Ý tưởng tăng hiệu suất làm việc của nhân viên trong năm mới

Không ai biết chắc điều gì sẽ xảy ra với nền kinh tế và lực lượng lao động vào năm 2023, nhưng có một điều chúng ta biết rõ: đó có thể là một chặng đường gập ghềnh, quanh co. Đây là lý do tại sao các doanh nghiệp và nhà quản lý chú trọng đến việc tăng hiệu suất làm việc cho nhân viên trong thời gian tới. Cho dù nhóm của bạn làm việc hiệu quả đến đâu, luôn có nhiều cách kết hợp để nâng cao năng suất lên một cấp độ hoàn toàn mới.

“Tăng hiệu suất làm việc của nhân viên là tình huống đôi bên cùng có lợi. Nó giữ cho nhân viên hài lòng, giúp doanh nghiệp phát triển và cung cấp dịch vụ tốt hơn cho khách hàng.”

Nhưng không phải lúc nào điều này cũng dễ dàng thực hiện. Trên con đường dẫn đến một quy trình làm việc hiệu quả, luôn có những trở ngại cần vượt qua. Nếu bạn đang đọc bài viết này, rất có thể bạn đã trải qua ít nhất một trong số đó.

Nhưng đừng lo lắng, chia sẻ của các nhà quản lý sau đây sẽ giúp bạn biết cần phải làm gì để tăng năng suất làm việc của nhân viên trong năm 2023 này.

Bí quyết tăng hiệu suất làm việc của nhân viên trong năm mới
 

“Bất kỳ mục tiêu nào bạn giao cho nhân viên phải là mục tiêu có thể đạt được” – Anh Minh Hồ, Giám đốc Sales.
 

Giống như một cuộc hành trình bắt đầu với một đích đến rõ ràng, việc tăng hiệu suất làm việc cũng bắt đầu bằng việc xác định rõ ràng, chính xác những gì chúng ta muốn đạt được. Tuy nhiên các mục tiêu đó nên là điều có thể thực thi. Vì sao ư? Bởi điều này sẽ giúp các thành viên tiếp tục thực hiện nhiệm vụ, say mê về những gì họ đang cố gắng đạt được và có động lực để thực hiện công việc với khả năng tốt nhất. Ngược lại, làm việc hướng tới một mục tiêu không thể đạt được sẽ khiến họ rơi vào trạng thái tiêu cực.

Bằng chứng là khi còn làm nhân viên sales, nhóm của mình đã dường như ngã gục khi được giao chỉ tiêu bán hàng mỗi tháng với con số cao gấp 3 lần doanh số trước đây. Cả nhóm đều thấy rằng đây là một mục tiêu hết sức vô lý. Nhiều người tỏ ra chán nản vì đó là mức doanh số không thể nào đạt được. Bạn biết đấy, khi biết mình sẽ không đạt được mục tiêu thì còn đâu động lực để phấn đấu, kết quả là chỉ tiêu kinh doanh tháng tiếp đó không hơn tháng vừa rồi là bao, mà có hơn là sự chán nản của toàn đội.

“Để năng suất của nhân viên cao hơn, hãy bỏ qua các cuộc họp không cần thiết” – chị Anh Thư, Trưởng phòng Digital Marketing.
 

Trong thế giới kinh doanh, thứ lãng phí thời gian lớn nhất là những cuộc họp không cần thiết. Bạn quản lý cùng cấp với tôi ở phòng Sales là người rất thích họp. Có lần bạn ấy đã triệu tập một cuộc họp gồm cả nhân viên sales, thủ kho, IT chỉ để thông báo vài thông tin lặt vặt nhưng lại khiến mọi người mất cả giờ làm việc. Nhiều người tham dự không giấu nỗi cái cau mày, nhăn trán vì công việc bị gián đoạn. Sau những buổi họp như vậy không khó để nghe những lời phàn nàn như “Mấy tin tức như thế này chỉ cần một email là xong, cần gì phải lôi kéo cả nhóm vào họp, nhà bao việc”, “Chị còn bắt ông giao hàng ngồi chờ cả nửa tiếng đây này” hay “Bên đại lý đang hối qua mà em chưa chạy qua được”… Chung quy lại, tất cả những điều này đều khiến năng suất của nhân viên bị ảnh hưởng bởi đã khi bị phân tâm thì sẽ mất ít nhất 30 phút mới có thể tập trung trở lại.

