Có thể nói điều khó chịu nhất mà các nhà tuyển dụng phải đối mặt là ứng viên thiếu nhiệt tình với công việc và gây lãng phí thời gian. Cụ thể là họ có vẻ quan tâm đến vị trí ứng tuyển, nói tất cả những điều khiến bạn “mát lòng mát dạ” nhưng đến giây phút cuối cùng, khi bạn đưa ra lời mời làm việc, họ trả lời rằng họ không có hứng thú với công việc.
Có lẽ họ có lí do hoàn toàn chính đáng, có lẽ họ nhận được lời đề nghị ở lại từ công ty cũ… Dù lí do là gì, điều này cũng sẽ gây bất lợi cho bạn, nhất là khi tình trạng này đang ngày càng trở nên phổ biến. Thế nên, trong quá trình phỏng vấn, bạn cần đặt ra các câu hỏi mục tiêu để tìm hiểu xem ứng viên có thực sự nghiêm túc với việc ứng tuyển hay không, điển hình là những điều sau đây.
Bạn thích khía cạnh nào của công việc này và đâu là điều bạn không thích?
Câu hỏi này sẽ giúp bạn có được cái nhìn sâu sắc về mức độ quan tâm của ứng viên đối với vai trò ứng tuyển và liệu họ có thực sự hiểu về vị trí đó hay không. Nếu họ hào hứng với các nhiệm vụ mà họ sẽ thực hiện khá thường xuyên, thì đó dấu hiệu rất tốt. Nhưng nếu họ không mấy hứng thú, thậm chí nói rằng họ không thích những điều đó, thì họ đang có vấn đề.
Các ứng viên tiềm năng sẽ giữ thái độ tích cực về tất cả các khía cạnh khác nhau của công việc ứng tuyển. Chẳng hạn, họ sẽ trả lời như“Tôi thích được tiếp xúc với nhiều người trong công việc dịch vụ khách hàng của mình. Tôi muốn được làm quen, xây dựng mối quan hệ với khách hàng và giúp họ giải quyết các vấn đề bất ngờ xảy đến. Tuy nhiên, nói thật là tôi không thích công việc giấy tờ cho lắm, nhưng tôi đã làm việc này khá nhiều và bây giờ tôi thấy nó cũng không quá đỗi nhàm chán.”
Những câu trả lời có mức độ vừa phải như trên cho thấy rằng ứng viên hiểu có một số mặt của công việc mà họ có thể không thích nhưng họ vẫn chấp nhận và hoàn thành. Nó cũng cho thấy rằng họ thực sự hiểu về vai trò ứng tuyển và những gì công việc đòi hỏi.
Tại sao bạn nghĩ công việc này sẽ khác hoặc tốt hơn công việc hiện tại của bạn?
Đây là một câu hỏi hay vì nó sẽ tiết lộ lý do tại sao ứng viên tìm kiếm một công việc mới. Có thể họ tìm một mức lương cao hơn, nhưng tại sao lại ở công ty bạn? Điều gì khiến công ty bạn nổi bật? Hay bạn chỉ là một trong những người đã mời họ phỏng vấn?
Nếu họ không thể đưa ra bất kỳ lý do nào thì đó là dấu hiệu cho thấy họ không thực sự bận tâm, có lẽ họ chỉ tìm kiếm một công việc như bao nhiêu người khác hoặc họ chỉ tham dự cuộc phỏng vấn với mục đích muốn trải nghiệm. Trường hợp xấu nhất, họ đã rời khỏi vị trí hiện tại vì một điều gì đó không hay. Trái lại, nếu họ đưa ra câu trả lời như “Tôi hy vọng được hợp tác với một đội ngũ sáng tạo, luôn tìm kiếm cơ hội và ý tưởng mới. Tôi đã xem trang web của bạn, các trang mạng xã hội và cảm thấy công ty của bạn là nơi phù hợp với tôi”, thì bạn đã có một ứng viên thực sự nhiệt tình.
Bạn biết gì về công ty?
Một cách khác để kiểm tra sự nhiệt tình của ứng viên là xem họ đã chuẩn bị tốt như thế nào cho buổi phỏng vấn. Một ứng viên tận tâm, nhiệt tình và chủ động sẽ dành nhiều thời gian để tìm hiểu thêm về công ty. Vì vậy, họ sẽ dễ dàng trả lời câu hỏi trên cùng với những điều như Đối thủ của chúng tôi là ai? Bạn nghĩ gì về sự phù hợp văn hóa của bạn với công ty?…
Và nếu ứng viên đã thực hiện nghiên cứu kỹ lưỡng, họ có thực sự mong muốn nhận được công việc hay không? Từ câu hỏi hiểu biết về công ty, bạn có thể đào sâu hơn về khả năng chấp nhận công việc của ứng viên.
Bạn có điều gì cần hỏi không?
Một ứng viên nhiệt tình và mong muốn nhận được công việc sẽ có sẵn “ngân hàng” các câu hỏi thực tế dành cho bạn. Đó là lý do vì sao các chuyên gia nhân sự luôn kết thúc buổi phỏng vấn với câu hỏi này.
Ứng viên có thể đặt các câu hỏi để tìm hiểu về sự phù hợp của họ với vị trí, đồng nghiệp cũng như văn hóa công ty và sẽ cố gắng tìm hiểu sâu thêm về doanh nghiệp, trái ngược với những người chỉ hỏi về ngày nghỉ cùng các khoản lương thưởng. Vì vậy, họ có thể hỏi “Vui lòng cho tôi một ví dụ về các dự án mà tôi sẽ làm” hoặc “Công ty có chương trình đào tạo nào dành cho nhân viên?”… Về cơ bản, đây là những câu hỏi cho thấy sự quan tâm thực sự của họ đối với vai trò ứng tuyển.
Huỳnh Trâm
Author Profile
Latest entries
- Nghệ thuật quản lý2024.12.02Tuyệt chiêu xây dựng đội ngũ hợp tác và chia sẻ
- Bí quyết tuyển dụng2024.11.265 sáo ngữ cần tránh khi viết tin tuyển dụng và gợi ý thay thế
- Nghệ thuật quản lý2024.11.18Khắc phục phong cách quản lý vi mô bằng cách nào?
- Nghệ thuật quản lý2024.11.04Làm gì để nhân viên ít hỏi lại và nâng cao tinh thần chủ động?