5 lí do nhân viên không ra khỏi “vùng an toàn” khi làm việc

Thị trường cạnh tranh như hiện nay đòi hỏi từng thành viên của doanh nghiệp phải không ngừng cải thiện và đổi mới. Tuy nhiên, có khá nhiều nhân viên lại không dám bước ra khỏi “vùng an toàn” của chính mình. Lí do gì khiến họ quyết định như thế? Hãy cùng tham khảo 5 nguyên nhân phổ biến sau đây để có các giải pháp điều chỉnh hay khích lệ phù hợp nhé!

Tính cách cá nhân

Những nhân viên có tính cách hướng nội, an phận thường thích làm những việc ít va chạm, ít thử thách, họ sợ thất bại nên lựa chọn cách an toàn nhất để thực hiện. Sự thiếu tự tin khiến họ không dám thay đổi hay đề xuất ý kiến của mình với cấp trên. Tuy nhiên, ưu điểm của những người này là ít sai sót trong quá trình làm việc. Vì vậy, nếu lí do thuộc về tính cách thì bạn có thể giao việc đúng với sở trường, và tìm cách động viên khích lệ để họ thêm nỗ lực làm việc tốt. Ngoài ra, bạn có thể giao tiếp nhiều hơn với họ để tìm hiểu mong muốn, nguyện vọng, từ đó, giúp họ định hướng và gắn kết hơn với mục tiêu của công ty.

Phong cách của người quản lý

Mỗi nhà quản lý đều có cách lãnh đạo khác nhau. Có người cởi mở, nhiệt tình, biết cách khuyến khích những ý kiến mới, thúc đẩy sự sáng tạo của nhân viên, nhưng cũng có người không thể hiện rõ quan điểm của mình vì có thể chưa hoàn toàn tin vào năng lực của cấp dưới. Nếu nhân viên đề xuất các ý tưởng mới một hoặc hai lần đều bị từ chối thẳng thừng thì chắc rẳng bạn sẽ không nhận được bất kỳ ý kiến nào từ họ nữa. Tâm lý của nhân viên là sợ “nằm trong tầm ngắm” của sếp hay cảm giác “chơi trội” trong mắt đồng nghiệp. Theo thời gian, họ sẽ thay đổi tư duy, suy nghĩ và lựa chọn cách làm việc an toàn tại công ty. Trong trường hợp này, bạn cần giải thích rõ để nhân viên hiểu rõ được lý do bị từ chối hoặc cùng họ làm rõ mức độ khả thi khi thực hiện. Chắc chắn, nhân viên sẽ vui vẻ, nhiệt tình, hết mình với công việc và trở thành cánh tay đắc lực của bạn.

Ảnh hưởng từ môi trường làm việc

Môi trường làm việc ảnh hưởng rất lớn đến suy nghĩ và cách làm việc của nhân viên. Nếu môi trường làm việc ít năng động, mọi hoạt động đều diễn ra theo guồng máy từ trước, lâu dần sẽ tác động không nhỏ đến họ. Có thể thấy rõ hiện tượng này đối với những nhân viên khi mới vào làm việc đều rất năng nổ, nhiệt tình, luôn đưa ra các ý tưởng đóng góp sáng tạo và táo bạo. Thế nhưng, chỉ một thời gian sau đó, khi những gai góc trong suy nghĩ bị mài mòn bởi môi trường làm việc ì ạch, họ bắt đầu “lười” thay đổi vì xung quanh mình ai cũng vậy. Bạn cần nhìn nhận, định hướng và thay đổi môi trường tích cực để nhân viên có thể phát huy được năng lực của họ.

Tính chất công việc

Có những công việc không đòi hỏi nhiều sự sáng tạo mà cần sự chính xác, tỉ mỉ hơn như kế toán, văn thư lưu trữ, hành chánh… Ở những vị trí này nhân viên thường làm cùng một quy trình công việc ngày này qua ngày khác, và nếu có thay đổi vẫn phải đảm bảo tuân thủ theo quy định chung.

Vì vậy, thêm một chút phong trào thi đua, tăng cường các hoạt động tập thể để giúp nhân viên gắn kết hay thể hiện khả năng là việc cần thực hiện. Và trong những phong trào, cuộc thi ấy, bạn có thể sẽ lọc ra được những “người giỏi” để thay đổi, điều chỉnh các vị trí trong trường hợp cần thiết, tạo nên những “làn gió mới” cho công ty.

Thiếu các kỹ năng cần thiết

Hãy thử nghĩ: khi nhân viên gặp khó khăn như muốn lưu trữ thông tin trên giấy sang dữ liệu máy tính, nhưng lại không biết sử dụng công nghệ, hoặc muốn mở rộng nhóm khách hàng nước ngoài nhưng lại không biết tiếng Anh, thì phải làm sao? Vì vậy, những người thiếu kỹ năng thường khó thoát khỏi “vùng an toàn” khi làm việc. Nếu công việc hiện tại đã ổn định, bạn cần hướng nhân viên phát triển cao hơn hoặc chủ động hơn trong công việc bằng cách tìm hiểu và tiến hành đào tạo bổ sung những kỹ năng cần thiết.

 

Tuyết Nga

Sao chép thành công