7 lí do thái độ quan trọng hơn trình độ khi tuyển dụng

Là nhà tuyển dụng, bạn cho rằng thái độ quan trọng hơn trình độ hay ngược lại?

Khi tìm kiếm một ứng viên tiềm năng, có thể rất hấp dẫn để bạn “nghiêng” về các ứng viên có kiến thức chuyên môn, kỹ năng vượt trội. Tuy nhiên, số liệu thống kê cho thấy nhà tuyển dụng thường ưu tiên các ứng viên có tính cách và thái độ phù hợp hơn là người có trình độ chuyên môn cao, bởi các lí do sau.

Vì sao thái độ quan trọng hơn trình độ khi đánh giá ứng viên?

Bạn sẽ thu hút được nhiều ứng viên hơn

Sẽ rất khó để bạn tìm thấy một ứng viên có thể thỏa mãn hết tất cả các tiêu chí tuyển dụng. Khi quá tập trung vào kỹ năng, bạn đang tạo một màn che ngăn cản bạn nhìn thấy một ứng viên lý tưởng – một người ham học hỏi, có đạo đức làm việc mạnh mẽ và có tư duy tích cực (bản lĩnh, lạc quan, có trách nhiệm…). Thậm chí, người này còn có thể sở hữu các kỹ năng mà bạn không nhận ra rằng nó có giá trị thực sự với doanh nghiệp của mình.

Các kỹ năng cần thiết có thể nhanh chóng thay đổi

Ngày nay, các kỹ năng và kiến thức chuyên môn cần thiết đối với doanh nghiệp không ngừng phát triển, có nghĩa là các công cụ bạn đang sử dụng có thể không phải là điều bạn cần trong 3 hoặc 4 năm tới. Do đó, bạn nên tập trung vào việc ứng viên có sẵn sàng theo kịp những tiến bộ mới, bất kể họ thành thạo vào thời điểm hiện tại hay không. 

Nhân viên sẽ dành nhiều thời gian hơn cho công việc

Các hành vi gây lãng phí thời gian như “tám” chuyện hay tung các tin đồn thường được sinh ta từ thái độ tiêu cực – những người chỉ thích nhìn vào những điểm xấu và các tình huống tồi tệ. Loại hành vi này ảnh hưởng xấu đến tinh thần làm việc của nhân viên và dẫn đến năng suất thấp. Trái lại, những người sở hữu thái độ tích cực sẽ không bị phân tâm bởi sự lôi kéo của những cuộc trò chuyện vô nghĩa. Trong nhiều trường hợp, thái độ tích cực của họ có thể lan truyền sang những đồng nghiệp khác, khiến mọi người tập trung vào các hành vi đúng đắn và điều này giúp kết quả kinh doanh tốt hơn và sự hài lòng của nhân viên cũng tăng cao hơn.

Môi trường công sở sẽ vui vẻ hơn

Một lí do khác “phục vụ” cho quan điểm thái độ quan trọng hơn trình độ khi tuyển dụng là không khí làm việc vui vẻ. Vui vẻ có thể không đứng đầu trong danh sách ưu tiên của bạn khi “săn lùng” nhân viên mới, nhưng niềm vui chắc chắn có lợi cho môi trường làm việc. Chúng ta dành nhiều thời gian cùng đồng nghiệp thậm chí còn hơn là với gia đình và bạn bè, vậy tại sao không kết nối bản thân mình và công ty của bạn với những người tích cực? Nếu tất cả nhân viên trong văn phòng đều vui vẻ làm việc cùng nhau, bạn sẽ ngạc nhiên bởi công ty có thể nhanh chóng đạt được mục tiêu đề ra.

Nhân viên sẽ có nhiều thành tích cao hơn

Một người tích cực biết cách ăn mừng những thành công nhỏ – điều sẽ tạo động lực tuyệt vời cho các thành công lớn hơn. Họ biết trân trọng những thành công nhỏ đạt được hàng ngày (thậm chí có vẻ tầm thường vào thời điểm đó) và sử dụng điều này để thúc đẩy bản thân tiến xa hơn nữa.

Nếu bạn muốn hướng công ty đến những mục tiêu lớn hơn, bạn cần phải đủ thực tế để biết rằng những mục tiêu này không được thực hiện trong một đêm. Bạn và tập thể cần phải nỗ lực hết sức mình. Vì vậy, nhân viên của bạn cần hiểu rằng những khó khăn và nỗ lực của ngày hôm nay sẽ được đền đáp như thế nào vào ngày mai. Và nhân viên có thái độ tích cực luôn đánh giá cao hành trình của họ đồng thời góp phần lan tỏa tinh thần hăng say làm việc đến các đồng đội của mình.

Thái độ tích cực tạo ra một đội ngũ mạnh mẽ

Thực tế, những người có thái độ tuyệt vời sẽ thành công hơn trong việc dẫn dắt đội ngũ thành công. Một phần lý do là họ quan tâm đến tập thể hơn là chính bản thân họ. Cho dù bằng cách thúc đẩy tinh thần trách nhiệm hay thực hiện các cam kết, họ có thể khiến mọi người làm việc cùng nhau để hoàn thành một điều gì đó lớn lao hơn.

Thái độ tích cực mở ra nhiều cơ hội mới

Thái độ bi quan là kết quả của suy nghĩ tiêu cực. Nó khiến bạn tập trung vào những khó khăn, hạn chế và ngừng tìm kiếm giải pháp hoặc cơ hội. Ngược lại, người có thái độ tích cực sẽ nắm bắt, thừa nhận các vấn đề và sau đó tập trung vào việc tìm kiếm các giải pháp hoặc sử dụng các thách thức đó để tạo ra cơ hội mới.

Thái độ tiêu cực giống như một chiếc lốp xì hơi. Bạn không thể đi bất cứ nơi nào cho đến khi bạn thay đổi nó. Trên thực tế, hơn 80% nhân viên mới có các kỹ năng và trình độ chuyên môn cần thiết, nhưng lại thất bại với tư cách là một nhân viên. Họ không thành công là vì họ không phù hợp với văn hóa công ty. Điều đó không có nghĩa là bạn nên bỏ qua khía cạnh kỹ năng, kiến thức của ứng viên, nhưng bằng cách tập trung hơn vào thái độ, bạn sẽ có được những nhân viên mới phù hợp, đóng góp tích cực vào bản sắc thương hiệu của bạn, đồng nghĩa bạn sẽ có một lực lượng lao động hạnh phúc và gắn kết hơn.

Những lí do vì sao thái độ quan trọng hơn trình độ khi tuyển dụng trên đây có thuyết phục bạn? Hãy chia sẻ ý kiến của bạn về vấn đề này trong phần bình luận nhé.

Huỳnh Trâm

Sao chép thành công