Bí quyết tạo thiện cảm với đối tác
Người lãnh đạo nắm bắt được bí quyết tạo thiện cảm với đối tác thì sẽ nhanh chóng chiếm được cảm tình và ghi điểm trong mắt đối phương về tác phong chuyên nghiệp trong việc thiết lập, phát triển các mối quan hệ hợp tác của công ty. Sau đây, CareerLink.vn sẽ chia sẻ với bạn để biết được muốn tạo thiện cảm với đối tác thì cần những bí quyết nào?
Tuân thủ giờ giấc bằng việc đúng hẹn
Tuân thủ giờ giấc bằng việc đúng hẹn là nguyên tắc cơ bản và vô cùng quan trọng, qua đó thể hiện tác phong làm việc chuyên nghiệp, điểm này bạn phải lưu tâm hàng đầu nhé.
Bạn tuyệt đối không nên đến trễ trong lần gặp mặt đầu tiên, đặc biệt là những đối tác mới đầy tiềm năng, mà nên đến sớm khoảng 5 – 10 phút, điều này cho thấy bạn là người biết cách quản lý thời gian, nghiêm túc, nguyên tắc trong công việc, đồng thời bộc lộ rõ tính cách kiên định và chắc chắn ở bạn. Thay vì tự đưa bản thân vào tình huống cập rập, phải hớt hơ hớt hải, thì đến sớm khiến bạn trông thủng thẳng, có thời gian quen dần với môi trường xung quanh, chủ động nắm bắt được bao quát tình hình.
Lựa chọn địa điểm phù hợp
Tùy vào tính chất cuộc gặp mặt với đối tác mà bạn cân nhắc lựa chọn địa điểm cho phù hợp, nhưng nhìn chung không gian chủ đạo vẫn nên là yên tĩnh, khép kín để buổi trao đổi, thảo luận được diễn ra suôn sẻ, trót lọt và không bị gián đoạn bởi tạp âm bên ngoài.
Văn phòng công ty là lựa chọn lý tưởng cho những cuộc thương lượng, đàm phán mang tính chất quan trọng với sự tham gia của những nhân viên cấp cao đến từ các bên. Đối với những ngành thiết kế – đồ họa, truyền thông, quảng cáo, PR,… thì công việc mang tính chất linh động, khả năng sáng tạo cao nên địa điểm gặp mặt cũng phần nào thể hiện phong cách của bạn, sự hợp rơ về sở thích cũng góp phần thúc đẩy cuộc trao đổi diễn ra “xuôi chèo mát mái”.
Khởi động bằng động tác đứng lên, cúi chào
Đứng lên và cúi chào là cách ứng xử tinh tế và lịch sự, cùng với sự tôn trọng của bạn dành cho đối tác, thì một điều chắc chắn rằng đối tác sẽ nhận thấy cuộc gặp mặt này thật sự quan trọng và bạn luôn trong tâm thế sẵn sàng để tiếp đón họ bất cứ lúc nào.
Ngược lại, bạn cứ ngồi ì ra đó, dù cho nụ cười có nở trên môi lúc này cũng đã tạo nên khoảng cách vô hình với đối tác, làm họ cảm thấy bạn không coi trọng cuộc gặp gỡ này, không có mấy hứng thú và miễn cưỡng đến gặp mặt. Đôi khi, hành động còn bộc lộ nhiều hơn những gì mà bạn nói, như thể “Chúng ta hãy nhanh chóng đi vào vấn đề chính, tôi đang còn rất nhiều việc phải giải quyết”.
