3 điều hay nhà tuyển dụng việc làm có thể học hỏi từ seller

Có thể nói tuyển dụng việc làm và bán hàng không phải là từ đồng nghĩa, nhưng chúng có nhiều điểm chung.

Ai trong chúng ta cũng đều biết, đội ngũ bán hàng có ảnh hưởng rất lớn đến lợi nhuận của một doanh nghiệp. Họ sử dụng các chiến thuật phù hợp để biến khách hàng tiềm năng thành người mua giúp công ty có thể đạt được mục tiêu doanh thu và ngày càng hưng thịnh.

                                                                                          

“Nhân viên bán hàng bán một sản phẩm trong khi nhà tuyển dụng bán một cơ hội việc làm. Điều này có nghĩa là tuyển dụng việc làm ít nhiều cũng là một phiên bản khác của bán hàng”.

Tuyển dụng bao gồm việc kết nối với ứng viên phù hợp và thuyết phục họ rằng công ty của bạn là “đất lành”, nơi mang đến cơ hội việc làm tốt nhất.

Tôi biết nhiều nhà tuyển dụng sẽ không vui khi bị so sánh với các seller, nhưng kỹ năng bán hàng lại là yếu tố cốt lõi dẫn đến thành công của họ và là điểm khác biệt của nhà tuyển dụng giỏi với những người ưu tú. Thế thì tại sao không học hỏi những ưu điểm của các salesman hàng đầu nhằm phục vụ cho việc tuyển dụng của mình thay vì dành sức lực để phủ nhận sự thật?

Bài học mà nhà tuyển dụng việc làm có thể học hỏi từ các nhân viên bán hàng

Hiểu tầm quan trọng của sự đồng cảm

Không có kỹ năng nào quan trọng trong bán hàng hơn việc có thể đặt mình vào vị trí của người mua và hiểu mọi thứ từ góc nhìn của họ. Bằng cách đó, nhân viên kinh doanh có thể tạo dựng niềm tin và thúc đẩy mối quan hệ lành mạnh với khách hàng. Như mọi người vẫn thường nói, khách sẽ mua hàng từ người mà họ tin tưởng và sự đồng cảm giúp các salesman trở nên đáng tin cậy hơn. Suy cho cùng, tất cả chúng ta đều là con người và việc sử dụng tâm lý đồng cảm trong bán hàng có thể tạo ra những kết quả tuyệt vời ông mặt trời. 

Với thực tế đó, đồng cảm trong tuyển dụng việc làm cũng có thể mang lại lợi ích cho doanh nghiệp về lâu dài. Ngay cả khi ứng viên không được chọn thì họ cũng có trải nghiệm tích cực. Họ có thể chia sẻ, bày tỏ cảm xúc về buổi phỏng vấn trên các trang web đánh giá hoặc mạng xã hội và phản hồi này sẽ giúp uy tín và giá trị của doanh nghiệp càng được nâng cao.  

Vậy chúng ta có thể áp dụng sự đồng cảm trong tuyển dụng như thế nào?

Đầu tiên là lắng nghe. Những nhà tuyển dụng việc làm hàng đầu luôn lắng nghe ứng viên trước khi nói. Họ cố gắng khám phá công việc và cả ứng viên để xem liệu cả hai có thực sự là mảnh ghép dành cho nhau hay không. Chúng ta thường cho rằng ai đi tìm việc cũng đều muốn kiếm được nhiều tiền hơn trong vai trò mới nhưng không phải lúc nào cũng vậy. Một số người mong muốn nhận được phúc lợi tốt hơn, cân bằng được công việc và cuộc sống hoặc chỉ đơn giản là có làm lại mọi thứ ở một công ty mới.

Đồng cảm còn thể hiện ở việc kiên nhẫn hơn với ứng viên. Nếu như trước đây chậm chạp có thể cho thấy sự thiếu hứng thú với vai trò ứng tuyển, thì ngày nay, đó có thể là dấu hiệu của cuộc sống bận rộn hoặc một thời điểm căng thẳng đối với ứng viên. Thấu hiểu điều đó, chúng ta có thể cho ứng viên thêm thời gian để trả lời các email, linh hoạt điều chỉnh lịch phỏng vấn ngoài giờ làm. Trong các cuộc phỏng vấn online, nếu họ gặp sự cố với wifi hoặc bị gián đoạn bởi một đứa trẻ đang quấy khóc hoặc vật nuôi dở chứng, hãy kiên nhẫn và cho họ một chút thời gian để xử lý. Nhiều khi một chút kiên nhẫn đó có thể giúp chúng ta “lấy lòng” được ứng viên tiềm năng.

