Kỹ năng phỏng vấn tuyển dụng tốt sẽ giúp bạn tạo cảm giác thoải mái cho ứng viên, giúp họ phát huy hết khả năng và có được sự đánh giá khách quan về sự phù hợp của họ. Không chỉ vậy, phỏng vấn hiệu quả sẽ đảm bảo rằng bạn sẽ đưa ra quyết định tuyển dụng đúng đắn trong suốt sự nghiệp của mình cũng như sự thành công của đội nhóm trong tương lai.
Tuy nhiên, kỹ năng này thường chưa nhận được sự quan tâm xứng đáng ở những người chưa có kinh nghiệm phỏng vấn. Họ không được nhắc nhở về thực tế rằng đây là một quá trình hai chiều và họ cũng đang được đánh giá bởi ứng viên. Do đó, họ thường mắc phải sai lầm khi thực hiện cuộc phỏng vấn, điển hình là những điều sau.
Không đọc CV của ứng viên trước khi phỏng vấn
Hãy dành khoảng 30 phút trước cuộc phỏng vấn để làm quen với ứng viên bạn sắp gặp, cụ thể là xem lại các dự án và thành tích về công việc mà họ đề cập cũng như xem qua hồ sơ mạng xã hội của họ. Làm như vậy sẽ giúp bạn cảm thấy sẵn sàng và tự tin hơn khi bắt đầu xây dựng mối quan hệ với ứng viên.
Đưa ra đánh giá quá sớm
Trong quá trình chuẩn bị cho cuộc phỏng vấn, hãy lưu ý không đưa ra bất kỳ ý kiến nào về sự phù hợp của ứng viên đối với vai trò. Có lẽ, sau khi đọc CV của họ, bạn cảm thấy lo lắng về một kỹ năng mà ứng viên chưa đáp ứng được. Mặc dù những lo ngại này là hợp lý nhưng đừng đưa ra bất kỳ đánh giá nào trước khi phỏng vấn hoặc thậm chí trong khi phỏng vấn. Giữ một tâm trí cởi mở và cho ứng viên cơ hội được đánh giá công bằng.
Quản lý thời gian kém
Để nâng cao kỹ năng phỏng vấn tuyển dụng thì sai lầm bạn cần tránh là đến trễ giờ. Đến trễ giờ trong buổi phỏng vấn là một biểu hiện xấu và sẽ khiến ứng viên cảm thấy không được tôn trọng. Tương tự như vậy, việc vội vàng tiễn ứng viên ra khỏi cửa sau khi cuộc phỏng vấn kết thúc vì phải tham dự một cuộc họp khác là việc làm mất lịch sự, sẽ gây tổn hại đến uy tín của bạn với tư cách là nhà tuyển dụng.
Mặc dù bạn rất bận rộn và thường không có nhiều thời gian, nhưng hãy cố gắng dành ít nhất 30 phút cho buổi phỏng vấn. Hãy xem ứng viên và toàn bộ quy trình tuyển dụng là ưu tiên hàng đầu của bạn, nhất là khi buổi phỏng vấn đang diễn ra.
Không khiến ứng viên cảm thấy thoải mái ngay từ đầu
Đến đúng giờ phỏng vấn có thể giúp ứng viên đỡ căng thẳng, nhưng tác dụng này có thể nhanh chóng mất đi nếu bạn không nỗ lực để làm cho họ cảm thấy thoải mái ngay từ đầu.
Hãy chắc chắn rằng bạn chào đón họ một cách nồng nhiệt bằng cách mỉm cười, bắt tay và trò chuyện khi bạn đến phòng phỏng vấn. Bên cạnh đó, hãy đảm bảo rằng buổi phỏng vần diễn ra ở khu vực riêng tư, bởi ứng viên đang cảm thấy căng thẳng và những hành động gây xao nhãng như tiếng chuông điện thoại bàn, nhân viên tò mò nhìn vào khi đi ngang qua hoặc mọi người gõ cửa để hỏi bạn điều gì đó sẽ làm tình hình càng tệ hơn.
Giới thiệu hời hợt
Khi phỏng vấn ứng viên, hãy luôn bắt đầu bằng cách giới thiệu ngắn gọn về bản thân, công ty, cũng như vị trí mà bạn đang tuyển dụng. Điều này nghe có vẻ như là một nhiệm vụ đơn giản, nhưng cũng rất dễ mắc sai lầm.
