Cuộc phỏng vấn vòng 2 đôi khi có thể là giai đoạn cuối cùng của quá trình phỏng vấn. Chúng thường được tiến hành bởi các nhà quản lý trực tiếp và người ra quyết định, vì vậy điều quan trọng là phải đặt ra những câu hỏi phù hợp.
Vậy cụ thể là nhà tuyển dụng nên tập trung vào những điều gì để giúp cho quá trình đưa ra quyết định được dễ dàng và hiệu quả? Dưới đây là câu trả lời cho thắc mắc của bạn.
Những điều chưa được làm rõ trong buổi phỏng vấn đầu tiên
Ở giai đoạn này, ứng viên đã tạo được ấn tượng với CV, thư xin việc, cuộc gọi phỏng vấn qua điện thoại hay buổi phỏng vấn trực tiếp đầu tiên. Có thể vẫn còn một số khía cạnh cần được xác nhận, đặc biệt nếu người phỏng vấn trong vòng này không có mặt ở lần trước đó.
Một số câu hỏi bạn nên xem xét bao gồm:
“Trong cuộc phỏng vấn đầu tiên, bạn đã đề cập đến X, bạn có thể cho tôi biết thêm một chút về điều đó không?”
Nếu bạn đang đề cập đến vấn đề nào đó trong quá khứ, việc cung cấp ngữ cảnh sẽ giúp ứng viên hiểu bạn cần làm rõ điều gì và không lặp lại những gì bạn đã biết.
“Bạn có muốn thay đổi điều gì đã nói ở cuộc phỏng vấn đầu tiên không?”
Việc đóng khung câu hỏi như thế này giúp ứng viên có cơ hội để làm rõ bản thân hoặc làm nổi bật điều gì đó mà họ không đạt được trong cuộc phỏng vấn đầu tiên. Đây là một cách hay nhằm giảm bớt căng thẳng cho ứng viên để xem lại điều họ đã lo lắng từ giai đoạn trước.
“Bạn có thắc mắc gì về công ty hoặc công việc kể từ cuộc phỏng vấn đầu tiên không?”
Trong một quy trình phỏng vấn gồm nhiều giai đoạn, ứng viên có thể tham gia vào các cuộc phỏng vấn ở công ty khác hoặc đã nhận được thông tin mới về doanh nghiệp của bạn gần đây. Hỏi điều này giúp đảm bảo rằng họ vẫn tin tưởng công ty của bạn là một “đối tác” tốt của họ.
Các câu hỏi cụ thể về vị trí tuyển dụng
Nếu các kỹ năng mềm chung chung là trọng tâm của cuộc phỏng vấn đầu tiên, thì buổi phỏng vấn vòng 2 tập trung nhiều hơn vào những lợi ích cụ thể mà ứng viên sẽ mang lại và cách họ sẽ gia tăng giá trị cho doanh nghiệp.
“Ba điều đầu tiên bạn muốn triển khai khi bắt đầu công việc là gì?”
Đây là cách hữu ích để thấy được giá trị mà ứng viên sẽ mang lại cho doanh nghiệp và sự hiểu biết của họ về vai trò. Họ có thể không biết quá nhiều về hoạt động bên trong doanh nghiệp, nhưng bạn sẽ có thể xem cách họ suy nghĩ, các ưu tiên của họ và thậm chí có thể nhận được một số phản hồi thú vị về các quy trình hiện có.
“Bạn đã tạo ra tác động nào ở vai trò gần đây?”
Hãy để ý xem ứng viên có đưa ra các con số thống kê về kết quả, các quy trình hiệu quả mới hay liệu họ có đề cao việc làm việc nhóm với đồng nghiệp hay không. Điều này sẽ giúp bạn có cái nhìn sâu sắc hơn về những gì họ đánh giá cao và cách họ đo lường mức độ thành công của bản thân.
“Chúng tôi hiện đang triển khai XYZ, bạn có kinh nghiệm về vấn đề này không? Bạn sẽ tiến hành việc này như thế nào?”
Việc sử dụng các câu hỏi tình huống sẽ mang lại cái nhìn rõ hơn về cách ứng viên đối mặt với những thách thức mà doanh nghiệp đang gặp phải. Lắng nghe quá trình suy nghĩ của họ sẽ giúp bạn đánh giá ứng viên dựa trên tình huống thực tế cũng như bạn sẽ có hiểu biết sâu sắc hơn về các vấn đề có thể ảnh hưởng đến đội nhóm.
“Bạn biết gì về sản phẩm và dịch vụ của chúng tôi? Bạn đã từng làm việc gì đó tương tự trước đây chưa?”
