Chúng ta thường nghe thấy nhiều nhận xét rằng người lao động hiện đại giờ đây ít có khả năng ở lại một công ty duy nhất trong thời gian dài. Nhưng sự nhất thời đó không có nghĩa là lòng trung thành đã mất hết giá trị mà trái lại nó trở thành một phẩm chất quý giá hơn nữa. Một số tổ chức và nhà lãnh đạo rất xuất sắc trong việc nuôi dưỡng lòng trung thành của nhân viên. Dưới đây là 5 thói quen chính giúp họ làm điều đó mà bạn có thể tham khảo.
Họ chân thành
Đây chính là điểm mấu chốt đầu tiên, thói quen được hình thành trong suốt quá trình làm việc và trải nghiệm của những nhà quản lý. Họ hoàn toàn không có suy nghĩ “công cụ hóa” những người làm việc dưới mình, không dùng chức vị cũng như quyền hạn để lợi dụng chất xám và sức lao động của nhân viên. Sự chân thành còn thể hiện ở thái độ, lời nói trong suốt những cuộc họp hay thậm chí là những lần gặp gỡ bên ngoài.
Họ tin tưởng các thành viên trong nhóm và thể hiện điều đó
Hãy theo dõi những cuộc thảo luận, những buổi họp giao nhiệm vụ để thấy sự khác biệt giữa một nhà quản lý với những nhân viên trung thành và người ngược lại. Điểm khác biệt lớn nhất ở đây là niềm tin. Họ có một niềm tin nhất định vào nhân viên của mình trong những công việc sắp đến thông qua những cơ sở chuyên môn và tinh thần họ nhìn thấy được. Không những có niềm tin, những nhà quản lý còn tìm những cách thức phù hợp để thể hiện nó với nhân viên thay vì chỉ giữ trong đầu mình. Những nhân viên biết rằng cấp trên luôn tin tưởng họ sẽ mạnh dạn hơn trong việc chấp nhận những thử thách táo bạo hơn, sẽ không bỏ cuộc ngay cả khi vấp ngã hay gặp phải khó khăn.
Họ chia sẻ các giá trị, tư tưởng của mình
Thêm một điều đặc biệt nữa mà những nhà quản lý với nguồn nhân viên trung thành thường có đó chính là thái độ cởi mở, sẵn sàng đưa những giá trị mà bản thân tâm đắc vào những cuộc trò chuyện với nhân viên. Họ không bao giờ để các thành viên trong nhóm phải “đoán già, đoán non” về những gì cần thiết để thành công trong tổ chức và mục tiêu mà công ty hướng đến.
Họ cũng không sợ bị chứng minh bản thân là sai, quan điểm của họ là duy trì một cuộc đối thoại có ý nghĩa, chứ không phải để giành phần thắng trong một cuộc tranh luận. Năng lượng tích cực và niềm tin của họ vào những người họ làm việc cùng là dễ lây lan và tăng cường năng lượng cho mọi người.
Họ luôn sẵn sàng hỗ trợ, có mặt đầu tiên trong các sự cố
Khi những tính toán, chiến lược của cả tập thể gặp vấn đề phát sinh, làm gián đoạn đến tiến trình chung của dự án thì đây là lúc để nhìn rõ một nhà lãnh đạo mẫu mực, có trách nhiệm. Thay vì bỏ mặc nhân viên tự giải quyết vì cho rằng khâu thực thi kém, những quản lý có nhân viên trung thành là những người có mặt đầu tiên và đưa ra các hướng giải quyết cần thiết để khắc phục sự cố và hoàn thành công việc tốt nhất. Họ không mong đợi bất cứ ai thực hiện một nhiệm vụ mà chính họ cũng không sẵn sàng.
Họ quan tâm đến cuộc sống của nhân viên
Ngoài những vấn đề chuyên môn thượng tầng, một người sếp có thiên hướng quan tâm đến những vấn đề cá nhân xung quanh nhân viên như gia đình, sở thích, dự định trong tương lai… thường nhận được sự trung thành từ phía họ. Những nhà quản lý này biết rằng cuộc sống của các thành viên trong nhóm ảnh hưởng đến công việc của họ theo nhiều cách. Do đó, hỗ trợ các nhu cầu cá nhân của nhân viên là một trong những cách tốt nhất để đảm bảo rằng họ sẽ có thể cố gắng hết sức mình khi công ty cần đến họ nhất.
Trong số rất nhiều mục tiêu nhà tuyển dụng có, thu hút và giữ chân nhân tài là điều ưu tiên hàng đầu. Một cách hiệu quả để phát triển và giữ nhân viên trung thành là công nhận những thành tựu cá nhân của họ. Bằng cách phát triển năm thói quen quản lý này, bạn có thể sẽ có những nhân viên trung thành và hạnh phúc – những người luôn mang đến nhiều hiệu quả bất ngờ trong công việc.
Tiến Huy
Author Profile
Latest entries
- Nghệ thuật quản lý2024.09.04Điều gì xảy ra nếu đặt kỳ vọng thiếu thực tế cho nhân viên?
- Bí quyết tuyển dụng2024.08.26Thổi phồng công việc để thu hút ứng viên, lợi hay hại?
- Nghệ thuật quản lý2024.08.19Nên làm gì với những nhân viên thiếu tự tin?
- Bí quyết tuyển dụng2024.08.12Xử lý khéo khi ứng viên xin việc làm “bùng” phỏng vấn