Tinh thần trách nhiệm là một trong những phẩm chất quan trọng nhất mà bất kỳ nhân viên nào cũng cần có. Với tinh thần trách nhiệm cao độ, nhân viên sẽ tận tâm với công việc, nỗ lực hết sức mình, làm việc có kế hoạch và hiệu quả hơn. Trách nhiệm còn đặc biệt quan trọng trong bối cảnh làm việc nhóm, khi hiệu suất của mỗi thành viên tác động đến thành công của tập thể. Vì những lý do này, việc xác định ứng viên có tinh thần trách nhiệm trong quá trình tuyển dụng là rất cần thiết. Nhưng làm sao để đánh giá tinh thần trách nhiệm của một ai đó?
Chị Bùi Ánh Ngọc, Chuyên viên tuyển dụng cấp cao chia sẻ: “Có một vài câu hỏi phỏng vấn sẽ giúp bạn đánh giá ý thức trách nhiệm của ứng viên và xem liệu họ có sẵn sàng chịu trách nhiệm cho hành động, hành vi, quyết định và hiệu suất của mình hay không. Đặt những câu hỏi này, bạn có thể hiểu rõ hơn về đạo đức nghề nghiệp của ứng viên và xác định được mức độ phù hợp của họ với văn hóa doanh nghiệp.

Câu hỏi phỏng vấn giúp đánh giá tinh thần trách nhiệm của ứng viên
“Với mục tiêu là xác định ý thức và khả năng dám làm dám chịu của ứng viên, bạn nên chuẩn bị trước các câu hỏi phỏng vấn giúp đánh giá tinh thần trách nhiệm để hiểu được sắc thái đằng sau mỗi câu hỏi nhằm đánh giá câu trả lời hiệu quả hơn.”
Đối với bạn, tinh thần trách nhiệm có ý nghĩa gì trong môi trường làm việc?
Trước tiên, bạn cần biết ứng viên hiểu như thế nào về tinh thần trách nhiệm và họ có xem đó là yếu tố ưu tiên trong công việc của mình hay không, chị Ánh Ngọc giải thích. Để biết điều này, hãy lắng nghe xem ứng viên của bạn có nói rằng đó là việc chủ động trong việc hoàn thành trách nhiệm, đáp ứng các cam kết và đạt được mục tiêu không? Hoặc họ có cho rằng có tinh thần trách nhiệm cũng bao gồm việc thừa nhận sai lầm mà không đổ lỗi, rút kinh nghiệm và thực hiện hành động khắc phục để cải thiện hiệu suất và đóng góp vào thành công của nhóm và doanh nghiệp không? Hay đơn giản là họ có nêu được lợi ích của tinh thần trách nhiệm là giúp tối đa hóa tiềm năng của mình trong công việc không?
Bạn thể hiện tinh thần trách nhiệm trong công việc hàng ngày của mình thế nào?
“Giống như kiểm tra kiến thức có cả lý thuyết và thực hành, phỏng vấn để đo lường tinh thần trách nhiệm của ứng viên cũng vậy. Sau khi đã kiểm tra trình hiểu biết của ứng viên về yếu tố này, chúng ta vẫn cần xem cách họ áp dụng trong công việc thực tế ra sao. Một ký thực hành còn hơn một tấn lý thuyết mà”, chị Ánh Ngọc hóm hỉnh nói.
Nếu ứng viên đưa ra bằng chứng rõ ràng và trả lời một cách dõng dạc: “Em sử dụng Trello để sắp xếp các nhiệm vụ của mình và dễ dàng theo dõi tiến độ cũng như đảm bảo không có việc gì bị bỏ sót” hay “Em dùng Google Calendar để lên lịch và đặt lời nhắc cho các thời hạn và cuộc họp quan trọng”, “Em bắt đầu mỗi ngày bằng việc lên danh sách những việc cần làm và ưu tiên các nhiệm vụ dựa trên mức độ khẩn cấp và quan trọng” hoặc “Em thường dành một vài phút vào cuối ngày để lập kế hoạch cho ngày hôm sau, điều chỉnh các ưu tiên khi cần thiết”… thì bạn có thể hoàn toàn yên tâm về tinh thần trách nhiệm của họ.
Lần gần đây nhất bạn trễ hạn là khi nào và bạn đã làm gì?