“Lời chào cao hơn mâm cỗ”
Có câu “lời chào cao hơn mâm cỗ”, một lời chào khéo léo tạo được cảm tình sẽ đem lại ấn tượng ban đầu khá tốt đẹp, về sau trong quá trình đàm phán, đối tác sẽ sẵn sàng bỏ qua nếu bạn có sơ sẩy phạm phải lỗi nhỏ nào đó, vì theo tâm lý thông thường thì càng về dài lâu, họ càng dễ bỏ qua những tiểu tiết, vụn vặt. Chẳng hạn bạn có thể thể hiện thái độ nghênh đón nồng nhiệt như “Chào ông B, chúng ta đã có cuộc hẹn bàn về hợp đồng giao dịch nhà đất phải không nào? Tôi rất vui vì sự hiện diện của ông vào ngày hôm nay”. Vậy nên một lời chào hỏi thân mật sẽ là màn dạo đầu giúp cho quá trình đàm phán diễn ra theo hướng cởi mở và gần gũi hơn rất nhiều.
Nếu như đó là buổi gặp mặt bất ngờ, bạn có thể xoa dịu đối tác bằng cách nhờ thư ký tiếp đón rồi gửi lời chờ đợi trong giây lát và mời họ dùng nước. Sau đó, bạn có thể bắt đầu lời chào bằng câu xin lỗi rằng “Chào bà A, thành thật xin lỗi vì đã để bà chờ lâu như vậy, tôi đang phải giải quyết một số việc dang dở, những ngày cuối tháng luôn phải bận rộn như thế đấy”.
“Tay bắt mặt mừng”
Bên cạnh nụ cười thân thiện, thì cái bắt tay nói lên rất nhiều điều. Bạn không nên bắt tay quá chặt vì như thế vô tình thể hiện sự áp đảo, độc đoán, và cũng không nên quá lỏng sẽ tạo cảm giác hời hợt, không mấy bận tâm. Đồng thời, thế bàn tay nên để theo hướng dọc xuôi, lòng bàn tay áp vào nhau, thể hiện thái độ ôn hòa, nếu thế tay hơi ngửa cho thấy bạn là người khá thụ động, không có chính kiến rõ ràng, quan điểm dễ bị lung lay, còn nếu thế tay hơi úp xuống sẽ khiến đối tác không hài lòng vì cho rằng bạn là người muốn trên cơ, trịch thượng, tự quyết. Bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau là nguyên tắc cơ bản trong quan hệ đối tác công việc.
Chúng tôi – chúng ta
Ngôn ngữ dứt khoát, trình bày mạch lạc sẽ tạo cảm giác đáng tin cậy, vì đối với những đối tác mới lần đầu gặp mặt thì tạo được cảm giác chính là yếu tố quyết định, còn đối với khách hàng lâu năm thì càng thêm khẳng định sự tin tưởng của họ dành cho bạn là đúng đắn. Cách sử dụng đại từ xưng hô “chúng ta” trong suốt quá trình đàm phán thể hiện sự tôn trọng ý kiến của nhau để đi đến thống nhất chung dựa trên thái độ hợp tác, còn “chúng tôi” thể hiện tinh thần đoàn kết của toàn thể nhân viên, và đối tác đang thảo luận với tiếng nói chung của cả công ty chứ không phải của riêng một cá nhân nào, đây cũng là cách thức truyền tải văn hóa – mội trường làm việc của công ty đến với đối tác.
Sự chuyên nghiệp được xây dựng dựa trên nền tảng những điều cơ bản và đơn giản nhất, nắm bắt bí quyết tạo thiện cảm với đối tác sẽ là hữu ích cho sự thành công của bạn trong bất kỳ mối quan hệ nào và với bất kì ai.
Hương Giang
Author Profile
Latest entries
- Nghệ thuật quản lý2024.09.04Điều gì xảy ra nếu đặt kỳ vọng thiếu thực tế cho nhân viên?
- Bí quyết tuyển dụng2024.08.26Thổi phồng công việc để thu hút ứng viên, lợi hay hại?
- Nghệ thuật quản lý2024.08.19Nên làm gì với những nhân viên thiếu tự tin?
- Bí quyết tuyển dụng2024.08.12Xử lý khéo khi ứng viên xin việc làm “bùng” phỏng vấn