Mới ‘lên sếp’, làm sao để nhân viên tâm phục khẩu phục?

 Bạn mới được thăng chức? Tuyệt vời! Bạn hạnh phúc vì đã vượt lên chính mình, chinh phục thử thách và hẳn là, bạn đang đầy hào hứng với vị trí mới. Giờ đây, bạn đã là “sếp”, quyền lợi nhiều hơn nhưng kèm theo đó là trách nhiệm cũng tăng lên. “Vạn sự khởi đầu nan”, sẽ có những khó khăn khi bạn lần đầu tiên nhận nhiệm vụ quản lý.

Một trong những điều khiến bạn quan tâm nhất khi mới lên sếp là làm thế nào để nhân viên tâm phục khẩu phục? Đây là một số lời khuyên dành cho bạn!

Đừng để cảm xúc xen vào công việc

Thông thường, khi mới được thăng chức, các đồng nghiệp của bạn sẽ “soi” bạn  kỹ hơn. Do vậy, bên cạnh cảm giác phấn chấn, hứng khởi, bạn sẽ ít nhiều cảm thấy căng thẳng, áp lực. Hãy học cách thư giãn, tiết chế cảm xúc của mình. Đừng đối xử phân biệt giữa những nhân viên tỏ ra ủng hộ bạn và những người còn lại nếu muốn được đánh giá là chuyên nghiệp, công tâm. Đôi khi, những nhân viên trung thành và có năng lực lại không cư xử khéo léo, bạn phải sáng suốt và kiên nhẫn, vì “đường dài mới biết ngựa hay”. Mục đích cuối cùng là duy trì, tăng trưởng hiệu quả công việc.

Học cách ra quyết định

Một trong những nhiệm vụ của người quản lý là ra quyết định. Bạn phải học cách phân công công việc hợp lý cho các nhân viên, ra quyết định đúng và kịp thời đồng thời chịu trách nhiệm với quyết định của mình. Ở vị trí mới, bạn sẽ phải đối mặt với việc vấn đề hoặc phương án bạn nêu ra có thể vấp phải nhiều ý kiến trái chiều trong tập thể. Nên lắng nghe, tham khảo các ý kiến khác nhau của nhân viên, nhưng nên nhớ quyết định cuối cùng là ở bạn.

Truyền cảm hứng

Lãnh đạo giỏi là những người biết truyền cảm hứng cho nhân viên. Nuôi dưỡng đam mê, sự hứng thú đối với công việc của mình, trở thành tấm gương cho các đồng đội. Chia sẻ niềm vui, những điều ý nghĩa về công việc các bạn đang làm, giá trị của nó đối với cộng đồng… Động viên, khích lệ nhân viên kịp thời khi họ hoàn thành tốt nhiệm vụ, có những sáng kiến hay.

Xây dựng đội ngũ đoàn kết

Hãy nhớ, giờ đây bạn đã là quản lý, thành công của bạn là thành công của tập thể và ngược lại. Để làm việc chung hiệu quả, các thành viên trong đội nhóm của bạn cần tích cực tương tác và hỗ trợ lẫn nhau. Ngoài công việc, nên tạo điều kiện cho nhân viên có cơ hội tìm hiểu và quan tâm lẫn nhau dưới góc độ cá nhân. Chẳng hạn mọi người cùng dành thời gian chung bên ngoài văn phòng như trong giờ ăn trưa, những buổi trò chuyện sau giờ làm… Hãy tạo ra một bầu không khí cởi mở giúp các thành viên thoải mái chia sẻ và thể hiện bản thân một cách chân thực.

Nếu có thể, hãy tạo cho đội của bạn có một “văn hóa” riêng, mục đích là tăng cường sự kết nối và gắn bó của các thành viên trong đội nhóm với nhau.

Khuyến khích nhân viên phát huy năng lực

Đừng ôm đồm mọi việc mà phải học cách giao quyền cho nhân viên, khuyến khích họ chủ động hoàn thành nhiệm vụ và đừng quên có phương án đánh giá hợp lý để đảm bảo kết quả cuối cùng.

Bên cạnh đó, bạn cũng cần tìm cách đưa ra các nhiệm vụ mới, khó hơn hoặc với yêu cầu cao hơn, để khuyến khích nhân viên nỗ lực vượt lên chính mình. Nhân viên được tạo điều kiện phát huy năng lực, được thấu hiểu và ghi nhận sẽ biết ơn và nể phục bạn.

Trau dồi chuyên môn

Được thăng chức, ngoài nhiệm vụ quản lý bạn cũng đừng quên nỗ lực cho công việc chuyên môn của mình. Đây cũng là một trong những điều kiện giúp bạn thăng tiến và được cấp trên cũng như đồng nghiệp đánh giá cao. Không nhất thiết bạn phải giỏi chuyên môn hơn tất cả các nhân viên, nhưng ít nhất bạn phải am hiểu công việc của các thành viên trong đội nhóm để có thể quản lý tốt. Bên cạnh đó, đừng ngại học hỏi nhân viên ở những lĩnh vực không thuộc chuyên môn của mình. Đó cũng là thách thức nhưng đồng thời cũng là cơ hội cho bạn để hiểu thêm về các lĩnh vực liên quan đến công việc.

Điều cuối cùng, điều bạn cần nhớ là: Mặc dù bạn đang ở vị trí quyền lực và đảm nhận vai trò lãnh đạo, bạn cũng là một phần của tập thể và hãy đối xử bình đẳng với nhân viên của mình. Thực tế, khi mới được thăng chức, bạn có nguy cơ bị các đồng nghiệp cũ xa lánh hoặc dè chừng. Để vượt qua rào cản này, hãy chứng minh cho nhân viên của bạn thấy rằng, bạn luôn nỗ lực và sát cánh cùng họ, tuy mỗi người có một nhiệm vụ khác nhau nhưng tất cả các bạn đều đang cùng hướng tới một mục tiêu chung. Đó cũng là vì tương lai, sự nghiệp của tất cả các thành viên trong nhóm.

Minh Khang

Sao chép thành công