Tôi và có thể rất nhiều bạn quản lý khác không hề muốn điều này xảy ra với nhóm của mình. Cộng với việc bản thân cũng không thích họp thế nên tôi chỉ lên lịch họp (tùy lúc sẽ là trực tiếp hoặc online) khi cần kíp lắm và sau đó luôn cố gắng nói ngắn gọn bằng cách chỉ chia sẻ những điểm chính. Nhanh gọn lẹ để mọi người còn tập trung làm việc. Năng suất làm việc của nhóm được đánh giá bằng lượt người truy cập, số người theo dõi, các bình luận chứ có tính bằng số lượng cuộc họp đâu.

“Quản lý vi mô là rào cản đáng kể nhất đối với năng suất của nhân viên” – chị Hạnh Thúy, Trưởng phòng Nhân sự
 

Cô bạn làm Trợ lý giám đốc của mình kể rằng sếp của cô rất chú trọng vào chi tiết đến mức ám ảnh. Mỗi lần giao việc, sếp đều kèm theo cách thức thực hiện và yêu cầu cô làm theo đúng hướng dẫn đó, chỉ cần cô “sáng tạo” một chút là được “hỏi thăm” ngay mặc dù đó là cách làm tiện nhất và cũng không kém hiệu quả. Lâu ngày cô ấy có cảm giác mình chẳng khác nào một “đứa trẻ ngốc nghếch” trong mắt sếp, chỉ ngồi yên chờ nghe chỉ dẫn và làm đúng như vậy.

Mình có thể hiểu được cảm giác của cô bạn. Thiết nghĩ không ai muốn làm việc khi nhất cử nhất động của họ đều bị cấp trên để mắt tới cả. Sự can dự liên tục của người quản lý không chỉ khiến nhân viên nghẹt thở mà còn làm cho họ mất niềm tin vào khả năng của chính mình.

Và mình cũng có thể hiểu suy nghĩ của nhà quản lý. Họ nghĩ rằng hướng dẫn chi tiết và giám sát chặt chẽ là cách để nhân viên không mắc lỗi và đem lại kết quả tốt hơn. Họ cảm thấy sợ khi cho nhân viên tự chủ làm việc. Tuy nhiên, mình vẫn xem đây là cách để giúp nhân viên tăng hiệu suất làm việc. Thực tế, cho nhân viên không gian để họ làm việc không có nghĩa là buông xuôi hoàn toàn. Chúng ta vẫn cần thường xuyên gặp gỡ, hỏi thăm, động viên hoặc hỗ trợ họ trong những việc mà họ cảm thấy bế tắc. Bằng cách trao đổi với nhân viên thay vì bảo họ phải làm gì, chúng ta đang nói với họ rằng chúng ta tin tưởng họ sẽ làm điều đúng đắn. Với mình, niềm tin là yếu tố quan trọng nhất để cải thiện hiệu suất của nhân viên.

Năng suất là huyết mạch của bất kỳ đội nhóm nào và là sự khác biệt giữa một doanh nghiệp tốt và một doanh nghiệp thực sự tuyệt vời. Năng suất không bao giờ là ngẫu nhiên. Nó luôn là kết quả của cam kết hướng tới sự xuất sắc, lập kế hoạch thông minh và nỗ lực tập trung. Bằng cách điều chỉnh cách quản lý theo hướng phù hợp, bạn có thể giúp tăng hiệu suất làm việc của nhân viên, giúp nhóm đạt được mức năng suất mới chưa từng có và đưa nhóm của bạn lên một tầm cao mới!

Trang Đoàn

Sao chép thành công