Bạn có phải là nhà quản lý có trí tuệ cảm xúc?

Trí tuệ cảm xúc liên quan đến khả năng nhận biết và kiểm soát cảm xúc của chính mình, đồng thời khai thác những cảm xúc đó một cách thích hợp để có phản ứng tối ưu nhất. Nó cũng liên quan đến việc đặt bản thân vào vị trí của người khác để hiểu cảm xúc của họ. Do đó, trí tuệ cảm xúc là một đặc điểm quan trọng đối với bất kỳ ai ở bất kỳ cấp độ nào của doanh nghiệp nhưng đặc biệt quan trọng đối với những người giữ vị trí lãnh đạo.

Bạn có phải là nhà quản lý có trí tuệ cảm xúc

Đối với các nhà quản lý, trí tuệ cảm xúc là yếu tố sống còn để thành công. Hãy thử nghĩ xem, ai có nhiều khả năng thành công hơn trong việc đưa đội nhóm hay doanh nghiệp tiến lên phía trước giữa một người to tiếng với nhân viên khi căng thẳng hay người kiểm soát được cảm xúc của mình lẫn người khác và bình tĩnh đánh giá tình hình?

“Sở hữu trí tuệ cảm xúc giúp các nhà quản lý thúc đẩy sự đổi mới, sự hài lòng trong công việc và môi trường làm việc tích cực trong doanh nghiệp.”

Những nhà quản lý có trí tuệ cảm xúc thấp “mong manh dễ vỡ” trong những tình huống căng thẳng vì họ không kiểm soát được cảm xúc và biểu hiện thành những lời công kích bằng lời nói nhắm vào người khác. Cách phản ứng này sẽ khiến cho không khí căng thẳng hơn, tác động tai hại đến năng suất và cản trở sự hợp tác trong nhóm. Nhiều nhân viên bị nỗi sợ này làm xao nhãng đến mức không thể tập trung vào công việc và cảm thấy lo lắng khi đóng góp ý kiến hay đề xuất các ý tưởng. 

Trong khi đó, không chịu khuất phục trước sự tuyệt vọng hoặc nổi giận vì thất vọng, người quản lý có trí tuệ cảm xúc sẽ chuyển cảm xúc của họ thành hành động. Họ sử dụng các kỹ thuật như hít thở có chánh niệm và định hình lại những suy nghĩ tiêu cực, biến cơn bão cảm xúc thành chất xúc tác để giải quyết vấn đề một cách sáng tạo.

Có thể một thắc mắc đang lóe lên trong đầu bạn lúc này: “Mình có phải là người có trí tuệ cảm xúc?”. Câu trả lời rất đơn giản, chỉ cần xem bạn có các đặc điểm của nhà quản lý có trí tuệ cảm xúc sau đây hay không

Tôn trọng sự khác biệt của các thành viên trong nhóm

Mặc dù sự phù hợp với tập thể là điều quan trọng nhưng các nhà quản lý có trí tuệ cảm xúc nhận ra rằng mỗi người có phong cách làm việc khác nhau và không phải ai cũng làm việc hiệu quả theo cùng một cách. Đối với họ, phong cách làm việc khác nhau không phải là vấn đề. Họ tin tưởng các thành viên trong nhóm sẽ có cách đạt được năng suất theo cách của riêng mình và không gây áp lực buộc bất kỳ ai phải làm việc theo cách không phù hợp với bản thân.

Tất nhiên, họ vẫn đề cao sự tuân thủ nguyên tác với các hoạt động quan trọng của nhóm nhưng không quá bận tâm về những điều nhỏ nhặt như vì sao A có thể làm việc với phông chữ quá nhỏ hay tư thế ngồi của B có thực sự tốt cho lưng của anh ấy không…

