Nhà tuyển dụng nên hỏi gì khi phỏng vấn ứng viên?

Nếu đang thắc mắc Nhà tuyển dụng nên hỏi gì khi phỏng vấn ứng viên, bạn sẽ nhận được lời nhắc nhủ rằng “Sắp 2023 rồi, hãy ngừng hỏi những câu sáo rỗng nhà tuyển dụng ơi!”.

Trái đất không ngừng xoay quanh mặt trời, nhà tuyển dụng muốn “săn tìm” nhân tài chẳng thể nào ngồi im một chỗ. Nếu không cập nhật xu hướng, liên tục cải tiến, nâng cấp bộ câu hỏi phỏng vấn chúng ta sẽ trở thành một nhà tuyển dụng lạc hậu trong mắt ứng viên. Hẳn chúng ta hiểu hơn ai hết, thời gian của một buổi phỏng vấn là có hạn. Liệu chúng ta có đang lãng phí thời gian quý báu đó cho những câu hỏi sáo rỗng như thế này hay không?

Đi tìm lời giải cho thắc mắc nhà tuyển dụng nên hỏi gì khi phỏng vấn ứng viên

“Điều quan trọng là phải biết nhà tuyển dụng nên hỏi gì khi phỏng vấn để có thể đưa ra quyết định sáng suốt.”

Dưới đây là những câu hỏi sáo rỗng nên tránh và điều nên hỏi để đánh giá đúng ứng viên.

Điểm yếu lớn nhất của em là gì?

                                                                    

Có ý kiến cho rằng nhà tuyển dụng không nên hỏi ứng viên (vốn là người lạ) một câu hỏi mang tính riêng tư và dễ gây tổn thương như “Điểm yếu lớn nhất của em là gì?”. Lẽ tất nhiên sẽ luôn có hàng triệu thứ chúng ta không thể làm tốt. Đáp án cho câu hỏi này không giúp chúng ta đưa ra quyết định tốt hơn mà nó còn làm mất hình tượng của một nhà tuyển dụng chuyên nghiệp.

Tuy nhiên, mình cho rằng đây vẫn là một câu hỏi quan trọng để biết được ứng viên sẽ cần sự trợ giúp và hướng dẫn ra sao nếu được tuyển dụng. Ngoài ra, nó cũng cho chúng ta biết mức độ tự nhận thức của ứng viên và sự trung thực của họ về bản thân cũng như những việc họ đã làm để cải thiện điểm yếu trong suốt sự nghiệp.

Vấn đề ở đây là nhà tuyển dụng nên hỏi gì khi phỏng vấn để không phải nghe các câu trả lời na ná trăm người như một kiểu như “Điểm yếu là em quá cầu toàn” hay “Em rất ham việc đến nỗi không có thời gian dành cho mình”. Mỗi ứng viên đi phỏng vấn đều thủ sẵn các câu trả lời đã được soạn sẵn như thế, vậy thì lí do gì chúng ta phải ngồi đó để nghe họ đọc thuộc lòng?

Thay vì hỏi những câu sáo rỗng để nhận về những lời không có ý nghĩa, sao chúng ta không hỏi cụ thể hơn. Chẳng hạn như “Em nghĩ những kiến thức và kỹ năng nào sẽ giúp em trở thành một nhân viên hiệu quả hơn?” hoặc “Sếp trước đây nói rằng khóa học nào sẽ có lợi cho em?”. Điều này không chỉ giúp chúng ta biết được các kỹ năng ứng viên còn thiếu mà còn không đả động trực tiếp đến yếu điểm của họ, khiến họ không có cảm giác thất bại mà xem đó là cơ hội để phát triển nghề nghiệp.

Tại sao em nghỉ việc ở công ty cũ?

Bạn mong đợi điều gì khi đưa ra câu hỏi này? Ứng viên sẽ cho bạn biết lý do thật sự khiến họ nghỉ việc? Hay bạn chờ đợi một câu trả lời thật lòng để có thể nhìn nhận lại và thay đổi những tồn tại tương tự ở doanh nghiệp của mình?

