Nhà tuyển dụng cần lưu ý gì cho buổi phỏng vấn thành công?

Buổi phỏng vấn thành công đòi hỏi sự tương tác tốt từ phía ứng viên, và cả nhà tuyển dụng. Công việc của người phỏng vấn không chỉ đơn thuần là đặt câu hỏi, đưa ra nhận xét mà còn cần kỹ năng, và kinh nghiệm để chọn đúng ứng viên.

CareerLink.vn luôn tự hào vì đã góp phần giúp cho nhiều doanh nghiệp chắt lọc ứng viên tiềm năng tham gia phỏng vấn. Tuy vậy, nhiều nhà tuyển dụng không biết cách tận dụng buổi phỏng vấn khiến quá trình tìm nhân sự kém hiệu quả, cũng như bỏ lỡ các nhân tài.

Để buổi phỏng vấn diễn ra thành công, thì các nhà tuyển dụng cần lưu ý tránh 5 điều dưới đây.

1. Bắt ứng viên phải chờ đợi quá lâu

Việc ứng viên phải chờ đợi phỏng vấn không phải là quá to tát. Nhưng điều này là không nên, và càng không hay hơn nữa khi thời gian chờ “dài cổ” lên tới cả tiếng. Vì điều này sẽ khiến cho ứng viên cảm thấy mệt mỏi, thậm chí bực dọc vì phải đợi quá lâu. Hơn nữa, nhiều ứng viên tiềm năng sẽ bất bình với cách làm việc “dây thun” này nên quyết định ra về.

Để tránh tình trạng này thì bạn nên cố gắng đến địa điểm đúng giờ theo như lịch phỏng vấn. Ngoài ra, bạn không nên hẹn nhiều người phỏng vấn cùng lúc, vì nội dung phỏng vấn mỗi người là tương đối khác nhau nên bạn cần “trừ hao” thời gian và sắp lịch hẹn có khoảng cách hợp lý. Điều này giúp bạn tránh tình trạng phỏng vấn gấp gáp, cũng như có khoảng nghỉ ngơi giữa các cuộc trao đổi.

2. Không đọc hồ sơ ứng viên và chuẩn bị bảng câu hỏi

Sẽ thật là sai lầm khi nghĩ chỉ ứng viên mới cần sự chuẩn bị để có buổi phỏng vấn thành công. Nhà tuyển dụng nếu chỉ đến với “cái đầu rỗng” thì rất dễ hỏi những câu lan man, thiếu tính gợi mở, thậm chí là vô nghĩa.

Để tránh tình trạng đánh giá sai, hoặc nhận cái nhìn thiếu chuyên nghiệp từ ứng viên, thì bạn nên đọc kĩ hồ sơ của người sắp được phỏng vấn. Rà soát những điểm nghi vấn, đặt ra những câu hỏi thích hợp giúp ứng viên chứng tỏ được thực lực. Tốt nhất, bạn hãy luôn ghi mọi câu hỏi ra giấy, vì buổi phỏng vấn có rất nhiều ứng viên và không phải câu hỏi nào cũng có thể dùng được trong mọi trường hợp.

3. Nói quá nhiều, hoặc hỏi những câu thiếu tích cực

Nếu bạn tương tác với ứng viên không khéo, thì buổi phỏng vấn sẽ dễ trở thành một lớp học giáo huấn, hay cuộc tranh luận thiếu thiện chí. Bạn sẽ bắt đầu bằng những câu hỏi, nhưng thay vì chăm chú lắng nghe trả lời thì lại phản biện với ứng viên, và diễn giải liên hồi. Hoặc bạn vô tình đặt những câu hỏi quá nặng nề khiến ứng viên như cảm thấy bị hăm he, khiêu khích tinh thần.

Để tránh điều này thì bạn nên dành phần lớn thời gian để nghe ứng viên nói, và trình bày. Bạn cũng đừng quên giao tiếp bằng mắt hay gật đầu nhằm biểu hiện thái độ tập trung, tôn trọng ứng viên. Bạn chỉ nên lịch sự ngắt lời khi cảm thấy đã rõ phần trình bày. Thêm nữa, bạn nên hạn chế đặt những câu hỏi quá áp đặt theo kiểu “có-không”, “đúng-sai”, “thật-giả” vì điều này dễ khiến buổi phỏng vấn trở nên một chiều, thiếu cởi mở, thân thiện.

4. Đưa ra quyết định vội vàng, đầy cảm tính

Chúng ta thường bị “hấp dẫn” bởi những người có suy nghĩ, tính cách giống mình. Do vậy, nhà tuyển dụng thường dễ đưa ra quyết định đầy cảm tính. Và điều này sẽ mang tính chủ quan, không công bằng với những ứng viên khác. Doanh nghiệp cần một nhân viên phù hợp với công việc, chứ không cần một người chỉ hợp ý với riêng bạn. Thêm nữa, nếu bạn chỉ tuyển dụng những nhân viên “na ná” nhau, thì đội ngũ của bạn sẽ ít tính cạnh tranh, sự khác biệt, cũng như khả năng sáng tạo.

Để tránh tình trạng bị cảm xúc chi phối, thì bạn tuyệt đối không đánh giá mọi việc bằng mắt thường. Bạn chỉ nên đưa ra nhận định sau khi nghe kĩ phần trình bày, và khả năng đối đáp của ứng viên trước những câu hỏi trọng tâm về công việc. Ngoài ra, bạn đừng vội vàng đưa ra quyết định cuối cùng chỉ trong một khoảng thời gian ngắn. Hãy cho bản thân có thời gian suy xét về cuộc trao đổi, cũng như hỏi thêm đồng nghiệp cùng tham gia phỏng vấn với bạn từng trường hợp của các ứng viên.

5. Từ chối thẳng thừng, thiếu tế nhị

Việc đưa ra lời từ chối không phải là một chuyện đơn giản, và nếu bạn làm không khéo thì ứng viên sẽ có những nhận định sai về bạn, thậm chí là toàn công ty. Bạn sẽ phải làm việc với rất nhiều ứng viên trong khoảng thời gian ngắn, nên dễ dẫn đến tình trạng căng thẳng, mệt mỏi. Từ đó, bạn có thể đưa ra những lời từ chối thiếu tế nhị, gây tổn thương người khác.

Do vậy, trước khi đưa ra lời từ chối thì bạn hãy dành sự tôn trọng cho ứng viên vì đã sắp xếp thời gian đến tham gia phỏng vấn. Tiếp nữa, bạn phải giải thích rằng tại sao họ không được chọn. Cuối cùng, hãy nhớ nói lời tạm biệt và hẹn gặp lại vào một dịp khác. Còn nếu tâm trạng bạn không thật sự tốt, thì hãy nhờ đồng nghiệp bên cạnh nói lời kết thay bạn.

Trung Thành

Sao chép thành công