Làm việc với nhân viên có khả năng sáng tạo sao cho hiệu quả?

Trong thế giới hiện đại và đầy cạnh tranh, những nhân viên có khả năng sáng tạo được đánh giá cao hơn bao giờ hết. Người có óc sáng tạo nhìn thế giới qua một lăng kính độc đáo, thích vượt qua ranh giới và luôn tìm kiếm sự đổi mới. Chính nhờ điều này mà họ có thể giúp công ty của bạn trở nên khác biệt so với phần còn lại.

Tuy nhiên, nhân viên sáng tạo không phải lúc nào cũng thích “chơi theo luật” và việc quản lý họ không bao giờ là một nhiệm vụ dễ dàng. Bạn cần đảm bảo cung cấp cho họ môi trường khuyến khích khám phá sự sáng tạo và chấp nhận rủi ro, giúp họ hiểu rõ nhiệm vụ, bám sát mục tiêu, đáp ứng thời hạn và ngân sách. Dưới đây là một số cách để làm điều đó.

Đưa ra vấn đề, không phải giải pháp

Không có điều gì khiến các nhân viên sáng tạo thích hơn là nhận một thử thách đòi hỏi họ sử dụng các kỹ năng của mình để tìm kiếm giải pháp. Và cũng không có gì khiến họ chán nản hơn là người quản lý cố gắng cho họ biết giải pháp này sẽ trông như thế nào.

Tất nhiên sẽ có những giới hạn nhất định về thời gian, tài chính… Xác định những điều này là công việc của bạn với tư cách là người quản lý nhưng đưa ra “dàn ý” về giải pháp thì không. Những đề xuất thế này sẽ làm hạn chế tính sáng tạo bởi thật khó để bác bỏ ý tưởng của cấp trên và kết quả cuối cùng chắc chắn bị ảnh hưởng.

Hướng họ vào những vấn đề thực tế

Đôi khi, những người có khả năng sáng tạo có thể đi quá xa để tạo ra điều gì đó hữu ích. Thế nên bạn cần cung cấp cho họ thông tin và hướng đi để họ nắm bắt được bức tranh toàn cảnh hơn là bị ám ảnh bởi những chi tiết nhỏ vụn vặt. Hãy xác định vấn đề thực sự mà bạn đang gặp phải và giao tiếp để họ tập trung giải quyết khó khăn đó, kết quả nhận được có thể khiến bạn phải ngạc nhiên.

Cho nhân viên thời gian và không gian để làm việc một mình

Theo nhiều nghiên cứu, mọi người có xu hướng đưa ra ít ý tưởng hơn khi làm việc nhóm thay vì làm việc một mình. Hơn nữa, tỷ lệ sa lầy vào một điều gì đó cũng cao hơn trong quá trình lên ý tưởng tập thể.

Điều này không có nghĩa là làm việc nhóm không hiệu quả nhưng thực tế là hầu hết những người sáng tạo đều có tính cách hướng nội – họ sẽ cho ra nhiều ý tưởng độc đáo nếu không có áp lực hoặc tương tác xã hội. Thế nên, cần đảm bảo cung cấp cho nhân viên đủ thời gian và không gian để làm việc một mình, sau đó họ có thể trình bày ý tưởng tại các buổi brainstorming.

“Làm việc với những nhân viên sử dụng não phải – có khả năng sáng tạo hơn cần có quy tắc khác biệt so với các nhân viên sử dụng não trái – phân tích nhiều hơn.”

Nhấn mạnh tầm quan trọng của sự cân bằng

Nhiều người sáng tạo sẽ bỏ bê những khía cạnh kém thú vị, đơn điệu trong công việc của họ. Nhưng những nhiệm vụ “nhàm chán” như vậy cũng rất quan trọng, công việc phải được ghi lại trong các báo cáo, thủ tục giấy tờ phải được hoàn thành. Do đó, trong khi cần linh hoạt với nhân viên, bạn cũng phải nhấn mạnh rằng họ không được bỏ bê những khía cạnh kém thú vị, cho dù nó có tẻ nhạt đến mức nào đi nữa.

