụng”

“Mình rất ấn tượng với công ty vì đã linh động phỏng vấn ngoài giờ hành chính” – Nguyễn Khiết Hảo, Nhân viên Sales.

“Cuối tuần là khoảng thời gian thư giãn nghỉ ngơi, bỏ lại sau lưng sự căng thẳng tích tụ trong 5 ngày qua nên em không mong là việc đề nghị phỏng vấn vào cuối tuần được chấp nhận, nhưng bất ngờ là nhà tuyển dụng lại gật đầu cái rụp, còn hướng dẫn tận tường đường đi, đến nơi sẽ gặp ai và cần chuẩn bị những gì. Sự nhiệt tình đó đã khiến em có cảm tình rất nhiều đối với công ty. Dù chưa có duyên làm việc cùng nhau nhưng em sẵn sàng giới thiệu để công ty sớm tìm được người phù hợp.”

Mẹo tuyển dụng: Có nhiều ứng viên tìm việc mới trong âm thầm lặng lẽ vì không muốn công ty hiện tại biết về dự định “nhảy” việc của mình. Bên cạnh đó, những ứng viên xuất sắc nhất là người bận rộn và khó sắp xếp lịch trình nhất vì họ đang chăm chỉ với công việc hiện tại. Do đó, linh hoạt hẹn lịch phỏng vấn vào buổi tối hoặc cuối tuần, hay chọn các hình thức phỏng vấn qua video chắc chắn sẽ được họ hoan nghênh. Đồng thời điều này cũng sẽ giúp đẩy nhanh quá trình tuyển dụng khi công ty đang có quá nhiều vị trí cần nhân sự đảm nhận.

“Nếu không được chọn, tôi muốn biết lý do tại sao để lần sau làm tốt hơn” – Phạm Minh Nhựt – Nhân viên Kế toán thống kê

“Dù rớt phỏng vấn nhưng được giải thích rõ ràng lí do cũng khiến tâm trí tôi thoải mái hơn là sự im lặng hoặc chỉ vài câu chung chung: Em không phù hợp. Tôi biết rằng không phải công ty nào cũng có thời gian để phản hồi chi tiết nhưng nếu có thể đưa ra một hoặc hai ghi chú về điểm tôi còn thiếu sót thì tôi cảm kích lắm. Những lời góp ý giá trị đó sẽ giúp tôi hiểu hơn về vị trí ứng tuyển cũng như quan điểm của nhà tuyển dụng để có thể chuẩn bị và thể hiện tốt hơn vào lần sau.”

Mẹo tuyển dụng: Dành thời gian để giải thích lí do từ chối sẽ cải thiện đáng kể trải nghiệm ứng viên và thương hiệu tuyển dụng của bạn vì rất ít công ty chú ý đến điều đó. Nếu phản hồi bạn đưa ra cho các ứng viên bị từ chối mang tính xây dựng, thì khả năng họ sẽ ứng tuyển lại hoặc giới thiệu cho người khác cao gấp 4 lần.

“Quy trình ứng tuyển có thể tinh gọn hơn không?” – Huỳnh Thúy Vy, Biên tập viên

“Mình hỏi như vậy bởi không hiểu tại sao trước khi vào phỏng vấn, mình phải điền lại tất cả các nội dung đã có trong CV vào hơn 3 trang giấy được gọi là Thông tin ứng viên. Mình đã ngồi đực mặt ra hơn 10 phút trước khi quyết định có nên điền hay không. Cuối cùng, vì tiếc công hơn nửa tiếng lặn lội đến nơi phỏng vấn, mình cũng hoàn thành xong nhưng trong lòng không khỏi ấm ức. Kể lại chuyện này với vài người bạn, ai cũng bảo mình kiên nhẫn, chứ nếu gặp họ là đã bỏ về giữa chừng rồi.”  

Mẹo tuyển dụng: Đã bao giờ bạn cân nhắc lại những gì đang yêu cầu ở ứng viên chưa? Cách gửi CV ứng tuyển có dễ dàng không? Các mẫu đăng ký ứng tuyển của bạn có phức tạp không và có thể sử dụng trên tất cả các thiết bị? Hãy đánh giá quy trình ứng tuyển của bạn và làm mọi thứ có thể để nó đơn giản hơn, tốn ít thời gian hơn.

Trong bối cảnh tuyển dụng cạnh tranh hiện nay, việc giúp ứng viên có trải nghiệm ứng viên tích cực là điều cần chú trọng để thu hút được những tài năng tốt nhất. Nếu không biết bắt đầu từ đâu, bạn có thể xem qua các ý kiến trên đây để cân nhắc những gì có thể áp dụng. Và nếu bạn đang cần số lượng lớn ứng viên, hãy nhấn vào đây để khám phá những giải pháp tuyển dụng mà CareerLink có thể mang đến cho doanh nghiệp của bạn nhé.

Pha Lê

Sao chép thành công