5 lỗi phổ biến khi tuyển dụng sinh viên mới tốt nghiệp

Sinh viên mới tốt nghiệp có thể là một nguồn lực đầy tiềm năng cho các công ty thuộc mọi quy mô bởi họ tràn đầy năng lượng, luôn có những ý tưởng mới độc đáo và sẵn sàng đương đầu với những khó khăn trong công việc thực tế đầu tiên của họ. Tuy nhiên, để tận dụng được những ưu điểm này, nhà tuyển dụng cần tránh 5 lỗi thường mắc phải làm giảm hiệu quả tuyển dụng sinh viên mới tốt nghiệp sau đây.

1. Chú trọng vào kinh nghiệm hơn tiềm năng

Ngoại trừ một số cá nhân xuất sắc đặc biệt, hầu hết các bạn sinh viên mới tốt nghiệp đều “non kinh nghiệm” sống lẫn chuyên môn. Dù rằng nhiều cá nhân chăm chỉ làm thêm nhưng có thể các công việc đó không liên quan nhiều đến vị trí ứng tuyển. Do vậy, nhà tuyển dụng nên xem xét đến tiềm năng và kỹ năng mềm của họ để có thể “chọn mặt gửi vàng”. Hãy chú ý đến các ứng viên chứng minh rằng họ hiểu rõ về lĩnh vực chuyên môn và thể hiện các phẩm chất quan trọng như khả năng lãnh đạo, giao tiếp, có sự nhiệt tình, ham học hỏi… cũng như mức độ phù hợp với văn hóa của tổ chức.

2. Mô tả công việc quá phức tạp

Một số doanh nghiệp thường có khuynh hướng phức tạp hóa khi mô tả vai trò công việc nhằm khiến vị trí tuyển dụng đó trở nên nổi bật hơn, tuy nhiên điều này có thể gây khó hiểu cho những sinh viên mới ra trường. Nếu sau 5 phút họ vẫn không hiểu mục đích công việc thực sự là gì, chắc rằng họ sẽ bỏ qua thông tin tuyển dụng trên, trong khi có thể đó là vị trí họ đang tìm kiếm và thực sự phù hợp. Do đó, để tránh tình trạng này, hãy ngắn gọn, súc tích, rõ ràng khi mô tả về vai trò bạn đang tuyển dụng và sinh viên mới tốt nghiệp có thể biết được liệu đây có phải là công việc dành cho họ hay không.

3. Công việc không mang tính thách thức

Điểm chung của những người trẻ đó là khát khao cống hiến và sống có hoài bão. Vì vậy, họ sẽ chú trọng tìm kiếm các công việc mang tính thách thức hơn là các lựa chọn “nhàn nhàn”. Thêm nữa, khi còn trẻ thì ai cũng có nhiều thời gian “để sai” nên ít đắn đo hơn khi đối diện với khó khăn. Thế nên, nếu công việc không mang tính thử thách, cho dù đó là kỹ năng giải quyết vấn đề hay khả năng giao tiếp, thì sự quan tâm của họ dành cho công việc cuối cùng cũng sẽ biến mất.

Vì vậy ngoài mô tả công việc chi tiết, liệt kê đầy đủ các phúc lợi thì nhà tuyển dụng cần đề cập đến các nhiệm vụ có thể đưa ứng viên ra khỏi vùng thoải mái của mình và cung cấp cho họ các dự án mà họ có thể tự phụ trách. Điều này có thể giúp thu hút ứng viên, khiến họ muốn ở lại và cùng xây dựng tương lai với doanh nghiệp.  

4. Trung thành với một phong cách tuyển dụng

Trung thành với một kênh tuyển dụng duy nhất có thể khiến bạn bỏ lỡ đối tượng mục tiêu của mình. Những sinh viên mới tốt nghiệp ngày nay có xu hướng không đọc báo giấy, họ đang sử dụng máy tính, điện thoại thông minh để tìm việc trên các trang web việc làm, các diễn đàn chuyên ngành và vào các trang mạng xã hội để tìm hiểu về nhà tuyển dụng cũng như văn hóa công ty. Do đó, hãy xem xét điều chỉnh phong cách tuyển dụng của bạn theo các xu hướng này.

5. Thái độ không tử tế

Tham gia ứng tuyển có thể là tương tác đầu tiên mà các ứng viên trẻ có được với những người đứng phía sau thương hiệu của bạn. Nếu bạn không đối xử với họ bằng thái độ tôn trọng trong quá trình tuyển dụng chẳng hạn như gửi các email thô lỗ, bắt họ chờ đợi trong thời gian dài hoặc kéo dài sự im lặng, bạn sẽ để lại một ấn tượng vô cùng xấu hình ảnh của công ty bạn. Ngoài ra, những sinh viên mới tốt nghiệp này có nhiều khả năng trở thành một chuyên gia trong lĩnh vực hoạt động của công ty bạn. Điều này có nghĩa rằng bạn có thể cần sự hỗ trợ của họ hoặc muốn thuê họ ở một thời điểm nào đó trong tương lai. Thế nên, hãy thể hiện sự tôn trọng và tạo mối quan hệ tốt với họ để tránh đối mặt với các tình huống khó xử có thể xảy ra sau này.

Trung Thành

Sao chép thành công