Tuyển dụng “bản sao” của chính mình, lợi hay hại?

Ai làm sếp rồi chắc ít nhiều đã từng nghĩ: “Giá mà có một người hợp gu, phối hợp ăn ý kiểu như nhìn là biết nhau đang nghĩ gì để làm cùng thì khỏe biết mấy”. Nhưng liệu tuyển dụng “bản sao” của chính minh có phải là lựa chọn lý tưởng? Hay đó là con dao hai lưỡi khiến đội ngũ thiếu đi sự đa dạng và sáng tạo? Liệu tuyển người giống mình là chiến lược thông minh hay là cái bẫy ngọt ngào? Cùng phân tích một chút nhé!

Tuyển dụng “bản sao” của chính mình, lợi hay hại?
Tuyển dụng “bản sao” của chính mình, lợi hay hại?

Lợi ích khi tuyển dụng “bản sao” của chính mình

“Tuyển dụng bản sao của chính mình là việc nhà lãnh đạo ưu tiên chọn những ứng viên có tính cách, giá trị, lối tư duy và phong cách làm việc giống với chính họ.”

Dễ làm việc chung, ít xung đột

Tuyển người giống mình có cái lợi rất hay là làm việc chung thấy trơn tru hẳn. Từ cách nghĩ, gu thẩm mỹ đến cách giải quyết vấn đề đều na ná nhau nên phối hợp nhịp nhàng, ít cãi vã, đỡ mệt đầu. Mình cũng không cần giải thích nhiều, đôi khi chỉ cần nói nửa câu đã biết người kia nghĩ gì và cần gì.

Mình là kiểu người kỹ tính, thích rõ ràng và làm việc có kế hoạch. Khi tuyển một bạn cũng siêu chi tiết và logic, tụi mình phối hợp với nhau cực kỳ trơn tru, deadline chưa bao giờ bị trễ, họp hành cũng không lan man, quyết cái là làm luôn. Môi trường làm việc như vậy thường yên ổn, tiết kiệm thời gian vì ai cũng nắm được nhịp và kỳ vọng của nhau.

Nguyễn Thanh Thúy – Trưởng nhóm Digital Marketing

Tiết kiệm thời gian đào tạo

Tuyển người giống mình còn có cái tiện nữa là tiết kiệm được khối thời gian đào tạo. Vì họ đã quen với cách làm việc, tư duy gần giống, nói một hiểu mười nên không phải ngồi kèm từng bước hay viết quy trình chi ly hoặc mất công giải thích từ đầu hay chỉnh từng chút một. 

Ví dụ, bạn là người làm việc kiểu có kế hoạch rõ ràng, thích cập nhật tiến độ thường xuyên mà tuyển đúng người cũng quen với cách đó thì khỏi cần hướng dẫn chi tiết từng bước, chỉ cần giao mục tiêu là họ tự biết nên làm gì trước, làm gì sau. Nhờ vậy, công việc chạy nhanh, trôi chảy mà bạn cũng thảnh thơi hơn. Hoặc nếu bạn quen làm slide kiểu tối giản, rõ ý, không màu mè – gặp người cũng có thói quen như vậy thì khỏi phải chỉnh tới chỉnh lui. Giao việc xong là yên tâm họ sẽ làm đúng “chất” mình mong muốn. Vừa nhanh, vừa đỡ phải kiểm tra đi kiểm tra lại.

Phan Minh Hải – Sales Manager

Tạo ra một “đội hình đồng điệu”

Về mặt ngắn hạn, cả đội có thể rất đồng nhất trong cách làm việc như ăn rơ từ trước, tạo cảm giác như “chung một chiến tuyến”, đặc biệt trong môi trường startup hoặc khi cần tốc độ. Do cùng cách suy nghĩ, cùng tốc độ xử lý công việc nên mọi người phối hợp cực kỳ mượt mà, ít va chạm, ít hiểu lầm, mỗi người một tay là việc chạy vù vù. Nếu nhóm toàn người thích rõ ràng, làm nhanh, giao đúng deadline thì không ai phải nhắc ai, mọi thứ tự khớp vào nhau như bánh răng. Nhờ vậy, hiệu suất chung cũng cao hơn, không mất thời gian loay hoay vì lệch gu hay vênh nhịp làm việc.

Lâm Thị Thanh Tuyền – Event Manager

Tác hại tiềm ẩn – đừng nghĩ chỉ cần “giống mình là tốt”

Mất đi sự đa dạng trong góc nhìn

Mình đã từng nghĩ tuyển dụng “bản sao” của chính mình chắc dễ làm việc và đúng là ban đầu thấy “ngon lành” thật. Nhưng càng về sau, mình mới nhận ra: Tuyển bản sao của chính mình giống như chơi cờ mà chỉ có một loại quân – dễ đoán và thiếu linh hoạt.

