Bắt đầu một công việc mới rất giống với ngày đến trường đầu tiên, bạn cảm thấy sợ hãi và lo lắng và nếu mọi thứ không thuận lợi ngay từ đầu thì bạn sẽ rất khó lấy lại tinh thần. Tương tự như vậy, khi một nhân viên mới có khởi đầu không mấy suôn sẻ thì họ sẽ mất nhiều thời gian hơn mới có thể đóng góp cho tổ chức và khả năng họ rời khỏi công ty cũng sẽ cao hơn.
Trong khi đó, những nhân viên mới cảm thấy được chào đón vào môi trường làm việc mới thường hạnh phúc hơn, làm việc có năng suất, thành công hơn và có nhiều khả năng gắn bó với công ty trong khoảng thời gian dài.
Để khiến cho nhân viên mới của bạn cảm thấy được chào đón và xem trọng, hãy thử áp dụng 7 cách sau đây.
Duy trì liên lạc
Khi một ứng viên chấp nhận lời mời nhận việc, sẽ có rất nhiều sự trao đổi giữa bạn và ứng viên như gửi lời chúc mừng, thư mời nhận việc hay những lời dặn dò trước khi bắt đầu công việc… Tuy nhiên, ngay sau đó, mọi thứ sẽ chậm lại. Bạn có thể im lặng cho đến ngày nhân viên mới bắt đầu ngày làm việc đầu tiên. Điều này có thể khiến họ cảm thấy bị “bỏ rơi”, tạo cảm giác hoang mang và lo lắng. Hãy giảm thiểu điều này bằng cách duy trì liên lạc với nhân viên mới cho đến ngày làm việc đầu tiên của họ thông qua thư điện tử hay các cuộc gọi phù hợp hoặc liên hệ với họ trước thời gian bắt đầu công việc một ngày. Điều này không chỉ thể hiện sự phấn khích của bạn mà còn đảm bảo rằng bạn sẵn sàng hỗ trợ và làm cho quá trình bắt đầu công việc của họ trở nên suôn sẻ và dễ dàng hơn.
Cho họ thấy bạn đã mong đợi họ
Đôi khi một nhân viên mới đến công ty và phát hiện ra rằng không có đồng nghiệp mới nào của họ biết rằng họ sẽ đến. Hoặc họ thấy người quản lý đang loay hoay sắp xếp các công cụ họ cần để làm việc như máy tính hoặc điện thoại. Điều này có thể khiến nhân viên mới chán nản. Bạn có thể tránh điều này bằng cách dành thời gian chuẩn bị góc làm việc cho họ trước và cho các nhân viên khác biết ngày nào thành viên mới của họ sẽ bắt đầu.
Dẫn họ đi xung quanh văn phòng
Một nhân viên mới có thể mất phương hướng, đặc biệt là khi họ không biết ai và không biết mọi thứ ở đâu. Do đó, hãy dẫn nhân viên mới dạo một vòng văn phòng và giới thiệu họ với các nhân viên khác. Chắc rằng họ sẽ không nhớ hết tất cả các vị trí và tất cả mọi người nhưng điều đó giúp họ cảm thấy thoải mái hơn khi nhờ sự hỗ trợ nếu họ biết rằng họ đã được giới thiệu.
Hướng dẫn tại chỗ
Tất nhiên bạn có kế hoạch đào tạo nhân viên mới của mình, nhưng hãy đảm bảo rằng việc đào tạo của bạn bao gồm tất cả những điều cơ bản mà bất cứ nhân viên nào cũng cần đến như cách sử dụng điện thoại bàn hoặc máy photocopy. Hãy bắt đầu với những nhiệm vụ nhỏ, đơn giản và để họ có cảm giác thoải mái.
Giao cho họ các nhiệm vụ đơn giản
Trước khi giao cho nhân viên mới các nhiệm vụ lớn và phức tạp, hãy để họ có cơ hội làm quen với vai trò mới của mình bằng các nhiệm vụ ít quan trọng và đơn giản. Điều này sẽ giúp họ ổn định và xây dựng sự tự tin. Đồng thời hãy cung cấp các hướng dẫn chi tiết để họ không cảm thấy choáng ngợp.
Rủ họ cùng ăn trưa
Rủ nhân viên mới của bạn đi ăn trưa mỗi ngày trong tuần đầu tiên làm việc là một cách hay để cho thấy bạn rất vui vì họ là một phần của tổ chức. Thời gian ăn trưa có thể gây căng thẳng cho nhân viên mới và không có gì tệ hơn là ăn một mình trong căn phòng mà hầu hết mọi người đều biết nhau. Hãy cố tình tạo ra những bữa ăn như thế này và đảm bảo người giám sát của nhân viên mới cũng có mặt. Có được sự kết nối của bạn khi họ gặp đồng nghiệp mới và tìm hiểu về nơi làm việc có thể giúp nhân viên mới cảm thấy thoải mái hơn.
Hỏi về phản hồi
Gần cuối ngày làm việc đầu tiên của nhân viên mới, hãy chắc chắc hỏi họ mọi thứ diễn ra như thế nào. Họ có câu hỏi nào không? Có điều gì khiến họ thắc mắc? Có bất cứ điều gì họ cần mà bạn có thể đã bỏ qua? Biết rằng bạn quan tâm đến họ có thể giúp họ ra về với ấn tượng đầu tiên tích cực về nơi làm việc mới.
Nếu bạn sắp có một nhân viên mới, hãy cân nhắc áp dụng một vài trong số những cách trên đây để khiến họ cảm thấy được chào đón. Một chút tử tế sẽ mang đến rất nhiều lợi ích và bạn sẽ ngạc nhiên về năng suất có được khi nhân viên cảm thấy hạnh phúc và được đánh giá cao.
Huỳnh Trâm
Author Profile
Latest entries
- Bí quyết tuyển dụng2025.01.205 cái bẫy cần tránh khi phỏng vấn tuyển dụng ứng viên
- Bí quyết tuyển dụng2025.01.13Offer letter nên tránh lỗi nào để tăng cơ hội ứng viên đồng ý?
- Nghệ thuật quản lý2025.01.066 dấu hiệu bạn đang lãnh đạo nhóm hiệu quả
- Bí quyết tuyển dụng2024.12.305 câu hỏi giúp đánh giá khả năng ứng viên qua CV