Thẳng thắn mà nói, doanh nghiệp sẽ không vì ý kiến chủ quan của một vài người “qua đường” mà thay đổi văn hóa hay môi trường làm việc vốn có. Nếu là trường hợp đầu tiên, thử đặt mình vào vị trí của ứng viên, nếu bạn mâu thuẫn với sếp và đồng nghiệp, bạn bị công ty cũ đuổi việc hoặc năng lực chuyên môn của bạn không đáp ứng được yêu cầu công việc, liệu bạn có thành thật chia sẻ lý do đó với nhà tuyển dụng hay không? Nếu ứng viên đã quá hài lòng với công việc hiện tại thì có lý do gì để họ phải tìm kiếm cơ hội mới và bắt đầu lại từ đầu ở doanh nghiệp của chúng ta?

Thay vì hỏi “Tại sao em nghỉ việc ở công ty cũ?”, hãy hỏi “Em mong muốn điều gì ở công việc và môi trường làm việc mới?”. Câu hỏi này sẽ tạo được thiện cảm và mang ý nghĩa tích cực hơn rất nhiều.

“Tại sao em muốn làm việc ở đây?”, hoặc “Lí do em ứng tuyển công việc này?”

Câu hỏi này đề cập đến động lực của ứng viên và chúng ta đều biết câu trả lời có thể là xoay quanh việc khen ngợi doanh nghiệp và cơ hội quý giá mà vị trí đó mang lại. Thực tế phũ phàng hơn là ứng viên không đủ giàu để có thể sống mà không cần kiếm tiền nên họ đang cần một việc làm.

Cả hai câu trả lời này đều không cho thấy ứng viên là kiểu nhân viên nào hoặc tiết lộ bất kỳ thông tin chi tiết nào về mục tiêu nghề nghiệp của họ. Nhà tuyển dụng nên hỏi gì khi phỏng vấn để có thể biết tường tận hơn? Chúng ta có thể hỏi điều gì của công ty khiến họ tò mò hoặc họ nghĩ họ có thể gia tăng giá trị cho nhóm như thế nào. Điều này sẽ giúp chúng ta hiểu rõ hơn về cách ứng viên sẽ phù hợp với văn hóa công ty và những gì họ đang tìm kiếm ở vai trò mới.

Tại sao chúng tôi nên chọn em?

Nhiều nhà tuyển dụng vẫn trung thành với câu hỏi phỏng vấn “Tại sao chúng tôi nên chọn em?” vì họ cho rằng đó là mục đích đằng sau toàn bộ cuộc phỏng vấn, nhưng họ bỏ lỡ một sự thật quan trọng: Ứng viên không phải là người quyết định họ có phù hợp với công việc hay không. Chúng ta biết công việc từ trong ra ngoài và đang phỏng vấn ứng viên cho vai trò nên chúng ta mới là người trả lời câu hỏi đó, chứ không phải họ.  

Với tư cách là người phỏng vấn, chúng ta cần hỏi những câu hỏi thực tế, thiết thực về công việc để đánh giá mức độ phù hợp của ứng viên. Câu hỏi “Tại sao chúng tôi nên chọn em?” không chỉ đáng ghét mà còn là dấu hiệu của một người phỏng vấn lười biếng! Chưa hết, câu hỏi này có thể khiến ứng viên rơi vào trạng thái phòng thủ. Nó mang tính đối đầu và chúng ta sẽ không khai thác được hết ứng viên nếu họ nghĩ rằng chúng ta đang tạo áp lực quá lớn cho họ.

Có nhiều cách tốt hơn để hỏi cùng một câu hỏi, ví như “Kỹ năng hoặc kinh nghiệm cụ thể nào khiến em nghĩ mình là người phù hợp nhất với vị trí?”. Bằng cách này, chúng ta sẽ tạo cơ hội cho ứng viên nói về những điều họ thấy là quan trọng đối với công việc đồng thời cũng biết được suy nghĩ của họ về cách họ có thể phù hợp với doanh nghiệp.

Bằng cách tránh những câu hỏi bị lạm dụng như thế này và biết được nhà tuyển dụng nên hỏi gì khi phỏng vấn, chúng ta sẽ có thể thu được nhiều kết quả hơn từ các cuộc phỏng vấn và hiểu rõ hơn về trình độ, kỹ năng và kinh nghiệm của từng ứng viên. Chúng ta cũng có được cái nhìn sâu sắc hơn về đạo đức làm việc, động lực và quyết tâm của họ. Cuối cùng, và có thể nói là quan trọng nhất, chúng ta sẽ tránh việc phải nghe đi nghe lại các câu trả lời theo kịch bản, tăng khả năng tìm được những tài năng có một không hai.

Trang Đoàn

Sao chép thành công