Bài toán giữ chân nhân tài trong doanh nghiệp luôn được quan tâm từ trước đến nay đối với các nhà lãnh đạo, càng quy tụ được nhiều nhân tài cống hiến, doanh nghiệp càng dễ dàng phát triển và lớn mạnh. Tuy nhiên, tìm được những cá nhân xuất sắc đã khó, tạo được niềm tin và giữ chân họ lại càng khó hơn. Sau đây, CareerLink.vn sẽ chia sẻ 5 lí do khiến nhân tài đưa ra quyết định rời bỏ công ty, giúp nhà lãnh đạo tìm ra giải pháp tốt nhất.
1.Không biết cách lắng nghe
Kỹ năng lắng nghe rất quan trọng đối với người lãnh đạo vì không những cải thiện mối quan hệ cấp trên – cấp dưới mà còn giúp bạn nắm rõ tình hình nội bộ công ty, từ đó nâng cao hiệu quả quản lý. Làm việc với người lãnh đạo không biết lắng nghe sẽ khiến nhân viên cảm thấy ý kiến của mình chẳng có giá trị, lâu dần sinh ra tâm lý chán nản muốn từ bỏ. Vì vậy, càng ở vị trí cao bạn càng nên dành thời gian lắng nghe nhân viên của mình nhiều hơn. Khi cấp dưới trình bày, bạn đừng nên chăm chú vào điện thoại, máy tính hay tài liệu, sổ sách. Thay vào đó, bạn hãy tạm gác công việc sang một bên và chú tâm hoàn toàn vào cuộc trao đổi. Bạn có thể giới hạn thời gian để nhân viên biết họ cần trình bày ngắn gọn, tập trung vào ý chính, tránh nói lan man, dài dòng. Nhân viên của bạn sẽ cảm thấy được tôn trọng và tận tâm cống hiến nếu có một người lãnh đạo tâm lý biết lắng nghe và quan tâm.
2.Không ghi nhận sự cống hiến
Bất cứ ai cũng muốn được ghi nhận sự cố gắng trong công việc. Khi sự cống hiến được ghi nhận, họ sẽ có thêm động lực và cố gắng làm việc năng suất hơn. Ngược lại, nếu mọi cố gắng đều bị chối bỏ hoặc thờ ơ, chắc chắn nhân viên của bạn sẽ chán nản, làm việc đối phó hoặc nộp đơn xin nghỉ. Bạn nên ghi nhận sự cống hiến của cấp dưới bằng cách tưởng thưởng xứng đáng bằng một khoản “bonus”, quà tặng hoặc tăng lương, thăng chức tùy từng trường hợp cụ thể. Bên cạnh đó, cách ghi nhận thành quả bằng tinh thần cũng đóng vai trò hết sức quan trọng để bạn thu phục cấp dưới. Bạn đừng tiết kiệm lời khen cho nhân viên trong những cuộc họp đông người hoặc nói lời cảm ơn chân thành khi được hỗ trợ dù đó là trách nhiệm của họ.
3.Không giao đúng việc
Bố trí một người không đúng việc, trái với lĩnh vực họ yêu thích sẽ đem lại hiệu quả công việc không cao. Vì vậy ở vai trò quản lý, bạn cần phân bổ công việc phù hợp với từng đối tượng. Khi giao việc, người lãnh đạo nên “training” kĩ càng cho nhân viên mới, nắm rõ công việc sẽ giúp họ phát huy khả năng, hoàn thiện bản thân. Đồng thời, trong quá trình cấp dưới thực hiện, bạn nên thường xuyên hỏi han và đưa ra những ý kiến đóng góp, tháo gỡ vướng mắc kịp thời để đạt được kết quả tốt nhất.
4.Không thân thiện với cấp dưới
Là lãnh đạo, bạn cần quan tâm đặc biệt trong cách cư xử với cấp dưới. Nếu dễ dãi với nhân viên, họ sẽ thiếu đi sự nể trọng nhất định. Nếu quá lạnh lùng, họ sẽ thấy xa cách, khó gắn bó lâu dài. Muốn cân bằng mối quan hệ cấp trên – cấp dưới, nhà lãnh đạo cần kiểm soát cảm xúc một cách thông minh, học cách mỉm cười bằng mắt, hòa đồng cùng nhân viên để tạo sự gắn kết. Thỉnh thoảng cấp trên nên dành thời gian hỏi han, quan tâm xem nhân viên có đang gặp vấn đề gì cần giúp đỡ không. Trong cuộc họp căng thẳng, người lãnh đạo có thể pha trò bằng những câu nói dí dỏm giúp không khí trở nên dễ chịu. Sự thân thiện của lãnh đạo sẽ khiến nhân viên cởi mở chia sẻ hơn, từ đó giúp bạn có thêm sự thấu hiểu và đưa ra phương pháp quản lý tốt nhất.
5.Không tạo được niềm tin
Mỗi doanh nghiệp luôn có định hướng, mục tiêu và chiến lược phát triển cụ thể, bởi quy mô công ty dù nhỏ hay lớn, khi xác định được mục tiêu hướng đến và lên kế hoạch thực hiện bài bản thì sẽ gây dựng niềm tin nơi nhân viên, khiến họ muốn tận tâm cống hiến, gắn bó dài lâu.
Có nhiều công ty không ngần ngại “trải thảm đỏ” rước nhân tài về và tâm lý con người thường thấy “cỏ bên kia đồi bao giờ cũng xanh hơn”, điều này rất dễ khiến nhân viên “đứng núi này trông núi nọ” và quyết định rời bỏ công ty bạn. Nếu không muốn đánh mất người thực sự có năng lực, bạn cần mang đến cho nhân viên của mình niềm tin và thấy được sự đúng đắn với kế hoạch bạn đang hướng đến bằng cách gây dựng nền móng vững vàng, cho họ thấy được làm việc tại nơi này thực sự là lựa chọn “số một”.
Hi vọng những gợi ý trên sẽ giúp nhà lãnh đạo tránh được sai lầm không đáng có khiến hàng loạt nhân tài rời bỏ bạn, nhằm hướng tới xây dựng nguồn nhân lực vững mạnh cho sự phát triển lâu dài của công ty. Chúc bạn thành công!
Nhiên Phượng
Author Profile
Latest entries
- Nghệ thuật quản lý2024.12.02Tuyệt chiêu xây dựng đội ngũ hợp tác và chia sẻ
- Bí quyết tuyển dụng2024.11.265 sáo ngữ cần tránh khi viết tin tuyển dụng và gợi ý thay thế
- Nghệ thuật quản lý2024.11.18Khắc phục phong cách quản lý vi mô bằng cách nào?
- Nghệ thuật quản lý2024.11.04Làm gì để nhân viên ít hỏi lại và nâng cao tinh thần chủ động?