3 điều cốt yếu để tuyển người phù hợp cho các vị trí sáng tạo

Sáng tạo là yếu tố sống còn không chỉ trong thế giới nghệ thuật mà cả đối với các doanh nghiệp muốn theo kịp những thay đổi của thị trường, sở thích của người tiêu dùng và động thái của đối thủ cạnh tranh. Đó là lý do tại sao các chuyên gia nhân sự không ngừng tìm cách tuyển người có khả năng sáng tạo vô biên.  

Khi nói đến sáng tạo, có người sẽ nghĩ ngay đến các nhân viên thiết kế nên những logo bắt mắt, những hình ảnh ấn tượng; cũng có một số khác liên tưởng đến người có kỹ năng giải quyết hiệu quả các vấn đề của công ty theo cách không ai nghĩ đến trước đây. Dù là gì đi nữa thì điểm chung giữa họ là người làm các công việc bình thường theo cách độc đáo, luôn tìm kiếm sự khác biệt và biết chính xác cách làm thế nào để nổi bật giữa đám đông. Họ tò mò, linh hoạt, chấp nhận thay đổi, nhìn mọi thứ bằng con mắt khác, đưa ra giải pháp mới, khám phá những cơ hội mới mà người khác không nhìn thấy, chủ động và quan tâm đến việc tạo ra nét riêng.

Tôi không ủng hộ quan điểm rằng để tìm được những ứng viên sáng tạo thì cách tuyển người của chúng ta cũng phải không giống ai, chẳng hạn như đặt ra các câu hỏi kỳ lạ như Hãy tưởng tượng bạn bị thu nhỏ lại bằng kích thước của một đồng xu và bị rơi vào một chiếc máy xay sinh tố, bạn sẽ làm gì? Tôi vẫn đi theo cách truyền thống, chỉ là thay đổi một chút cho phù hợp.

3 điều cốt yếu để tuyển người phù hợp cho các vị trí sáng tạo
Young Asia lady fashion designer using mobile phone receiving purchase order and showing clothes recording video live streaming online at shop. Small business owner, online market delivery concept.

Điều quan trọng để tuyển người phù hợp cho các công việc sáng tạo

Nếu bạn muốn biết ai đó có sáng tạo hay không, hãy yêu cầu họ cho bạn xem những thứ họ đã tạo ra

Bạn có đồng ý rằng khi nhìn tận mắt những công việc sáng tạo mà ứng viên đã làm thì sẽ dễ dàng đánh giá hơn không? Tôi thì tin như vậy.

Thế nên nếu cần tuyển dụng một chuyên viên thiết kế, một photographer hay sáng tạo nội dung, điều đầu tiên tôi làm là khuyến khích ứng viên gửi về các CV sáng tạo nhất mà họ có thể nghĩ ra. Có lẽ là được gãi đúng chỗ ngứa và ứng viên cũng rất nóng lòng thể hiện tài năng của mình, mà tôi nhận về rất nhiều bản CV không đụng hàng, từ CV dưới dạng tờ rơi, được in trên áo phông hoặc biển quảng cáo, đến các CV video được đầu tư công phu cả nội dung lẫn hình thức.

Có quá nhiều sự sáng tạo cũng đôi lần khiến tôi cho rằng mình đang tự làm khó mình bởi không không biết nên chọn ai và bỏ ai (nói vui một chút chứ có nhiều CV gửi về là đã cảm tạ trời đất, nào dám than van).

Không chỉ có CV, porfolio cũng là yếu tố cần xem xét. Đó là danh mục các mẫu thiết kế mà họ làm trước đây hoặc đơn giản chỉ là các tác phẩm mà họ cảm thấy thích thú và tự hào muốn khoe với thế giới.

Bằng cách nói rõ những điều này như một tài liệu cần thiết để ứng tuyển, chúng ta đang cho ứng viên thấy rằng chúng ta rất nghiêm túc trong việc tuyển người có khả năng sáng tạo vô tận.

“Lợi ích của việc tuyển người có khả năng sáng tạo là họ sẽ giúp đội nhóm đạt được những tầm cao mới và cải thiện đáng kể lợi nhuận của doanh nghiệp.”

