Bạn đã sàng lọc hàng chục ứng viên và đã tìm thấy người thực sự phù hợp. Họ rất quan tâm đến công việc, đã tham gia phỏng vấn và bạn chỉ chờ cái gật đầu từ họ. Tuy nhiên, bất ngờ là ứng viên số một của bạn đã bỏ cuộc. Điều này khiến bạn tốn hao khá nhiều thời gian, tiền bạc và năng lượng. Rất có thể ứng viên này đã đưa ra một số tín hiệu cho thấy sự thay đổi của họ nhưng có lẽ trong niềm vui tìm được ứng viên phù hợp, bạn đã bỏ lỡ chúng.
Rút kinh nghiệm, lần tuyển dụng tiếp theo, bạn hãy theo dõi các dấu hiệu cho thấy ứng viên có thể rút lại ý định ban đầu để có cách xử lý kịp thời.
Trì hoãn
Nếu ứng viên của bạn vẫn hào hứng với công việc sau cuộc phỏng vấn đầu tiên, họ sẽ tạo điều kiện cho quá trình trở nên thuận lợi hơn. Trái lại, nếu bạn bắt đầu nghe rất nhiều lời bào chữa cho việc không hành động hoặc chậm trễ thì có điều gì đó đã thay đổi. Có thể họ đã biết được thông tin nào đó trong buổi phỏng vấn khiến họ suy nghĩ lại về cơ hội việc làm. Cũng có thể họ đang chú ý đến một nhà tuyển dụng khác. Dù lý do của họ là gì, nếu ứng viên của bạn đột ngột không thể thực hiện cuộc phỏng vấn thứ hai hoặc không phản hồi về lời đề nghị làm việc trong vòng một hoặc hai ngày, hãy hỏi điều gì khiến họ còn lo ngại. Nếu họ im lặng, có thể họ đang bắt đầu một hành trình tìm việc mới và bạn cũng nên chuyển sang một ứng viên tiềm năng khác.
Tin nhắn của bạn bạn rơi vào “hố đen”
Trong giai đoạn đầu của quá trình tuyển dụng, bạn nhận được phản hồi ngay lập tức của ứng viên (chỉ trong vài phút hoặc vài giờ) cho các cuộc gọi, tin nhắn và email nhưng sau đó điều này không còn tiếp diễn. Và trừ khi trước đó bạn đã được thông báo về một kỳ nghỉ hay kế hoạch du lịch của ứng viên, thì bất kỳ sự chờ đợi nào kéo dài hơn một ngày đều là tiếng chuông cảnh báo. Bởi chỉ vài bước nữa thôi là ứng viên sẽ có thể nhận được công việc mới và họ không nên thể hiện bất cứ hành động phớt lờ nào. Nếu họ không nhận điện thoại, không trả lời email hoặc chỉ gửi cho bạn những phản hồi mơ hồ, không mang tính cam kết có nghĩa là bạn đã “mất” họ.
Liên tục “cập nhật”nhu cầu
Một ứng viên rõ ràng về khả năng, nhu cầu và mục tiêu nghề nghiệp của họ sẽ có thể chia sẻ những điều đó với bạn sớm trong quá trình phỏng vấn. Nếu đột nhiên họ có một nhu cầu mới trong mỗi lần liên hệ, ứng viên của bạn có lẽ đang tìm kiếm lý do để bỏ đi.
Bạn chợt nhận ra ứng viên phỏng vấn với nhà tuyển dụng khác
Hãy luôn luôn hỏi: “Bạn có chờ đợi câu trả lời hoặc sắp phỏng vấn với nhà tuyển dụng khác hay không?” trong cuộc trò chuyện đầu tiên với ứng viên. Và theo dõi sau đó để biết họ có nhận được cuộc gọi hoặc họ đã nhận lời đề nghị làm việc từ công ty khác hay không. Nếu không hỏi, bạn không thể xây dựng mối quan hệ cởi mở với ứng viên này. Nếu họ là một ứng viên đầy tiềm năng và nếu bạn đã không tạo ấn tượng với họ bằng việc theo dõi, quan tâm thì tất nhiên họ có thể phỏng vấn ở một nơi khác. Điều này đồng nghĩa rằng bạn có nhiều nguy cơ mất đi ứng viên ưu tú của mình.
Không đưa ra thông tin người tham khảo
Chúng ta có thể nhanh chóng cho rằng việc không đưa ra thông tin người tham khảo có nghĩa là ứng viên có vấn đề trong lịch sử làm việc của họ. Nhưng đôi khi, điều đó chỉ có nghĩa là ứng viên không nghiêm túc với công việc ứng tuyển. Họ có thể có những người tham khảo tuyệt vời – người sẵn sàng nói những lời tốt đẹp về họ nhưng lại không đưa ra, đây có thể là một chiến thuật khiến bạn phải chờ đợi trong khi họ xác định lại những gì họ thực sự muốn làm.
Yêu cầu về mức lương đột ngột thay đổi
Trong cuộc phỏng vấn, bạn và ứng viên đã thỏa thuận mức lương phù hợp nhưng sau đó họ lại đề xuất một con số cao hơn, không bao giờ nằm trong phạm vi chi trả của bạn. Nếu điều này xảy ra, hãy nhớ rằng: Công việc mà bạn đang đề nghị chỉ là không đủ thú vị để họ nỗ lực. Hãy cố gắng để có một cuộc trò chuyện cuối cùng để xem liệu bạn có thể khám phá được bất kỳ lý do nào khác cho việc thay đổi ý định ban đầu của họ. Nếu không, đó là lúc để nói lời tạm biệt.
Huỳnh Trâm
Author Profile
Latest entries
- Bí quyết tuyển dụng2025.01.205 cái bẫy cần tránh khi phỏng vấn tuyển dụng ứng viên
- Bí quyết tuyển dụng2025.01.13Offer letter nên tránh lỗi nào để tăng cơ hội ứng viên đồng ý?
- Nghệ thuật quản lý2025.01.066 dấu hiệu bạn đang lãnh đạo nhóm hiệu quả
- Bí quyết tuyển dụng2024.12.305 câu hỏi giúp đánh giá khả năng ứng viên qua CV