Người hướng nội thường được xem là người dè dặt, thích yên tĩnh và ít nói. Những phẩm chất này khiến họ dường như là người thiếu sự tự tin và kỹ năng giao tiếp – kỹ năng mà các nhà lãnh đạo thường sở hữu. Thế nhưng, bạn sẽ ngạc nhiên khi biết rằng có đến 40% các nhà lãnh đạo và giám đốc điều hành tự nhận mình là người hướng nội.
Thành công của họ chứng minh rằng lãnh đạo không phải lúc nào cũng là người hướng ngoại. Trên thực tế, người hướng nội cũng hoàn toàn có khả năng nắm quyền trong một tổ chức. Dưới đây là 6 phẩm chất của người hướng nội giúp họ nâng cao kỹ năng quản lý và lãnh đạo hiệu quả.
Nghe trước, nói sau
Các nhà lãnh đạo hướng nội thường được coi là những người lắng nghe tốt hơn các nhà lãnh đạo hướng ngoại. Họ chờ người khác bày tỏ ý tưởng trước khi đưa ra ý kiến của mình vì họ không muốn là trung tâm của mọi cuộc trò chuyện.
Một nghiên cứu cho thấy rằng những nhà quản lý hướng nội kết hợp với một đội ngũ hướng ngoại, chủ động có thể mang đến sự thành công cho doanh nghiệp, bởi vì họ kiên nhẫn lắng nghe các thành viên trong nhóm trình bày. Đặc điểm này cho phép người hướng nội trở thành nhà lãnh đạo giỏi, bởi sự hợp tác thành công đòi hỏi phải giao tiếp hiệu quả.
Xây dựng các kết nối có ý nghĩa
Mặc dù họ có thể không trò chuyện cởi mở trong các nhóm lớn, nhưng người hướng nội rất giỏi trong việc phát triển các kết nối sâu hơn, có ý nghĩa hơn với nhân viên và khách hàng trong một môi trường một đối một. Việc xây dựng các mối quan hệ chân chính này giúp cho một nhà lãnh đạo hướng nội hòa hợp với từng thành viên trong nhóm hơn là một nhà quản lý hướng ngoại.
Không dễ bị phân tâm
Người hướng nội không thể hoàn toàn tách biệt khỏi người khác và môi trường làm việc nhưng họ có thể tránh khỏi tiếng ồn và tập trung tốt hơn. Họ lấy năng lượng từ bên trong, do đó họ có thể dễ dàng tập trung vào nhiệm vụ đang thực hiện mà không bị phân tâm bởi tiếng ồn văn phòng. Hơn nữa, họ cũng sẽ chú trọng vào nhu cầu của các thành viên trong nhóm mà không bị cuốn theo các nhiệm vụ hoặc nhu cầu khác.
Giải quyết vấn đề thấu đáo
Giải quyết vấn đề là yếu tố then chốt của tất cả các nhà lãnh đạo giỏi, và theo nghiên cứu, người hướng nội thường có chất xám dày hơn ở vỏ não trước trán – là nơi chịu trách nhiệm suy nghĩ và ra quyết định. Đó là lí do vì sao người hướng nội thường suy nghĩ thật kỹ trước khi ra quyết định và có cách sáng tạo để giải quyết vấn đề.
Hơn nữa, bởi vì chất lượng công việc luôn là mục tiêu của những người hướng nội nên họ sẽ không giải quyết vấn đề một cách sơ sài. Chẳng hạn, một nhà lãnh đạo hướng nội sẽ ít có khả năng phê duyệt dự án nếu có một thành viên khác trong nhóm phản đối hoặc hiểu lầm. Họ muốn đảm bảo thành công của mình bằng cách giải quyết những điều lo lắng đó trước khi bắt tay vào thực hiện. Nếu có bất đồng xảy ra, họ sẽ vì lợi ích của dự án hơn là bảo vệ cho cái tôi của bản thân.
Khiêm nhường
Điều này không có nghĩa rằng người hướng ngoại không khiếm tốn nhưng người hướng nội có xu hướng có nhận thức tốt hơn về khả năng và thành tích của họ. Sự khiêm nhường bao gồm khả năng thừa nhận sai lầm, sự không hoàn hảo, lỗ hỏng kiến thức và những điểm hạn chế – đây là những điều quan trọng giúp họ phát triển hơn trong sự nghiệp và cả cuộc sống.
Họ tạo được ảnh hưởng nhiều hơn
Các nhà lãnh đạo hướng nội thường được mô tả là người trầm tính, chín chắn, chú ý đến chi tiết, dễ giao tiếp và nghiêm túc bởi những nhân viên cấp dưới của họ. Những phẩm chất này làm cho lời nói của họ nhận được sự chú ý đặc biệt hơn so với các nhà lãnh đạo hướng ngoại – người thường được xem là hay khoe khoang, nói nhiều do họ có xu hướng tập trung vào bản thân trong các cuộc trò chuyện. Kết quả là nhà lãnh đạo hướng nội sẽ tạo được nhiều ảnh hưởng hơn đối với nhân viên cấp dưới.
Mặc dù người hướng nội không luôn phù hợp với suy nghĩ của chúng ta về một nhà lãnh đạo điển hình nhưng cách tiếp cận cởi mở, chín chắn của họ có thể mang lại lợi ích, đặc biệt khi họ nắm giữ các vị trí quyền lực và có ảnh hưởng. Đã đến lúc chúng ta nên nhận ra rằng người hướng nội cũng có thể là nhà lãnh đạo tuyệt vời.
Huỳnh Trâm
Author Profile
Latest entries
- Nghệ thuật quản lý2024.12.02Tuyệt chiêu xây dựng đội ngũ hợp tác và chia sẻ
- Bí quyết tuyển dụng2024.11.265 sáo ngữ cần tránh khi viết tin tuyển dụng và gợi ý thay thế
- Nghệ thuật quản lý2024.11.18Khắc phục phong cách quản lý vi mô bằng cách nào?
- Nghệ thuật quản lý2024.11.04Làm gì để nhân viên ít hỏi lại và nâng cao tinh thần chủ động?