Mục Lục
- Những câu hỏi phỏng vấn gợi ý khi tuyển dụng copywriter
- Bạn tìm kiếm và nghiên cứu thông tin như thế nào?
- Hãy mô tả một chút về quy trình viết bạn thường sử dụng
- Bạn làm gì để vượt qua các khó khăn trong quá trình viết?
- Làm sao bạn khuyến khích người đọc hành động thông qua nội dung của mình?
- Bạn tối ưu hóa nội dung cho công cụ tìm kiếm (SEO) bằng cách nào?
- Có khi nào nội dung của bạn bị góp ý sửa đổi quá nhiều chưa? Bạn làm gì khi rơi vào tình huống đó?
- Bạn nghĩ gì về việc viết nội dung trên trang web của chúng tôi? Bạn sẽ cải thiện nó như thế nào?
Trong thế giới tiếp thị và quảng cáo ngày nay, ngôn từ có sức mạnh vô cùng to lớn. Tất cả các doanh nghiệp đều cần nội dung độc đáo, thú vị để tạo ấn tượng với người xem và thuyết phục họ mua hàng hoặc sử dụng dịch vụ. Điều này cũng có nghĩa là copywriter, người tạo ra những nội dung này có vai trò quan trọng trong sự thành công của doanh nghiệp. Tuy nhiên, tuyển dụng copywriter tài năng là thách thức không hề nhỏ.
Cho dù đang tìm kiếm nhân viên copywriter làm việc tại văn phòng hay người làm freelance, bạn cần biết cách phỏng vấn hiệu quả, cụ thể là biết chính xác nên hỏi những gì để có thể phát hiện ra những “viên ngọc ẩn”.
Theo chị Nguyễn Thị Tuyết Mai, Giám đốc Marketing thì nếu hỏi ứng viên 7 điều sau đây, bạn sẽ có nhiều cơ hội tìm ra “mảnh ghép hoàn hảo” cho nhóm sáng tạo nội dung của mình.
“Việc tuyển dụng copywriter có thể giúp bạn phát triển và củng cố thương hiệu của mình bằng cách tạo ra các thông điệp thú vị được truyền tải nhất quán.”
Những câu hỏi phỏng vấn gợi ý khi tuyển dụng copywriter
Bạn tìm kiếm và nghiên cứu thông tin như thế nào?
Tại sao điều này lại quan trọng? Chị Tuyết Mai cho biết: “Viết cái gì cũng vậy, copywriter đều phải trải qua bước nghiên cứu và tìm hiểu thông tin. Có nghiên cứu, họ mới tìm ra các góc nhìn khác lạ và hình thành các chủ đề lý thú thu hút sự quan tâm của đông đảo người xem. Hơn nữa, nghiên cứu cũng đảm bảo thông tin đưa ra là chính xác. Kỹ năng này đặc biệt quan trọng trong bối cảnh truyền thông hiện nay khi mà thông tin sai lệch, thiếu căn cứ xuất hiện nhan nhản và lan truyền với tốc độ chóng mặt”.
Chị Mai gợi ý, một câu trả lời hay sẽ giải thích cặn kẽ cách ứng viên xác minh tính xác thực của thông tin, từ việc hỏi ý kiến của các chuyên gia trong ngành, đọc các báo cáo của bên thứ ba đến việc xem các tạp chí chuyên ngành, sách trắng, các số liệu thống kê của chính phủ… Dù là gì thì đó nên là nguồn đáng tin cậy, có độ uy tín cao. Có như vậy, thông tin đưa ra mới có tính thuyết phục và thương hiệu mới chiếm được cảm tình của khách hàng tiềm năng.
Hãy mô tả một chút về quy trình viết bạn thường sử dụng
Có câu nói rằng: người nghiệp dư ngồi chờ cảm hứng, trong khi người chuyên nghiệp đứng dậy và bắt tay vào làm việc. Chị Tuyết Mai chia sẻ: “Một copywriter giỏi sẽ có quy trình các bước rõ ràng hoặc có một thói quen mà họ luôn tuân theo để hoàn thành các bài viết được giao và tạo ra các tác phẩm tốt nhất. Đó là dấu hiệu của một người có óc tổ chức và lành nghề”.