Cho phép thất bại

Nếu bạn muốn khuyến khích khả năng sáng tạo và đổi mới, bạn cần tạo môi trường làm việc hỗ trợ, nơi mà nếu lỡ thất bại thì cũng không sao cả. Sáng tạo và đổi mới đòi hỏi phải trải qua quá trình thử nghiệm, chấp nhận rủi ro và đôi khi thất bại xảy ra ngay trước mắt bạn. Nếu nhân viên đã làm tốt nhưng kết quả không như mong đợi, hãy cho họ cơ hội khác đồng thời cũng nên nói về cả những điều chưa và đã làm được góp phần tạo nên kết quả cuối cùng. Những người sáng tạo thường có cái tôi rất lớn và cần cảm nhận “một tia sáng hi vọng” để tiếp tục thành công.

Bao quanh họ với những người phù hợp

Quá nhiều người sáng tạo làm việc cùng nhau có thể là công thức dẫn đến thảm họa, họ sẽ cạnh tranh ý tưởng, động não không ngừng hoặc đơn giản là phớt lờ nhau. Tuy nhiên, bạn cũng không nên kết hợp nhân viên sáng tạo với những người đồng đội quá nghiêm túc và truyền thống để cùng nhau đưa ra cách giải quyết vấn đề độc đáo.

Thực tế cho thấy rằng các nhóm bao gồm những người có nền tảng khác nhau sẽ thúc đẩy sự sáng tạo, miễn là các thành viên trong nhóm cởi mở để tiếp nhận quan điểm của nhau. Vì vậy, kết hợp các nhân viên sáng tạo với những người khác có thể kém sáng tạo hơn, nhưng sẵn sàng hỗ trợ các ý tưởng mới lạ và cộng tác tốt với họ để cải thiện những ý tưởng đó.

Cởi mở với cách làm việc mới

Nhiều công ty khuyến khích nhân viên làm việc vào thời gian họ cảm thấy sáng tạo nhất. Họ có thể linh động giờ làm, chỉ cần giải quyết tốt nhiệm vụ được giao và phối hợp ăn ý với đội nhóm.

Đối với nhân viên có khả năng sáng tạo, trách nhiệm không nhất thiết được thể hiện bằng số giờ ngồi ở bàn làm việc. Thay vào đó, trách nhiệm được nhìn thấy trong các kết quả có thể định lượng được như các ý tưởng mới tuyệt vời, thiết kế độc lạ hoặc bất kỳ điều gì khác có thể khiến mọi người “ồ” lên vì ngạc nhiên và thích thú. 

Cung cấp phản hồi trung thực

Cũng giống như những nhân viên khác, hãy đưa ra phản hồi khách quan và cụ thể cho các thành viên sáng tạo dựa trên những gì bạn nhìn thấy và cảm nhận. Thay vì chỉ nói “Rất tốt”, hãy đánh giá cao họ một cách nhiệt tình hơn khi họ đưa ra ý tưởng hay bằng cách nói điều bạn thực sự thích về sáng kiến đó. Điều này sẽ thúc đẩy họ cống hiến nhiều hơn nữa. Tương tự như vậy, hãy nói cho họ biết điều họ có thể cải thiện nếu đóng góp của họ không như mong đợi.

Tóm lại, chìa khóa để quản lý thành công là hiểu được cách thức làm việc của nhân viên có khả năng sáng tạo, giao tiếp liên tục và tạo điều kiện thuận lợi để họ làm những gì giỏi nhất. Bạn có thể phải ra khỏi vùng an toàn của mình để làm điều đó, nhưng hãy cố gắng vượt qua khó khăn vì thành quả nhận được sẽ là những phát kiến khiến bạn hài lòng cũng như mang lại lợi ích lớn lao cho cả tập thể.

Nguyễn Lý

Sao chép thành công