Và đôi khi công việc không phải là giải pháp tối ưu cho vấn đề của ứng viên và chúng ta cần phải trung thực. Đừng cố gắng để tỏ vẻ như đó là một công việc hoàn hảo, là mơ ước của rất nhiều người ngoài kia. Ở đây, đồng cảm còn có nghĩa là thành thật nói với ứng viên khi bạn không tin rằng vị trí tuyển dụng tương xứng với năng lực của họ.

Làm dồi dào nguồn dự trữ

Những người bán hàng trung bình chỉ tìm khách hàng mới khi họ đã mất khách hàng cũ. Tuy nhiên, những nhân viên kinh doanh hàng đầu luôn dành thời gian hàng tuần để tìm kiếm khách hàng tiềm năng, ngay cả khi họ đang bận chốt các giao dịch hiện tại. Điều đó nói lên rằng các nhân viên bán hàng cần một luồng khách hàng tiềm năng liên tục để luồng công việc của họ luôn trôi chảy. Nếu khách hàng tiềm năng ngừng xuất hiện, toàn bộ quy trình bán hàng và có thể là toàn bộ công ty sẽ dừng lại đột ngột.

Trong tuyển dụng việc làm, điều này gợi ý rằng chúng ta không nên đợi cho đến khi có vị trí trống mới bắt đầu tìm kiếm ứng viên tốt nhất. Thay vào đó, hãy dự đoán nhu cầu trong tương lai của công ty và phác họa kiểu nhân viên phù hợp. Tốt nhất là khi có một vị trí quan trọng cần tuyển dụng, tâm trí chúng ta sẽ xuất hiện ngay một vài cái tên đầy tiềm năng.

Để tìm được nguồn ứng viên dự trữ, chúng ta có thể thông qua nhiều con đường khác nhau. Các website tuyển dụng, mục nghề nghiệp trên trang web công ty, lời giới thiệu của nhân viên và phương tiện truyền thông xã hội là những cách tuyệt vời để thu hút sự quan tâm đến công ty và tạo ra ứng viên. Nhưng đừng chỉ đi tìm những quả mọc ở tầm thấp dễ hái, hãy cố gắng tìm kiếm ứng viên từ các “ngóc ngách” mà nhiều công ty khác đang bỏ lỡ.

Nhận về lời giới thiệu, chứ không phải chỉ là thông tin liên hệ qua loa

Khi chốt một giao dịch, chúng ta sẽ thường nghe những nhân viên bán hàng trung bình nói như thế này “Anh/ chị có biết ai cần dịch vụ của bên em thì giới thiệu cho em nhé” và nếu may mắn họ sẽ nhận được một vài số điện thoại hoặc địa chỉ email. Điều này quá phổ biến đến nỗi nhiều người nghĩ đây cũng là cách làm của những nhân viên bán hàng giỏi. Câu trả lời có thể khiến bạn bất ngờ: Họ chưa vội làm thế mà sẽ chờ cho đến khi khách hàng hài lòng mới nhờ giới thiệu cho những người quen khác.

Từ đây chúng ta có thể rút ra 2 bài học trong tuyển dụng việc làm. Đầu tiên là nên tích cực tạo ra môi trường làm việc mà nhân viên thích thú và đánh giá cao. Thứ hai, và chỉ sau khi đã làm điều đó, chúng ta mới nên nhờ nhân viên giới thiệu những người bạn và đồng nghiệp mà họ thực sự tôn trọng.

Vì sao lại như vậy? Bởi mọi người có nhiều khả năng bị thuyết phục bởi một người mà họ tin tưởng. Và càng tin tưởng hơn nếu đó là trải nghiệm được chia sẻ từ người trong cuộc. Một câu chuyện thật luôn có sức thuyết phục mạnh mẽ hơn trăm lời quảng cáo.

Bán hàng và tuyển dụng việc làm đều tập trung vào việc tạo dựng mối quan hệ giữa người với người. Tiêu tiền hay chấp nhận một công việc mới không phải là những quyết định mà ai đó sẽ đưa ra một cách nhẹ nhàng. Cố gắng trở nên đồng cảm, gần gũi và cung cấp cho ứng viên một trải nghiệm tuyệt vời để họ hiểu rằng bạn là người quan tâm nhất đến tiếng lòng của họ. Nếu có thể bắt đầu suy nghĩ giống như nhân viên bán hàng, chúng ta không chỉ có thể tiếp cận được nhiều ứng viên hơn mà còn nhận được nhiều cái gật đầu đồng ý làm việc hơn. Quả là một kết quả thật tuyệt phải không bạn?

Huỳnh Trâm

Sao chép thành công