Chuyện gì cũng có thể xảy ra. Không ai là hoàn hảo. Nhưng cách chúng ta phản ứng và những gì chúng ta làm để ngăn ngừa sai lầm trong tương lai mới là điều quan trọng. Với câu hỏi đánh giá tinh thần trách nhiệm này bạn không chỉ biết ứng viên có dám chịu trách nhiệm về các sai sót hay không mà còn có thể biết thêm về kỹ năng giải quyết vấn đề của họ khi đưa ra các bước thực hiện giảm thiểu tác động cũng như xác định được họ có ý chí kiên cường, không để việc trễ hạn ngăn cản họ đạt được kết quả hay không.
Chị Ánh Ngọc gợi ý câu trả lời bạn nên tìm kiếm sẽ như thế này: “Ở vị trí nhân viên đồ họa trước đây, có một lần em đã đánh giá thấp tính phức tạp của thiết kế nên gần đến deadline mà vẫn chưa hoàn thành. Em đã nhận ra lỗi của mình và lập tức thông báo cho trưởng nhóm, đưa ra mốc thời gian mới và các việc cần làm để giảm thiểu sự chậm trễ. Các bộ phận liên quan đã cập nhật thông tin và mặc dù có chút không vui nhưng họ vẫn thông cảm và đánh giá cao sự trung thực. Kinh nghiệm này đã cho em bài học quý về quản lý thời gian và giao tiếp kịp thời”.
“Khi ứng viên trả lời, hãy tập trung vào cách họ xử lý tình huống trước khi đến hạn, khi đến hạn và sau đó, bạn sẽ có được cảm nhận thực sự về trách nhiệm cá nhân của họ”, chị Ánh Ngọc tiết lộ.
Bạn có thể kể về tình huống mà bạn phải làm việc vượt ngoài phạm vi công việc để hoàn thành một nhiệm vụ không?
Một ứng viên tiềm năng sẽ đưa ra một ví dụ cụ thể chứng minh sự tận tụy, sáng kiến và mong muốn nỗ lực hết mình của họ. Họ tỉ mỉ giải thích tình huống, hành động đã thực hiện và kết quả, tập trung vào tác động mà sáng kiến của họ mang lại cho dự án hoặc đội nhóm. Chẳng hạn như: “Có lần nhóm của em phải thực hiện một chiến dịch tiếp thị trong thời gian khá gấp gáp. Em nhận thấy chuyên môn của mình có thể giúp đẩy nhanh quá trình, vì vậy em đã tình nguyện nhận thêm công việc, cụ thể là thiết kế lại quy trình làm việc, tự động hóa một số quy trình thủ công. Kết quả là chiến dịch bắt đầu đúng thời gian và giải pháp của em sau đó đã được sử dụng cho đến tận sau này”.
“Trái lại, nếu ứng viên đưa ra các chi tiết mơ hồ hoặc cho thấy họ đã miễn cưỡng đảm nhận thêm nhiệm vụ hay không mang lại kết quả rõ ràng thì đó là dấu hiệu cho thấy kỹ năng quản lý thời gian kém, không có khả năng ưu tiên hiệu quả và thiếu trách nhiệm”, chị Ánh Ngọc khẳng định.
Bằng việc lựa chọn những câu hỏi giúp đánh giá tinh thần trách nhiệm đúng đắn, bạn sẽ tuyển được những ứng viên tránh đổ lỗi hay trốn tránh khi mọi việc không như kỳ vọng. Bạn đã đánh giá thành công các ứng viên có tinh thần trách nhiệm trong các cuộc phỏng vấn trước đây như thế nào? Hãy chia sẻ những câu hỏi yêu thích của bạn trong phần bình luận nhé!
Huỳnh Trâm
Author Profile
Latest entries
Nghệ thuật quản lýMarch 10, 2025Xây dựng kịch bản phỏng vấn để tìm ra ứng viên chất lượng
Nghệ thuật quản lýMarch 4, 20255 điều cần tìm kiếm khi tuyển dụng kỹ thuật viên
Nghệ thuật quản lýFebruary 27, 2025Làm thế nào để trở thành nhà lãnh đạo thích ứng?
Nghệ thuật quản lýFebruary 26, 2025Can thiệp thế nào khi nhân viên không chịu hợp tác cùng nhau?