Mục Lục
“Cờ đỏ” trong CV ứng tuyển đơn giản là một đặc điểm nào đó khiến bạn tin rằng ứng viên này không phù hợp cho vị trí tuyển dụng. Đó không nhất thiết là cơ sở để đánh trượt ứng viên ngay lập tức nhưng chúng là dấu hiệu cho thấy bạn cần tìm hiểu kỹ lưỡng hơn trước khi đưa ra quyết định.
Vậy đâu là những dấu hiệu đáng ngờ mà các nhà tuyển dụng dày dặn kinh nghiệm chú ý nhất? Hãy cùng xem chia sẻ của họ sau đây nhé.
Các dấu hiệu cần chú ý trong CV ứng tuyển
Không làm theo chỉ dẫn
Một trong những lá “cờ đỏ” lớn nhất mà tôi chú ý trong CV ứng tuyển là họ có làm theo đúng chỉ dẫn hay không. Ở vai trò tuyển dụng, chúng ta luôn có các quy trình cụ thể, rõ ràng để đảm bảo mọi thứ được thực hiện trơn tru và tiện lợi nhất, chẳng hạn như ứng viên cần cấu trúc CV thế nào, chi tiết nào cần đưa vào, CV nên theo định dạng nào và cách gửi CV qua email ra sao. Các thông tin này luôn được trình bày nổi bật trong tin đăng tuyển.
Vậy mà rất nhiều lần tôi nhận được CV định dạng sai, thiếu thông tin hoặc CV được gửi qua Messenger để được xem xét nhanh hơn thay vì qua email như yêu cầu… Tôi xem đây là dấu hiệu cảnh báo không tốt về ứng viên vì nó thể hiện sự thiếu nỗ lực và chú ý đến từng chi tiết. Những ứng viên không tuân theo chỉ dẫn có thể đã quen với việc đi theo con đường riêng của họ. Rất có khả năng họ sẽ gặp khó khăn khi làm việc theo chỉ dẫn nếu được tuyển dụng. Hơn nữa, họ còn cho thấy mong muốn được đối xử ngoại lệ, thay vì tuân theo quy tắc mà mọi người khác phải làm theo.
Đó là lý do vì sao tôi sẽ ưu tiên xem xét các ứng viên có CV được làm đúng theo hướng dẫn, đáp ứng đầy đủ các yêu cầu bởi họ sẵn sàng nỗ lực và có nhiều khả năng tuân thủ quy tắc cũng như thực hiện nghiêm túc công việc của mình.
Triệu Nguyệt Nhi – Chuyên viên tuyển dụng cấp cao
“Chú ý đến các dấu hiệu “cờ đỏ” trong CV ứng tuyển giúp bạn tiến hành sàng lọc chuyên sâu, đồng thời tiết kiệm thời gian bằng cách loại bỏ sớm những ứng viên ít phù hợp nhất.”
Thiếu sự thăng tiến trong sự nghiệp
Hãy thận trọng với những ứng viên đã dành nhiều năm ở vị trí tương tự hoặc sự nghiệp của họ đã tụt dốc theo thời gian. Điều này ám chỉ rằng họ thiếu động lực để thăng tiến và đưa sự nghiệp của mình lên một tầm cao mới hoặc không đủ tiêu chuẩn cho vai trò cao hơn trong ngành nghề.
Ngay cả khi những ứng viên đó không quan tâm đến vai trò cao hơn thì họ cũng nên thể hiện sự tiến bộ nhất định trong sự nghiệp. Ít nhất họ nên cho thấy họ đã đảm trách thêm nhiều nhiệm vụ hoặc phát triển các kỹ năng mới. Công ty có thể muốn những nhân viên cảm thấy có động lực làm việc chăm chỉ và đạt được mục tiêu lớn lao, và một người đã giữ vai trò tương tự trong nhiều năm sẽ không phải là lựa chọn tốt nhất.
Có lần mình nhận được câu hỏi rằng: Có thể ứng viên chuyển việc và chức danh trưởng nhóm ở công ty mới lại có trách nhiệm tương đương với trưởng phòng, là vị trí của họ ở môi trường cũ. Hoặc người giám sát chấp nhận vai trò là nhân viên vì cấp quản lý đã bị loại bỏ trong quá trình tái cơ cấu. Hay ứng viên bị cắt giảm nhân sự và chọn một công việc có ít trách nhiệm hơn thay vì nhận trợ cấp thất nghiệp. Nếu vì vậy mà nói rằng họ thụt lùi trong sự nghiệp dường như không đúng lắm? Những trường hợp này thì đánh giá như thế nào?
Với những tình huống này, mình tin rằng các ứng viên thông minh sẽ biết cách giải thích trong thư xin việc của họ mà không khiến chúng ta phải thắc mắc.
