7 yếu tố giúp bạn tìm được ứng viên tốt nhất

Tuyển dụng là một trong những nhiệm vụ áp lực và gian nan nhất mà nhà tuyển dụng phải đối mặt. Việc tuyển sai người có thể khiến bạn mất thời gian, công sức thậm chí làm giảm doanh thu nên chọn đúng người ngay từ đầu là điều hết sức cần thiết. Để có thể chọn được ứng viên tốt nhất cho công việc, hãy cùng tham khảo 7 yếu tố sau đây nhé!

Xác định rõ những điểm bạn mong muốn ở ứng viên

Trước khi bắt tay vào thực hiện điều mình muốn, bạn cần phải biết được thứ mình muốn có là gì. Tương tự như vậy, để tuyển được nhân viên tốt nhất, bạn cần xác định các đặc điểm cốt lõi về thái độ và khả năng của nhân viên mà bạn mong muốn. Lưu ý là đừng chỉ nghĩ về những gì bạn có trong bản mô tả công việc – hãy nghĩ về các nhiệm vụ chính bạn muốn nhân viên hoàn thành trong thời gian xa hơn nữa. Từ đó, bạn có thể dễ dàng đưa ra các câu hỏi liên quan để xác định đâu là ứng viên phù hợp nhất.

Phỏng vấn trước qua điện thoại để sàng lọc ứng viên

Lý do quan trọng nhất để sàng lọc ứng viên là tiết kiệm thời gian tuyển dụng. Đồng thời việc phỏng vấn qua điện thoại cũng có thể bạn biết phần nào về trình độ thực sự của ứng viên có phù hợp với mong muốn của bạn hay không. Ngoài ra, bạn cũng có thể xác định liệu mức lương của họ có nằm trong phạm vi của ngân sách công ty. Bên cạnh đó, một người phỏng vấn qua điện thoại lành nghề cũng sẽ có được thông tin về việc ứng viên có thể phù hợp với văn hóa của công ty hay không.

Đưa ra tình huống và yêu cầu ứng viên xử lý

Mô tả một tình huống cụ thể mà ứng viên có thể phải đối mặt trong quá trình làm việc và yêu cầu họ đưa ra phương án giải quyết cũng là cách để “thử lửa” hiệu quả.

Bạn có thể gửi tình huống này qua email hoặc trao đổi trực tiếp trong quá trình phỏng vấn. Sau đó đừng quên lắng nghe suy nghĩ đằng sau giải pháp đó và thảo luận cùng ứng viên. Từ đây, bạn sẽ xác nhận được cả kỹ năng và thái độ làm việc của họ có đạt yêu cầu đặt ra hay không.

Liên tục đặt câu hỏi

Một cách khác để xác định ứng viên có nhiều tiềm năng là đặt những câu hỏi liên quan đến thành tựu họ đã đạt được và đào sâu vào chúng cho đến khi bạn rõ về vai trò của họ trong đó. Qua những thu hoạch có được từ các câu hỏi sâu đó, bạn có thể xác định được họ có đam mê với công việc hay không, họ là thành viên hay là người dẫn dắt nhóm… Nếu như họ chia sẻ cả những thất bại, bài học và kinh nghiệm họ có được từ sai lầm, thì đó là ứng viên không nên bỏ lỡ.

Tập trung vào những câu hỏi của ứng viên

Những câu hỏi của ứng viên sẽ cung cấp cho bạn cái nhìn sâu sắc hơn về họ. Từ các câu hỏi đó, bạn sẽ biết họ có tìm hiểu trước về công ty của bạn hay không, họ có thể biết những gì ấn tượng trong văn hóa công ty của bạn không? Khi một ứng viên thể hiện sự khao khát thật sự được làm việc ở công ty bởi vì họ tìm thấy sự phù hợp với văn hóa, thì tiềm năng của họ là vô hạn.  

Tạo không khí thoải mái trong buổi phỏng vấn để ứng viên được là chính mình

Rất khó để cho ứng viên có thể cởi mở chia sẻ về bản thân trong một không khí quá căng thẳng. Do đó, bạn có thể mỉm cười hay thể hiện một chút hài hước nhằm tạo sự thân thiện và dễ chịu. Khi ứng viên cảm thấy thoải mái, bạn có nhiều khả năng sẽ biết được chính xác về khả năng và sự phù hợp văn hóa của họ.

Tìm kiếm phản hồi từ những người ứng viên đã gặp bên ngoài cuộc phỏng vấn

Tham khảo ý kiến từ những người đã tiếp xúc với ứng viên có thể mang lại cho bạn những thông tin vô giá. Có 3 cách mà bạn có thể thực hiện điều này: yêu cầu một người trong nhóm phỏng vấn đưa ứng viên đi tham quan văn phòng; nhờ ai đó gặp ứng viên trong khu vực tiếp tân và dẫn họ đến phòng phỏng vấn; mời ứng viên ngồi với ai đó để xem họ làm gì và tìm hiểu những điều họ đã hỏi. Thông tin thu thập được từ các cuộc tiếp xúc “ngoài lề” này sẽ mang đến cho bạn cái nhìn sâu sắc và đa chiều hơn về ứng viên, từ đó giúp bạn đưa ra lựa chọn đúng đắn nhất.

Những “chiến thuật” tuyển dụng này không chỉ giúp bạn lựa chọn ứng viên tốt nhất, mà là ứng viên tốt nhất có khả năng ở lại với bạn lâu nhất. Bạn không chỉ nhìn thấy sự phù hợp của ứng viên với vị trí mà còn có thể cung cấp cho họ cái nhìn rõ ràng hơn về thực tế công việc diễn ra như thế nào. Bằng cách làm cho quá trình tuyển dụng phù hợp với vai trò, bạn sẽ biết cách tuyển dụng ứng viên tốt nhất, chứ không chỉ là ứng viên có thành tích tốt nhất khi phỏng vấn.

 

Phạm Linh

Sao chép thành công