5 câu hỏi giúp xác định ứng viên có trí tuệ cảm xúc

Trong khi các công ty khác nhau thể hiện các giá trị và văn hóa khác nhau, thành công tại nơi làm việc bị ảnh hưởng mạnh mẽ bởi trí tuệ cảm xúc của một người, bởi họ sở hữu nhiều phẩm chất tuyệt vời giúp nâng cao chất lượng công việc.

Vậy làm thế nào để có thể xác định ứng viên nào có trí thông minh cảm xúc? Một số câu hỏi sau đây trong buổi phỏng vấn sẽ giúp bạn.

“Hãy kể về một lần bạn thử làm điều gì đó và thất bại”

Yêu cầu ứng viên giải thích về một dự án thất bại không chỉ là một cách tuyệt vời để xem họ đối phó như thế nào khi mọi thứ không diễn ra theo kế hoạch, mà đó còn là cơ hội để biết rằng liệu họ có thoải mái chịu trách nhiệm cho hành động của mình hay không.

Những người thông minh về mặt cảm xúc sở hữu một sự tự tin vốn có có thể giúp họ vượt qua những thất bại và cho phép họ đánh giá các tình huống rắc rối một cách khách quan, mà không tự nhận xét bản thân một cách gay gắt hoặc đổ thừa cho các yếu tố không may.

“Hãy kể về một lần bạn nhận được phản hồi tiêu cực từ sếp. Chuyện đó khiến bạn cảm thấy như thế nào?”

Một trong những đặc điểm dễ nhận biết nhất của một người thông minh về cảm xúc là khả năng đối phó với những lời chỉ trích. Những người có trí tuệ cảm xúc cao được trang bị tốt để xử lý phản hồi tiêu cực mà không cảm thấy bị hụt hẫng. Họ có thể xử lý ngay cả những phản hồi bất ngờ mà không để nó làm tổn hại đến giá trị bản thân. Nói như thế không có nghĩa là phản hồi tiêu cực không ảnh hưởng đến người có trí tuệ cảm xúc, mà là họ biết cách xử lý các cảm xúc đó một cách bình tĩnh và tập trung vào điều đang diễn ra.

Hãy tìm một ứng viên có thể mô tả cụ thể cảm xúc mà họ trải qua khi nhận được phản hồi tiêu cực, chẳng hạn: “Lúc đầu tôi rất thất vọng vì phản hồi của người quản lý, nhưng khi suy nghĩ kỹ lại thì tôi nhận thấy các ý kiến đó hoàn toàn chính xác. Trong dự án tiếp theo, tôi đã sử dụng những phản hồi đó để hoàn thành công việc một cách toàn diện hơn.”

“Điều gì khiến bạn cảm thấy tức giận trong công việc?”

Câu trả lời cho điều này sẽ tiết lộ những gì ứng viên xem là hành vi, thói quen hay thái độ tiêu cực, cách họ ứng phó với các tình huống này và sẽ cho bạn biết bất kỳ “cuộc đụng độ” nào có thể xảy ra trong nhóm của bạn. Các ứng viên có trí tuệ cảm xúc sẽ thừa nhận sự không hài lòng nhưng cũng sẽ cho thấy khả năng chấp nhận các đặc điểm tính cách của người khác cho dù họ là ai và xử lý các vấn đề một cách tế nhị, chuyên nghiệp.

“Sở thích ngoài công việc của bạn là gì? Bạn có thể nói rõ về nó?”

Hãy yêu cầu ứng viên giải thích một trong những sở thích của họ cho bạn như thể bạn không biết gì về nó. Khi họ nói về điều đó, hãy hỏi lại họ những câu hỏi buộc họ phải đơn giản hóa, giải thích lại và thay đổi phong cách giao tiếp để phù hợp với sự “thiếu hiểu biết” của bạn, sau đó xem cách họ phản ứng. Họ đang bối rối hay thất vọng? Họ có nhanh chóng thích nghi trong cách giao tiếp để đáp ứng nhu cầu của bạn không?

Những người thông minh về cảm xúc sẽ kiên nhẫn và bình tĩnh khi đối mặt với thử thách giao tiếp. Họ có thể dễ dàng đọc các tín hiệu khi thông điệp của họ không rõ ràng và sẽ khéo léo thay đổi cách tiếp cận của họ để đáp ứng nhu cầu của đối phương.

“Đâu là lúc bạn cần đến sự giúp đỡ?”

Những người thông minh về cảm xúc là người tự tin mà không tự kiêu. Họ biết những điểm mạnh và hạn chế của chính họ đồng thời không ngại thừa nhận những gì họ không biết. Họ biết rằng yêu cầu sự giúp đỡ và hợp tác với người khác là dấu hiệu của sức mạnh chứ không phải là điểm yếu.

Hãy cảnh giác với những ứng viên có vẻ do dự hoặc bối rối khi thừa nhận họ đôi khi cần giúp đỡ. Nên tìm kiếm một người có thể tự tin nói về thời điểm họ tìm kiếm sự giúp đỡ của đồng nghiệp hoặc cấp trên do sự hiểu biết có hạn về một chủ đề nào đó. Và đối với những điểm yếu này họ sẽ nỗ lực thực sự để cải thiện bản thân bằng cách hợp tác và sử dụng tất cả những kỹ năng mà họ có được.

Tất nhiên, các ứng viên khôn khéo sẽ có thể chuẩn bị và trả lời tất cả các câu hỏi trên một cách hoàn toàn tự tin. Vì vậy, sử dụng bản năng của bạn là điều rất quan trọng. Nếu một ứng viên đang “diễn”, bạn luôn có thể đưa ra một số câu hỏi sâu hơn, đi vào chi tiết để đưa họ ra khỏi “trò chơi” và nhận được những câu trả lời trung thực.

 

Tiến Huy

Sao chép thành công