Lời khuyên của chị khi tuyển dụng copywriter là hãy tìm những người có quy trình viết nhất quán và rõ ràng vì điều này sẽ đẩy nhanh tiến độ công việc, đảm bảo đáp ứng thời hạn và giúp mọi người làm việc cùng nhau dễ dàng hơn. Ứng viên có hào hứng nói với bạn là họ sẽ nghiên cứu, lên dàn ý, chỉnh sửa và thu thập phản hồi, thậm chí là tạm rời xa màn hình để tránh bị kiệt sức và giữ được tính khách quan không? Nếu có, thì xin chúc mừng bạn. Nếu ngược lại, bạn chỉ nhận được một cái nhìn trống rỗng hoặc sự im lặng khó xử, điều đó không tốt một chút nào.
Bạn làm gì để vượt qua các khó khăn trong quá trình viết?
“Mình từng nghe rất nhiều người nhận xét rằng copywiter thở ra cũng ra văn ra chương, ngôn từ của họ lai láng như biển hồ, ý tưởng của họ như thác lũ. Vậy nhưng không phải lúc nào điều đó cũng đúng. Cũng có lúc họ bí ý tưởng, tụt mood, thậm chí là không có hứng thú với chủ đề hoặc thiếu động lực. Người có kinh nghiệm sẽ nhận ra khi nào họ gặp trở ngại và biết cách phù hợp nhất để vượt qua. Ứng viên của bạn thì sao?”, chị Tuyết Mai đặt câu hỏi.
Lý tưởng nhất là ứng viên nhận được thói quen viết của mình và làm theo quy trình để vượt qua các trở ngại một cách nhanh chóng. Một số người sẽ sử dụng các công cụ như Kỹ thuật Pomodoro trong khi những người khác có thể thấy rằng việc dành thời gian rời khỏi màn hình hoặc trao đổi vấn đề với đồng nghiệp sẽ hữu ích. Bằng cách nào cũng được miễn đó là một phương pháp cụ thể chứ không phải là sự mơ hồ hay là “Em không gặp bất cứ khó khăn nào cả”.
Làm sao bạn khuyến khích người đọc hành động thông qua nội dung của mình?
Nội dung không chỉ tạo ra để làm đẹp cho trang web mà vì nhiều mục đích khác nhau, có thể là khuyến khích người đọc nhấp vào đường link trong bài, đăng ký theo dõi hay để lại bình luận… Và một copywriter có kinh nghiệm đầy mình sẽ sử dụng nhiều kỹ thuật thuyết phục khác nhau để làm điều đó, chẳng hạn như tạo cảm giác cấp bách, sợ bị bỏ lỡ hay gợi lên cảm xúc…
“Nếu ứng viên của bạn giải thích được rằng vì sao họ lại chọn các từ đó thay vì các từ ngữ khác hoặc tại sao đoạn văn đó được cấu trúc theo cách này thay vì cách kia thì bạn có thể tin rằng họ sẽ làm tốt công việc copywriter”, chị Tuyết Mai khẳng định.
Bạn tối ưu hóa nội dung cho công cụ tìm kiếm (SEO) bằng cách nào?
Giả sử bạn đang tuyển dụng copywriter viết bài đăng trên blog hoặc trang web nhằm nâng cao thứ hạng trên các công cụ tìm kiếm thì đây là câu hỏi bắt buộc.
Chị Tuyết Mai cho rằng, điều mà bạn cần lắng nghe là ứng viên có nhắc đến việc nghiên cứu từ khóa và chèn chúng vào tiêu đề, meta hay mô tả hình ảnh không; họ hiểu gì về UX (trải nghiệm người dùng) và làm cho nội dung trở nên thân thiện hơn với người đọc; họ biết thế nào về liên kết nội bộ và bên ngoài thông qua anchor text cũng như là cách tối ưu hóa URL để trình thu thập thông tin của công cụ tìm kiếm và người dùng hiểu được nội dung của trang… Cuối cùng, họ có khả năng tối ưu hóa nội dung hiện tại để làm cho nó trở nên tốt nhất có thể không? Đôi khi việc tạo ra nội dung hoàn hảo không chỉ là viết nội dung mới mà còn cải thiện nội dung cũ.
