Nếu ứng viên luôn lo lắng về việc phải chuẩn bị những gì để tạo ấn tượng tốt cho buổi phỏng vấn thì nhà tuyển dụng cũng không ngừng tự hỏi nên làm gì khi gặp gỡ ứng viên. Vậy chính xác thì người phỏng vấn cần chuẩn bị những gì?
Với tôi, ngoài việc đọc kỹ mô tả công việc, phác họa hình ảnh một nhân viên lý tưởng, chọn những câu hỏi hay nhất, tìm hiểu về ứng viên, lọc ra các ưu điểm về công ty… thì tôi luôn chuẩn bị tâm lý để đối phó với mọi tình huống có thể xảy ra.
“Nếu được hỏi người phỏng vấn cần chuẩn bị những gì thì tôi luôn trang bị cho mình sự linh hoạt”.
Vì sao tôi nói như vậy? Bởi các ứng viên không ai giống ai.
Sẽ có người nói như khướu
Bạn có gặp tình huống này chưa: khi được hỏi điều gì đó, ứng viên tỏ ra rất hào hứng và hăng say. Cảm giác như mọi việc đang diễn ra tốt đẹp thì khi họ dừng lại, bạn mới ngớ người tự hỏi “Rốt cuộc câu trả lời là gì vậy?”.
Theo kinh nghiệm của tôi thì câu hỏi “Hãy giới thiệu về bản thân bạn” là cánh cổng dẫn đến một câu trả lời không giới hạn. Khỏi cần nói thì ai cũng biết là điều này chẳng mang lại lợi ích gì, cả đối với người phỏng vấn lẫn ứng viên mà có hại là đằng khác. Rõ ràng là lịch trình của người phỏng vấn sẽ bị xáo trộn và ứng viên có thể bị đánh giá thiếu công bằng chỉ vì cái tật nói quá nhiều. Đó là chưa kể đến việc các ứng viên tham gia phỏng vấn sau đó cũng bị ảnh hưởng.
Vài năm trước, tôi đã từng chứng kiến một ứng viên vội vã chạy từ khu vực lễ tân ra ngoài để bắt kịp chuyến bay đi Đà Nẵng. Cô gái tội nghiệp đã phải ngồi chờ hơn 1 tiếng để được phỏng vấn trong khi nhà tuyển dụng cho rằng nếu quan tâm đến công việc, cô ấy nên vui vẻ chờ đợi dù lỗi nằm ở họ vì không đủ kỹ năng quản lý thời gian.
Để tránh rơi vào trường hợp tương tự, tôi luôn cố gắng kiểm soát thời gian nói chuyện và không ngần ngại ngắt lời một cách lịch sự khi cần thiết. Chỉ một hành động mím môi như thể muốn nói là ứng viên sẽ hiểu rằng bạn sắp đặt một câu hỏi mới và sẵn sàng nhường lời cho bạn.
Sẽ có người nhút nhát hơn bình thường
Tôi gặp điều này khá nhiều. Lần đó, tôi đọc được một bản CV tuyệt vời, đề cập đến năng lực và kỹ năng của một ứng viên trong mơ. Không còn nghi ngờ gì nữa, đây chính là người mình đang tìm kiếm nên tôi ngay lập tức mời đến phỏng vấn. Giờ thì tới công chuyện rồi đây. Trong khi tôi hào hứng đưa ra các câu hỏi tình huống thì ứng viên có pha xử lý đi vào lòng đất: chỉ đưa ra câu trả lời gọn lỏn “Có” và “Không”. Vất vả đào sâu, đặt rất nhiều câu hỏi dẫn dắt, tôi mới “ráp” được thành một giải pháp tạm gọi là ổn.
Vậy ở đây người phỏng vấn cần chuẩn bị những gì? Hãy chuẩn bị tinh thần cho trường hợp bạn không có câu trả lời mà mình mong chờ và hãy tử tế với ứng viên, người đang lo lắng, căng thẳng còn hơn cả bạn.
Sẽ có ứng viên muốn trò chuyện với một con người, chứ không phải một cái máy
Bất cứ khi nào có thể, tôi đều “tán gẫu” một chút khi bắt đầu buổi phỏng vấn và nói sơ qua về những gì sẽ diễn ra tiếp theo. Tôi nhận thấy rằng điều này giúp ứng viên bớt lo lắng và thoải mái hơn.