Tương tự như câu hỏi trên, câu hỏi này sẽ giúp bạn biết ứng viên có bao nhiêu hiểu biết về doanh nghiệp. Quan trọng hơn, họ có bao nhiêu kinh nghiệm trong lĩnh vực mà công ty bạn đang tập trung vào. Những ví dụ trực tiếp này cũng là cách tốt nhất để mô phỏng các cuộc trò chuyện mà bạn sẽ có với họ với tư cách là một nhân viên trong tương lai.
Nhiệm vụ của bạn trong cuộc phỏng vấn thứ 2 là so sánh giữa các ứng viên, và do đó, các câu hỏi bạn sử dụng cần giúp bạn thực sự hiểu về người mà bạn có thể tuyển dụng.
Tính cách và sự tương thích về văn hóa
Buổi phỏng vấn vòng 2 thường được thực hiện bởi một người sẽ làm việc trực tiếp với nhân viên, vì vậy đây là cơ hội tuyệt vời đề hiểu ứng viên sẽ làm việc như thế nào. Việc tuyển dụng thành công dựa vào việc ứng viên phù hợp với nhóm và văn hóa công ty mà họ sẽ tham gia.
“Hãy nói một câu để mô tả bản thân. Mọi người nhận xét về bạn như thế nào?”
Đây là một câu hỏi phỏng vấn khá quan trọng. Hỏi người khác mô tả họ như thế nào có thể giúp bạn phát hiện những khía cạnh thú vị về tính cách của họ.
“Bạn thường làm gì ngoài giờ làm việc?”
Không chỉ là một cách giúp ứng viên giải tỏa căng thẳng mà câu hỏi này còn cho phép bạn biết nhiều hơn về ứng viên. Nếu có cùng sở thích, bạn sẽ tạo được mối quan hệ tốt đẹp với họ một cách dễ dàng.
“Ở vị trí trước đây, bạn làm việc độc lập hay theo nhóm nhiều hơn?”
Nếu hỏi ứng viên thích làm việc theo nhóm hay một mình sẽ dẫn đến câu trả lời “Tôi làm việc tốt ở cả hai”. Tuy nhiên, hỏi về kinh nghiệm trước đây của họ sẽ giúp tiết lộ vài dấu hiệu về cách làm việc yêu thích của họ và cách họ nói về các đội nhóm trước đây.
Những câu hỏi khuyến khích họ gia nhập vào công ty
Chắn chắn bạn không quên rằng không chỉ bạn đánh giá ứng viên, mà ứng viên cũng đang cân nhắc xem họ có muốn gia nhập công ty của bạn hay không. Hãy đảm bảo họ có cơ hội được đặt câu hỏi để giảm bớt bất kỳ mối lo ngại nào mà họ có thể có và cho thấy rằng tham gia vào công ty là một cơ hội rất tốt.
“Tôi nên hỏi bạn câu hỏi nào nhưng lại chưa hỏi?”
Bạn có thể nghĩ đây là câu hỏi mẹo nhưng thực tế nó là một cách tuyệt vời để khuyến khích ứng viên nêu bật các thế mạnh mà họ muốn bạn biết nhưng chưa có dịp. Hãy cho ứng viên một cơ hội để tỏa sáng.
“Có điều gì ở các công ty trước đây mà chúng tôi có thể áp dụng được không?
Sự hiểu biết sâu sắc về ngành nghề là chìa khóa để tăng sức cạnh tranh và dẫn đầu “cuộc chơi”. Câu hỏi này không chỉ cung cấp thêm bằng chứng về cách ứng viên làm việc hiệu quả trong công việc trước đây mà còn có thể giúp bạn có thêm ý tưởng để cải thiện các hoạt động kinh doanh hiện tại.
“Có điều gì về công việc hoặc công ty khiến bạn lo lắng không?”
Một câu hỏi đơn giản nhưng rất quan trọng để đảm bảo cả bạn và ứng viên rời cuộc phỏng vấn vòng 2 với thông tin cần thiết nhằm đưa ra quyết định sáng suốt nhất. Hỏi điều này sẽ giúp bạn khám phá các yếu tố quyết định hoặc những điều cần thương lượng trước khi gửi đi thư mời nhận việc.
Huỳnh Trâm
Author Profile
Latest entries
- Nghệ thuật quản lý2024.09.16Để các cuộc họp doanh nghiệp diễn ra đúng tiến độ và đúng hướng
- Bí quyết tuyển dụng2024.09.09Khám phá sức mạnh của lắng nghe chủ động trong tuyển dụng
- Nghệ thuật quản lý2024.09.04Điều gì xảy ra nếu đặt kỳ vọng thiếu thực tế cho nhân viên?
- Bí quyết tuyển dụng2024.08.26Thổi phồng công việc để thu hút ứng viên, lợi hay hại?