Có khi nào nội dung của bạn bị góp ý sửa đổi quá nhiều chưa? Bạn làm gì khi rơi vào tình huống đó?
Đối với copywriter, việc điều chỉnh nội dung ba lần bảy lượt là chuyện như cơm bữa. Ngay cả khi một bản tin nhỏ với vài câu ngắn gọn thôi vẫn có chỗ cần thay đổi. Vấn đề ở đây là phản ứng của ứng viên với những điều đó như thế nào, họ gân cổ lên bảo vệ quan điểm của mình bằng mọi giá hay im lặng chỉnh sửa dù trong lòng vẫn ấm ức?
“Copywriting là viết cho khách hàng mục tiêu và tôn trọng quyết định của các bên liên quan. Thế nên, bạn cần tìm một người biết đặt mình vào vị trí của người khác, sẵn sàng làm hài lòng và không quá đề cao cái tôi. Nói như vậy không có nghĩa là gió chiều nào nghiêng theo chiều ấy. Copywriter vẫn cần có chính kiến nhưng cũng nên lắng nghe ý kiến đóng góp nếu chúng có lý và phù hợp. Đây cũng là cách để họ cải thiện và phát triển hơn trong sự nghiệp của mình”, chị Tuyết Mai tiết lộ.
Bạn nghĩ gì về việc viết nội dung trên trang web của chúng tôi? Bạn sẽ cải thiện nó như thế nào?
Hỏi điều này để biết ứng viên có tìm hiểu trước khi tham gia phỏng vấn hay không. Ứng viên copywriter chuyên nghiệp sẽ đọc qua trang web của bạn và cảm nhận được những gì hiệu quả và điều gì cần cải thiện. Đáp án cho câu hỏi này cũng là cách để biết thêm về giá trị mà ứng viên sẽ đóng góp cho công ty bạn trong tương lai.
“Mỗi trang web đều có nhu cầu viết quảng cáo khác nhau, nhưng sẽ rất hữu ích nếu bạn biết thêm được điều gì cần cải thiện trên trang của mình. Ứng viên chất lượng có thể sẽ nhìn ra những khía cạnh cần sửa đổi mà bạn đã vô tình bỏ qua như cấu trúc trang, giọng điệu, ngôn ngữ, kỹ thuật thuyết phục, liên kết nội bộ và lời kêu gọi hành động… Khi họ chia sẻ, hãy lắng nghe và đừng tranh luận. Nếu cách lý giải của họ chưa hợp lý, hãy ứng xử lịch thiệp, nhẹ nhàng và xem đó là dấu hiệu bạn cần tìm một ứng viên khác có tiềm năng hơn”, chị Tuyết Mai nhắn nhủ.
Bạn nghĩ gì về những câu hỏi phỏng vấn tuyển dụng copywriter này? Ở vai trò là nhà tuyển dụng, bạn đã hỏi điều gì để nhanh chóng tìm ra “phù thủy của ngôn từ” giúp thương hiệu của bạn ngày càng nâng cao vị thế? Hãy chia sẻ cùng CareerLink nhé.
Huỳnh Trâm
Author Profile
Latest entries
- Bí quyết tuyển dụng2025.01.13Offer letter nên tránh lỗi nào để tăng cơ hội ứng viên đồng ý?
- Nghệ thuật quản lý2025.01.066 dấu hiệu bạn đang lãnh đạo nhóm hiệu quả
- Bí quyết tuyển dụng2024.12.305 câu hỏi giúp đánh giá khả năng ứng viên qua CV
- Nghệ thuật quản lý2024.12.23Vượt qua thành kiến khi đánh giá hiệu suất làm việc cuối năm