Dường như ứng viên nào cũng căng thẳng khi bước vào phòng phỏng vấn, ít thì hơi mất tập trung còn nhiều thì nói lắp, tay chân run lẩy bẩy, thậm chí đổ mồ hôi hột trong khi đang ngồi ở phòng máy lạnh 25 độ C. Với tình trạng này, nói một vài câu suôn sẻ dễ hiểu đã là điều khó, huống gì thuyết phục người khác. Điều này có nghĩa là chúng ta nên kết thúc buổi phỏng vấn càng sớm càng tốt? Khoan đã. Biết đâu chúng ta chính là lí do khiến họ căng thẳng thì sao?
Gương mặt người phỏng vấn lạnh lùng hoặc cau có như vừa bị mất sổ gạo. Đôi khi còn nhíu mày, lắc đầu, ngả lưng ra dựa ghế một cách chán nản? Họ chỉ đưa ra câu hỏi và ứng viên trả lời?… Bạn có thấy hình ảnh này quen không, chứ tôi thì quen lắm. “Nói thật, một buổi thẩm vấn thế này thì ai mà chẳng sợ” là lời nhận xét mà tôi đã nhận được trước đây cũng là điều khiến tôi từng bước tìm cách thay đổi phong cách phỏng vấn của mình theo hướng “có tình” nhiều hơn.
Đến robot còn có tâm trạng và cảm xúc thì là con người sao chúng ta lại biến mình thành một cái máy? Hãy mỉm cười, thể hiện thái độ thân thiện, chia sẻ câu chuyện của bạn, mời ứng viên một ly nước, khen ngợi họ để họ cảm thấy thoải mái và để họ có thể là chính họ, bạn sẽ khám phá được nhiều điều hay ho giúp cho việc tuyển dụng hiệu quả hơn.
Và cũng sẽ có ứng viên có thể dễ dàng phóng đại mọi thứ
So với những gì được viết trong CV thì giờ đây trước mặt bạn là một người hoàn toàn khác. Ứng viên thiếu kiến thức và kỹ năng khi trả lời các câu hỏi cụ thể, đưa ra phản hồi chung chung với các thông tin mơ hồ, thái độ bồn chồn và đôi mắt không dám nhìn thẳng, hoặc đưa công ty lên tận mây xanh khiến bạn nổi cả da gà da vịt…
Đừng ngạc nhiên hay tỏ ra bất mãn vì ứng viên nói dối. Hầu hết họ làm điều này vì muốn cố gắng tạo ấn tượng tích cực ban đầu và cho rằng đó chỉ là một cách để tiếp thị bản thân. Vì vậy đừng vội từ chối họ mà hãy xác định lý do đằng sau lời nói dối này. Biết đâu đó chỉ là thiếu sót và ứng viên có các kỹ năng thực sự khó tìm.
Nếu ứng viên khen ngợi công ty chỉ đơn giản là để đạt được sự ưu ái của nhà tuyển dụng, hoặc phóng đại quá mức các giá trị của bản thân để cho thấy sự phù hợp với doanh nghiệp thì có thể “chín bỏ làm mười”. Tuy nhiên, nói dối về kinh nghiệm là điều không thể chấp nhận.
Thực hiện một cuộc phỏng vấn đôi khi giống như mở một chiếc hộp Pandora, bạn không bao giờ có thể biết chính xác những gì mình sẽ đối mặt. Thế nên điều mà người phỏng vấn cần chuẩn bị chính là khả năng thích nghi, ứng biến với mọi hoàn cảnh hoặc ít nhất là sẵn sàng thay đổi điều gì đó để trở nên linh hoạt hơn. Nếu là bạn thì người phỏng vấn cần chuẩn bị những gì?
Huỳnh Trâm
Author Profile
Latest entries
- Nghệ thuật quản lý2024.12.02Tuyệt chiêu xây dựng đội ngũ hợp tác và chia sẻ
- Bí quyết tuyển dụng2024.11.265 sáo ngữ cần tránh khi viết tin tuyển dụng và gợi ý thay thế
- Nghệ thuật quản lý2024.11.18Khắc phục phong cách quản lý vi mô bằng cách nào?
- Nghệ thuật quản lý2024.11.04Làm gì để nhân viên ít hỏi lại và nâng cao tinh thần chủ động?