Tuyển toàn người giống mình nghe thì tiện, nhưng dễ gặp cái dở là mất đi sự đa dạng trong góc nhìn. Khi ai cũng nghĩ giống nhau, phản ứng giống nhau thì đôi khi cả đội bị “mù tập thể” mà không nhận ra bởi không ai phản biện hoặc đưa ra góc nhìn khác để nhận ra rủi ro. Nếu bạn là người thiên về an toàn, ít dám liều mà tuyển toàn người cũng như vậy thì khi gặp cơ hội lớn nhưng hơi mạo hiểm, cả nhóm có khi sẽ bỏ qua, dù đó có thể là bước ngoặt. Không ai đặt câu hỏi trái chiều, không ai dám “chọc gậy bánh xe” để mở ra góc nhìn mới và thế là đội ngũ dễ rơi vào lối mòn lúc nào không hay. 

Đôi khi, chính những người trái gu, trái cách nghĩ mới là người đem đến góc nhìn lạ, giúp công việc đi xa hơn. Như có lần mình đưa ra chiến lược nội dung mới cho fanpage, bạn đồng nghiệp (giống mình) đồng tình ngay. Nhưng một bạn khác (tính cách trái ngược, sáng tạo – cảm tính hơn) lại phản biện: “Mọi người làm quá an toàn, không có điểm nhấn”. Nhờ vậy nhóm mình điều chỉnh lại và kết quả là bài viết tăng lượng tiếp cận tự nhiên lên gấp 3 lần.

Võ Thanh Trúc – Marketing Senior

Tạo ra văn hóa bảo thủ trói buộc sự tiến bộ

Tuyển toàn người giống nhau có thể dễ trở nên tự mãn hoặc chỉ ở trong “vùng an toàn”. Lâu dần, tư duy đổi mới, cải tiến, mạo hiểm sẽ bị đè nén và tạo ra văn hóa đồng nhất, mà đồng nhất quá thì lại thành bảo thủ lúc nào không hay. Khi ai cũng suy nghĩ theo cùng một kiểu, thì cái mới, cái khác dễ bị gạt qua một bên chỉ vì “không quen”, “không hợp gu”. 

Giả sử bạn xây dựng nhóm theo phong cách nghiêm túc, chuẩn mực và tuyển toàn người cũng nghiêm chỉnh y chang, thì khi có ai đó đề xuất cách làm sáng tạo, phá cách một chút, cả nhóm có thể phản ứng kiểu dè chừng, không sẵn lòng thử. Dần dà, công ty không chỉ thiếu đổi mới mà còn tự bó hẹp mình trong một cái khung an toàn, khó bật lên khi thị trường thay đổi.

Trần Minh Mẫn – IT Manager

Khó mở rộng quy mô

Tuyển người giống mình tuy dễ làm việc lúc đầu nhưng về lâu dài lại khiến công ty khó phát triển vì thiếu sự bổ sung và cân bằng. Mỗi người đều có điểm mạnh, điểm yếu riêng – mà nếu ai cũng giống nhau thì những điểm yếu đó dễ bị lặp lại, không ai bù đắp. Trong khi để phát triển, bạn cần một đội ngũ bổ sung lẫn nhau, người giỏi cái này bù cho người kia còn thiếu.

Nếu bạn là người rất giỏi chuyên môn nhưng không mạnh về giao tiếp mà tuyển thêm toàn người giống vậy thì ai lo chuyện đàm phán, thuyết trình với khách hàng? Muốn đi xa, công ty cần đủ màu sắc – có người có tầm nhìn chiến lược, có người chú ý đến chi tiết, có người hướng nội, có người hướng ngoại, có người dám mạo hiểm và có người làm gì cũng chắc ăn như bắp – tức là cần sự khác biệt để cùng nhau kéo đội đi lên và phát triển bền vững. 

Một đội bóng không thể toàn tiền đạo. Cũng như một công ty không thể toàn những người giống sếp. Thế nên, thay vì tuyển người giống hệt, tôi nghĩ tốt hơn là nên tuyển người có các giá trị cốt lõi phù hợp nhưng cách tiếp cận và tư duy có thể khác. Họ sẽ bổ sung những mảnh ghép bạn chưa có, khiến bạn phải tranh luận, dám thách thức và ngày càng phát triển. 

Đặng Thanh Duy – CEO

Bạn nghĩ sao? Tuyển dụng “bản sao” của chính mình có phải là dấu hiệu của sự thoải mái hay là sự trì trệ ngầm? Cùng chia sẻ nhé vì biết đâu chúng ta lại có những mảnh ghép rất khác để cùng hoàn thiện!

Huỳnh Trâm

Author Profile

CareerLink

Sao chép thành công