Có khả năng quan sát và diễn giải tốt các tín hiệu phi ngôn ngữ

Người quản lý có trí tuệ cảm xúc đồng tình với nhà nghiên cứu nổi tiếng Albert Mehrabian, người khẳng định rằng 55% giao tiếp là ngôn ngữ cơ thể, 38% là giọng điệu và 7% là lời nói. Họ hiểu được tầm quan trọng của giao tiếp phi ngôn ngữ từ các thành viên trong nhóm (và từ chính họ), đồng thời cũng diễn giải được cách mọi người phản ứng với các tín hiệu phi ngôn ngữ của họ. Chẳng hạn, mỗi khi nhân viên nói đồng ý với quyết định của họ hoặc không có bình luận gì nhưng lại khoanh tay và tỏ ra lo lắng, họ biết rằng có một câu chuyện khác đằng sau đó đồng thời sẵn sàng cho nhân viên cơ hội bày tỏ. Nếu đây là thói quen của bạn thì không còn nghi ngờ gì nữa, bạn đã bước một chân vào thế giới của những nhà quản lý có trí tuệ cảm xúc cao rồi đấy.

Có sự đồng cảm và lòng trắc ẩn

Các nhà quản lý có trí tuệ cảm xúc thường là bậc thầy trong việc thể hiện sự đồng cảm và lòng trắc ẩn. Họ hiểu những gì người khác đang cảm thấy cả về mặt nhận thức và cảm xúc. Nếu họ hỏi nhân viên cảm thấy thế nào thì đó không chỉ là phép lịch sự mà là họ thực sự quan tâm đến những gì người khác đang trải qua (về mặt tình huống và cảm xúc) và sẵn sàng tương trợ. Với sự đồng cảm và lòng trắc ẩn, họ hiểu rằng nhân viên có thể mắc lỗi và không phải lúc nào mọi người cũng đáp ứng được kỳ vọng. Họ sẽ tìm hiểu lí do gây ra lỗi lầm thay vì phán xét và tìm cách giúp mọi người vượt qua trở ngại thay vì chỉ trích. Có thể thấy, sự đồng cảm này không dễ dàng có được. Bạn đã thấy mình đạt được “cảnh giới” này chưa?

Thiết lập và tuân thủ các ranh giới rõ ràng

Thiết lập và tuân thủ các ranh giới rõ ràng cũng là dấu hiệu của người quản lý có trí tuệ cảm xúc. Các ranh giới bao gồm các hướng dẫn rõ ràng về những gì được chấp nhận và những gì không được chấp nhận. Điều này có nghĩa là họ hiểu được nơi họ cần tập trung chú ý, những hành vi nào cần nuôi dưỡng trong nhóm và những nhiệm vụ nào họ cần giao phó. Đặt ranh giới cũng giúp họ tách bạch những gì đang xảy ra và điều họ có thể làm để xoay chuyển tình thế. Cách làm này sẽ giúp họ có thêm thời gian và không gian quý báu để hình thành những phản ứng dựa trên logic chứ không phải cảm xúc.

Nhận thấy sự kiệt sức và hiểu được tầm quan trọng của sự cân bằng

Khi nhân viên quá căng thẳng, đội nhóm có thể gặp phải các vấn đề như tỷ lệ nghỉ việc cao hơn, chất lượng công việc giảm sút và mối quan hệ nội bộ ngày càng kém đi… Nhà quản lý có trí tuệ cảm xúc sẽ phát hiện ra tình trạng kiệt sức này trước khi nó tàn phá nhóm và tìm cách hỗ trợ nhân viên trở lại trạng thái cân bằng để không ai cảm thấy phải hi sinh sức khỏe và hạnh phúc của mình cho công việc hay sợ hãi khi lên tiếng nhờ giúp đỡ. Họ cũng hiểu rằng đôi khi để nhân viên làm việc tại nhà hoặc điều chỉnh giờ làm là điều tốt nhất để dự án thành công.

Khi môi trường làm việc phải đối mặt với những vấn đề lớn như AI, phong cách làm việc khác nhau của thế hệ trẻ thì các nhà quản lý có trí tuệ cảm xúc được “săn đón” hơn bao giờ hết. Tuy nhiên, không có công tắc kỳ diệu nào có thể giúp cải thiện khả năng này ngay lập tức. Bạn cần có thời gian, nỗ lực và sự kiên nhẫn để biến những điều chúng ta thảo luận hôm nay thành thói quen và từng bước trở thành nhà quản lý có trí tuệ cảm xúc nhằm đưa doanh nghiệp của mình đi đến thành công.

Huỳnh Trâm

Sao chép thành công