Phỏng vấn sàng lọc qua điện thoại là một cách lý tưởng giúp thu gọn danh sách ứng viên tiềm năng và có được cảm nhận ban đầu về việc họ có phù hợp với doanh nghiệp của bạn hay không trước khi tiến hành phỏng vấn trực tiếp. Điều này giúp tiết kiệm thời gian, nhưng nó cũng đi kèm với một loạt thách thức. Chẳng hạn, bạn sẽ không đánh giá được ngôn ngữ cơ thể của ứng viên hoặc việc thể hiện cho họ thấy công ty bạn là nơi thú vị, vui vẻ để làm việc sẽ trở nên khó khăn hơn khi phỏng vấn qua điện thoại.
“Chìa khóa” cho một cuộc phỏng vấn sàng lọc qua điện thoại thành công là sự đơn giản. Sử dụng các câu hỏi trực tiếp giúp bạn nhận được nhiều thông tin cần thiết càng nhanh càng tốt và sau đó, nếu họ phù hợp với công việc, hãy mời họ tham gia vào một cuộc thảo luận chi tiết hơn. Vậy đâu là những điều nên hỏi? Hãy cùng tham khảo ngay sau đây nhé.
Liệu ứng viên có nhớ rằng họ đã gửi CV cho bạn?
Đối với nhiều chuyên gia nhân sự dày dặn kinh nghiệm thì điều đầu tiên họ luôn hỏi trong quá trình sàng lọc qua điện thoại là liệu rằng ứng viên có nhớ rằng họ đã ứng tuyển vào công ty hay không. Bạn có thể biết rất nhiều điều qua cách ứng viên trả lời câu hỏi này. Có một sự khác biệt rất lớn giữa một ứng viên tiềm năng có thể nói rành mạch về thông tin đăng tuyển việc làm của bạn với một người đã nói rằng họ đã nộp hồ sơ cho khoảng 20 công việc và bạn có lẽ là một trong số đó.
Điều gì khiến họ ứng tuyển vào công ty bạn?
Đây là một câu hỏi cần thiết nếu bạn muốn đánh giá ngôn ngữ cơ thể của ứng viên qua điện thoại. Bạn có cảm nhận được sự nhiệt tình trong giọng nói của họ không? Một câu trả lời trung thực, chi tiết là điều nên có ở đây. Ngoài ra, câu hỏi này còn giúp bạn hiểu rõ hơn về mối quan tâm của ứng viên. Đó có thể là cơ hội phát triển bản thân hoặc những chi tiết của công việc trong bản mô tả. Bạn cũng có thể sử dụng điều này để giới thiệu về các đặc quyền và môi trường tuyệt vời mà doanh nghiệp của bạn cung cấp cho ứng viên, khiến họ mong đợi và háo hức để chuyển sang giai đoạn tiếp theo của quá trình ứng tuyển.
Ứng viên đang ở đâu trong quá trình kiếm việc?
Bạn có thể cảm thấy lạ khi hỏi điều này qua điện thoại nhưng nó có thể tiết lộ khá nhiều thông tin, chẳng hạn: Bạn có phải là người đầu tiên liên hệ với họ? Công việc của bạn có phải là vị trí duy nhất họ đã ứng tuyển gần đây? Hay họ đã có 5 cuộc phỏng vấn trong tuần? Hoặc thậm chí có một lời đề nghị làm việc đang chờ xử lý? Câu trả lời cho câu hỏi cụ thể này có thể giúp bạn đánh giá được rằng họ có phải là ứng viên đầy tiềm năng và bạn nên nhanh chóng gặp họ hoặc ngược lại, bạn không nên đặt quá nhiều niềm tin vào họ.
Thời gian thông báo nghỉ việc của họ ra sao?
Nếu một ứng viên nói với bạn rằng họ có thể nghỉ việc ngay lập tức, bạn có thể đặt nghi vấn về mối quan hệ của họ với công ty hiện tại. Mặt khác, nếu nhu cầu nhân sự của bạn là khẩn cấp và ứng viên nói rằng họ cần 6 tuần để rời bỏ công việc cũ, thì bạn không nên lãng phí thời gian của bạn và của chính họ trong trường hợp này.
Đưa ra câu hỏi trên cũng có thể giúp ứng viên có cái nhìn thực tế hơn về quá trình tìm việc và điều này hoàn toàn có lợi cho bạn. Nếu họ thể hiện rằng chỉ muốn tìm hiểu thêm về thị trường việc làm và không thực sự có nhu cầu tìm việc mới, thì bạn không cần liệt kê họ vào danh sách phỏng vấn.
Ứng viên có sẵn sàng tham gia một cuộc phỏng vấn trong vài ngày tới?
Bạn có thể nhận được phản ứng tương tự như với câu hỏi về thời gian thông báo nghỉ việc của họ. Nếu ứng viên nói rằng họ rất bận và sẽ không thể gặp bạn cho đến tuần tới thì một lần nữa, bạn cần cân nhắc về sự nghiêm túc của họ đối với công việc. Trái lại, nếu câu trả lời là có thể gặp bạn trước hoặc sau giờ làm việc vào ngày mai hoặc họ sẽ cố gắng hết sức để đến dự buổi phỏng vấn bởi công việc khá hấp dẫn, thì bạn có thể tiếp tục quá trình và hi vọng về một kết quả tốt đẹp.
Cách ứng viên trả lời từng câu hỏi trên có thể cho bạn biết rất nhiều về họ và mức độ nghiêm túc của họ khi tìm việc mới. Vì vậy, hãy lắng nghe thật kỹ những gì ứng viên nói. Đây chỉ là một cuộc điện thoại kéo dài khoảng 10 đến 15 phút, thế nên cần chắc chắn rằng bạn nghe nhiều gấp đôi so với điều cần phải nói. Bằng cách này bạn sẽ có được những thông tin cần thiết, giúp cho quá trình tuyển dụng trở nên hiệu quả hơn.
Huỳnh Trâm
Author Profile
Latest entries
- Nghệ thuật quản lý2024.12.02Tuyệt chiêu xây dựng đội ngũ hợp tác và chia sẻ
- Bí quyết tuyển dụng2024.11.265 sáo ngữ cần tránh khi viết tin tuyển dụng và gợi ý thay thế
- Nghệ thuật quản lý2024.11.18Khắc phục phong cách quản lý vi mô bằng cách nào?
- Nghệ thuật quản lý2024.11.04Làm gì để nhân viên ít hỏi lại và nâng cao tinh thần chủ động?