Bất kì nhân viên nào khi trải qua quãng thời gian gắn bó lâu dài cũng sẽ gia tăng ít nhiều tính ù lì trong tư tưởng hoặc trễ nải công việc bởi sự “chai” cảm xúc. Lúc đó, bạn không thể chỉ đơn giản “ra lệnh” cho nhân viên “Hãy sáng tạo đi!” hoặc “Hãy yêu thích công việc đi!” bởi bộ não con người không hoạt động theo cách đó, nhưng bạn hoàn toàn có thể dẫn dắt họ bằng một câu chuyện hay. Các câu chuyện hấp dẫn không những chứa thông điệp bạn muốn truyền tải, đơn giản hóa những điều phức tạp mà còn tác động đến cảm xúc của người nghe và thôi thúc họ thực hiện những hành động được con tim mách bảo.
Đó là những lợi thế mà nhà quản lý giỏi kể chuyện có được và bạn cũng sẽ sở hữu được kỹ năng truyền thông điệp hiệu quả bằng cách kể chuyện với 6 gợi ý sau đây.
1. Lên kế hoạch dài hạn
Bạn đừng hy vọng rằng thái độ của nhân viên có thể xoay chuyển hoàn toàn chỉ sau một câu chuyện. Thực tế, điều này là hoàn toàn có thể nhưng khả năng thành công không cao. Bởi lẽ, không phải ai cũng có thể hấp thu hết những hàm ý sâu sắc ngay lập tức, cũng như trình độ của bạn không “chắc thắng” bằng các diễn thuyết gia chuyên nghiệp.
Do vậy, bạn nên lập ra kế hoạch dài hạn về việc kể chuyện theo lộ trình nhất định với các yếu tố về thời gian, địa điểm, số lần diễn ra trong tháng. Bằng cách này, thông điệp của bạn sẽ dần dần “ngấm” vào nhận thức của tập thể theo kiểu “nước chảy đá mòn”, cũng như giúp mọi người quen dần với việc thay đổi.
2. Chắt lọc từng mẩu chuyện phù hợp
Chắc chắn rằng bạn không thể kể về mối tình đẹp đẽ của Romeo và Juliet nhằm khích lệ sự chăm chỉ của nhân viên, mà thay vào đó Kiến và Ve sầu. Vì vậy, để không tốn thêm thời gian và công sức để giải thích mà nhân viên vẫn “thấm ý”, bạn cần chọn những câu chuyện đơn giản, dễ hiểu, đặc biệt là thể hiện rõ thông điệp cần gửi gắm.
3. Đa dạng hóa hình thức kể chuyện
Thực tế, việc kể chuyện ngày nay không chỉ đơn thuần bằng cách nói mà còn thể hiện qua nhiều kiểu khác như chữ hoặc hình ảnh. Vì vậy sau khi đã chọn được một câu chuyện phù hợp, bạn cần đa dạng hóa cách thức truyền tải nhằm đạt hiệu quả, cũng như giảm bớt cảm giác “ngấy” của nhân viên cho những lần kể sau. Gợi ý rằng bạn có thể gửi một câu chuyện ngắn hoặc hình ảnh ý nghĩa cho nhân viên vào ngày đầu tuần bận rộn và để dành những câu chuyện dài cho các buổi họp hay gặp mặt trực tiếp.
4. Sáng tạo trong cách kể
Bạn là một người quản lý nói chuyện lưu loát, kiến thức tốt, hiểu tường tận nội dung sắp kể. Nhưng sẽ khá buồn chán nếu nhân viên cấp dưới chỉ nghe bạn nói cùng một phong cách “không tì vết” như vậy đến hàng chục lần, mà chỉ thay đổi cốt truyện.
Vấn đề này thực ra nằm ở chính cách kể của bạn. Các diễn thuyết gia chuyên nghiệp biết cách “tung hứng” để khiến cho người nghe dù từng biết qua vẫn cảm thấy cuốn hút, ý nghĩa. Vì thế khi kể bạn nên sáng tạo thêm bằng cách “chế” vào nội dung hài hước ngoài kịch bản, luân chuyển tông giọng, dùng các hình vẽ thú vị hoặc đặt các câu hỏi bất ngờ.
5. Tránh gián đoạn khi kể chuyện trực tiếp
Hãy tưởng tượng nhân viên đang chăm chú lắng nghe nhưng bạn thì “bỗng dưng” quên mất một chi tiết quan trọng, mọi chuyện sẽ đi về đâu? Để tránh làm “tụt cảm xúc” của người nghe, giúp họ nắm rõ cốt truyện cũng như để thông điệp được truyền tải một cách liên tục, bạn nên duy trì mạch kể thông suốt bằng cách chuẩn bị thật chu đáo.
Cụ thể bạn nên chắc rằng khoảng thời gian được chọn là hợp lý; câu chuyện được bạn nắm rõ “như lòng bàn tay”; cơ sở vật chất cần thiết đã đầy đủ; và bản thân cũng không bị ảnh hưởng tiêu cực nào trong suốt quá trình kể.
6. Tương tác với người nghe
Bên cạnh việc lên kế hoạch hoàn chỉnh, chọn chuyện phù hợp, hoặc luyện tập kĩ lưỡng, thì bạn cũng nên cho cho phép nhân viên tương tác với câu truyện thông qua việc nêu chính kiến của họ.
Mỗi câu chuyện là một bài học, nên tự cá nhân sẽ có những quan điểm riêng xung quanh chủ đề, vậy nên nếu bạn chỉ đơn thuần áp đặt lối suy nghĩ của bạn cho tập thể, thì điều này sẽ giảm hiệu quả truyền đạt, cũng như khiến nhân viên có cảm giác như bị “giáo huấn”. Thêm nữa, việc cho phép các cá nhân có thể đóng góp sẽ giúp cho tập thể có thể nhìn thấy các khía cạnh tích cực “tiềm ẩn” của câu chuyện.
Giáo sư, Tiến sĩ Howard Gardner, Đai học Harvard từng nói rằng “Những câu chuyện là ‘vũ khí’ mạnh mẽ nhất trong kho ‘vũ khí’ của một nhà quản lý.” Vậy thì, hãy “rèn” và vận dụng ‘vũ khí’ lợi hại đó một cách tinh tế để nâng cao hơn nữa khả năng giao tiếp của một nhà quản lý hiện đại, bạn nhé!
Trung Thành
Author Profile
Latest entries
- Bí quyết tuyển dụng2024.10.073 kỹ năng giao tiếp giúp phỏng vấn ứng viên hiệu quả hơn
- Nghệ thuật quản lý2024.09.30Làm gì khi nhân viên phản đối sự đổi mới?
- Bí quyết tuyển dụng2024.09.234 câu hỏi giúp đánh giá tinh thần trách nhiệm của ứng viên
- Nghệ thuật quản lý2024.09.16Để các cuộc họp doanh nghiệp diễn ra đúng tiến độ và đúng hướng