Phạm Ngọc Anh – Trưởng phòng Tuyển dụng
Chỉ đề cập đến nhiệm vụ mà không đả động gì đến thành tích
Khi CV ứng tuyển giống như một bản tóm tắt công việc thì chúng ta không thể biết bất cứ điều gì về hiệu quả của ứng viên. Nó cho thấy rằng ứng viên đảm nhiệm một công việc nhất định, với những trách nhiệm nhất định, nhưng nó không chứng minh bất kỳ bằng chứng nào cho thấy họ thực sự đã làm tốt công việc. Có lẽ ứng viên này có trách nhiệm lớn lao nhưng lại thất bại một cách ngoạn mục.
Trách nhiệm và nhiệm vụ là một phần quan trọng trong mô tả về công việc trước đây của ứng viên, nhưng chúng gần như vô nghĩa nếu không đi kèm với kết quả đạt được từ những hành động này. Một CV ấn tượng sẽ đưa ra các bằng chứng về thành tích, sự kiện và số liệu. Chẳng hạn, ứng viên đã quản lý một nhóm thì cần ghi rõ nhóm đó có bao nhiêu người, các thành viên đã thể hiện thế nào, họ có đáp ứng được thời hạn không, có tiết kiệm tiền cho doanh nghiệp không và tiết kiệm được bao nhiêu…?
Nếu ứng viên không đưa những thành tích đó vào CV thì có cho vàng chắc mình cũng không dám chuyển các hồ sơ xin việc đó sang cho sếp.
Nguyễn Thị Phương Trinh – Nhân viên Nhân sự
Ứng viên có thừa tiêu chuẩn cho công việc
Có hai mặt của một câu chuyện và hai mặt của một đồng xu. Điều này cũng đúng khi tuyển dụng ứng viên có trình độ quá cao so với yêu cầu của vị trí. Họ có thể mang lại nhiều kiến thức chuyên môn và ý tưởng mới, tự lập hơn, có thể tự chịu trách nhiệm về công việc và quản lý thời gian giúp mang lại năng suất cao hơn. Nhưng đi kèm theo đó là họ sẽ sớm cảm thấy nhàm chán và rời đi ngay khi tìm được cơ hội tốt hơn.
Nếu bạn quyết định đưa ứng viên vào vòng trong thì nên cân nhắc xem liệu giá trị họ mang lại cho doanh nghiệp trong thời gian ngắn ngủi đó có bù đắp được thiệt hại cho chi phí tuyển dụng họ lẫn chi phí cho toàn bộ quá trình tìm kiếm nhân viên khác thay thế hay không.
Đoàn Tiến Cường – HR Senior
Thông tin trong CV không nhất quán so với các nguồn khác
CV ứng tuyển không còn là nguồn tham khảo duy nhất để tìm hiểu về lịch sử làm việc của ứng viên. Phương tiện truyền thông xã hội và cụ thể hơn là các nền tảng như LinkedIn và Facebook, là những nơi phổ biến để cập nhật thông tin về nơi ứng viên đã làm việc. Theo nguyên tắc chung, mình sẽ tham khảo chéo thông tin trên CV với mạng xã hội của ứng viên để đảm bảo rằng ngày tháng, mô tả công việc và các chi tiết quan trọng khác đều khớp với nhau.
Nhờ vậy mà mình đã phát hiện ứng viên đã đồng thời làm việc full time tại hai công ty khác nhau, chức danh công việc cũng không giống với mô tả trong CV. Những khác biệt này có thể gợi ý rằng ứng viên đang cố gắng che giấu thông tin hoặc đơn giản chỉ là viết sai. Vấn đề này sẽ được giải quyết ngay bằng một cuộc gọi nhanh hoặc chúng ta có thể hỏi về điều đó trong cuộc phỏng vấn và đưa ra đánh giá dựa trên lời giải thích nhận được.
Đặng Thị Ngọc Tú – Trưởng nhóm tuyển dụng
Nếu bạn phát hiện bất kỳ dấu hiệu “cờ đỏ” nào trên đây trong CV ứng tuyển, hãy thăm dò thêm. Đó có thể là sử dụng các bài kiểm tra tính cách giúp xác định điểm mạnh, điểm yếu, giá trị và quan điểm hoặc thực hiện các cuộc phỏng vấn có cấu trúc chặt chẽ. Kết hợp các phương pháp này cùng với việc kiểm tra CV kỹ lưỡng sẽ giúp bạn hình dung rõ hơn về khả năng của ứng viên khi đảm nhận một vai trò nhất định.
Huỳnh Trâm
Author Profile
Latest entries
- Bí quyết tuyển dụng2025.01.205 cái bẫy cần tránh khi phỏng vấn tuyển dụng ứng viên
- Bí quyết tuyển dụng2025.01.13Offer letter nên tránh lỗi nào để tăng cơ hội ứng viên đồng ý?
- Nghệ thuật quản lý2025.01.066 dấu hiệu bạn đang lãnh đạo nhóm hiệu quả
- Bí quyết tuyển dụng2024.12.305 câu hỏi giúp đánh giá khả năng ứng viên qua CV