Tránh giới thiệu chung chung, không có cấu trúc bằng cách cắt xén thông tin trong mô tả công việc và trang web của công ty. Thay vào đó, hãy cung cấp cho ứng viên những điều mà họ không thể tìm thấy trong quá trình chuẩn bị cho cuộc phỏng vấn. Hãy giải thích vì sao vị trí tuyển dụng lại quan trọng với mục đích và mục tiêu của công ty, một ngày làm việc điển hình trông như thế nào, văn hóa công ty ra sao, những điều thú vị bạn yêu thích khi làm việc tại đây… Tóm lại là hãy làm cho ứng viên cảm thấy hào hứng với cơ hội và có thể hình dung mình trong vai trò này. Để thu hút ứng viên, bạn không thể bỏ qua kỹ năng phỏng vấn tuyển dụng quan trọng này.
Kỹ thuật đặt câu hỏi kém
Một sai lầm khác mà những người phỏng vấn lần đầu mắc phải, đó là đặt sai loại câu hỏi hoặc hỏi sai cách như đưa ra các câu hỏi đóng. Ứng viên nên thực hiện phần lớn cuộc nói chuyện, do đó, tránh hỏi những câu hỏi đóng chỉ tạo ra câu trả lời có hoặc không đơn giản. Ví dụ, hỏi ứng viên “Tại sao bạn muốn công việc này?” thay vì “Bạn có muốn công việc này không?” sẽ thúc đẩy các phản hồi chi tiết và phù hợp hơn. Khi ứng viên đã trả lời xong, đừng chuyển thẳng sang câu hỏi tiếp theo mà hãy tập trung vào câu trả lời của họ và nếu cần, hãy yêu cầu họ giải thích thêm.
Các câu hỏi là điều cần thiết để tìm ra người phù hợp nhất cho công việc, vì vậy hãy suy nghĩ kỹ về những điều bạn muốn biết về họ và chuẩn bị một danh sách đầy đủ, kỹ lưỡng các câu hỏi để hỏi khi phỏng vấn.
Chưa sẵn sàng trả lời câu hỏi của ứng viên
Đừng bận tâm đến việc hỏi đúng câu hỏi đến mức quên chuẩn bị trả lời những câu hỏi mà ứng viên có thể đặt ra cho bạn. Để nâng cao kỹ năng phỏng vấn tuyển dụng, bạn cần tìm hiểu các câu hỏi mà ứng viên thường hỏi trong cuộc phỏng vấn và đảm bảo rằng bạn có thể trả lời tốt những câu hỏi này khi cần.
Nói những điều tiêu cực
Xoay quanh chủ đề các câu hỏi, ứng viên có thể hỏi bạn rằng vì sao vị trí đó lại trống. Dù là gì thì cũng đừng nói những lời tiêu cực về người tiền nhiệm của vai trò. Ngay cả khi họ rời đi trong tình huống không mấy tốt đẹp, bạn cũng không cần chia sẻ thông tin này.
Ứng viên cũng có thể hỏi bạn những thách thức bạn phải đối mặt trong môi trường làm việc, xét cho cùng những thách thức trong công việc là không thể tránh khỏi. Nhưng một lần nữa, bạn cần trả lời một cách tích cực và chuyên nghiệp, nhấn mạnh vào cách bạn vượt qua chúng hơn là phàn nàn.
Không xác nhận các bước tiếp theo
Cuối cùng, hãy đảm bảo rằng bạn đã nói rõ với ứng viên về các bước tiếp theo của quy trình tuyển dụng. Xác nhận khung thời gian và cách thức họ có thể nhận được phản hồi. Điều này sẽ giúp ứng viên chủ động được việc theo dõi và bạn cũng sẽ không bị họ làm phiền bởi các email hay cuộc gọi hỏi thăm.
Phỏng vấn xin việc là một quá trình hai chiều và bạn cũng cần tạo sự thu hút với ứng viên thông qua các kỹ năng phỏng vấn tuyển dụng. Do đó, hãy đảm bảo rằng bạn đã chuẩn bị kỹ lưỡng, thể hiện sự quan tâm và cuối cùng, hãy cho ứng viên biết lý do họ nên chọn bạn thay vì những doanh nghiệp khác.
Huỳnh Trâm
Author Profile
Latest entries
Bí quyết tuyển dụngMarch 17, 2025Khuyến khích nhân viên thành đại sứ thương hiệu khi tuyển dụng
Nghệ thuật quản lýMarch 10, 2025Xây dựng kịch bản phỏng vấn để tìm ra ứng viên chất lượng
Nghệ thuật quản lýMarch 4, 20255 điều cần tìm kiếm khi tuyển dụng kỹ thuật viên
Nghệ thuật quản lýFebruary 27, 2025Làm thế nào để trở thành nhà lãnh đạo thích ứng?