Phỏng vấn nên là buổi trò chuyện hơn là hỏi đáp nhàm chán

Rời xa các căn phòng kín mít với 4 bức tường nhàm chán đi và hãy dời chân đến một không gian thú vị hơn với bầu không khí thoải mái có thể giúp bạn có buổi phỏng vấn “bội thu”. Nếu không ngại làm tổn thương túi tiền thì bạn có thể mời ứng viên đi ăn trưa, ăn tối hoặc đến uống nước ở một quán cà phê yên tĩnh nào đó kết hợp phỏng vấn (tuy có hơi tốn nhưng đáng). Một buổi trò chuyện tự nhiên sẽ mang đến cho ứng viên cảm giác gần gũi và đó chính là lúc nguồn sáng tạo của họ tuôn trào.

Đúng là buổi phỏng vấn vẫn mang tính giao dịch (chúng tôi trả tiền cho bạn và bạn làm công việc đó) nhưng cách chúng ta đưa ra quyết định lại thiên khá nhiều về cảm xúc. Và những người sáng tạo thậm chí còn có nhiều cảm xúc và dễ bị tác động bởi mối quan hệ thân thiết nhiều hơn bất kỳ ai khác. Do đó tôi cho rằng, để thu hút các ứng viên sáng tạo, một trong những điều không thể bỏ qua là làm cho quy trình tuyển dụng thân thiện hơn.  

Và trong các buổi trò chuyện đó, cấu trúc phỏng vấn người hỏi và người trả lời sẽ không bao giờ đạt được kết quả tốt nhất bởi sự cứng nhắc.

Chúng ta cần có tiêu chí và danh sách các câu hỏi, chẳng hạn như:

Ý tưởng tuyệt vời gần đây mà bạn nghĩ ra là gì? Điều này có lợi gì cho công ty?

Bạn sử dụng những phương pháp tư duy sáng tạo nào để đưa ra những ý tưởng hoặc giải pháp tuyệt vời?

Khi nào bạn cảm thấy sáng tạo nhất?

Bạn làm gì để đón đầu xu hướng và công nghệ mới trong lĩnh vực của mình?

Làm thế nào bạn có thể duy trì được sự sáng tạo và tránh bị kiệt ssức?

Chúng tôi cần hỗ trợ những gì để bạn có được khả năng sáng tạo cao nhất?…

Nhưng sau mỗi câu trả lời của ứng viên, đừng vội chuyển sang vấn đề khác mà nên chia sẻ một chút về các tình huống tương tự chúng ta đã gặp phải trong quá trình làm việc, giống như cách chúng ta vẫn làm trong các cuộc nói chuyện bình thường với bạn bè, đồng nghiệp hoặc người thân quen. Việc chúng ta chia sẻ thông tin sẽ giúp cho cuộc trò chuyện thêm thú vị và cũng cho ứng viên có cái nhìn thực tế hơn về công ty lẫn công việc.

Thử thách sức sáng tạo bằng các tình huống thực tiễn

Nếu như thế vẫn chưa đủ để bạn nhận diện một ứng viên sáng tạo thì hãy chia sẻ với họ một vấn đề mà công ty hiện đang gặp phải và để họ đưa ra các giải pháp sáng tạo. Tùy vào từng tình huống, chúng ta có thể làm điều này theo nhiều cách khác nhau:

Có thể nói trước vấn đề với ứng viên để họ có thời gian chuẩn bị, sau đó sẽ trình bày câu trả lời khi đến phỏng vấn;

Cũng có thể đưa ra tình huống trong khi phỏng vấn và chờ xem họ tự suy nghĩ một giải pháp sáng tạo nhanh như thế nào;

Hay mời họ tham gia vào một nhóm ứng viên để cùng đưa ra giải pháp tốt nhất. Tuy cách làm này có nhược điểm là sẽ khó đánh giá đóng góp của một cá nhân, nhưng có thể giúp chúng ta nhìn thấy được khả năng làm việc nhóm của họ;

Hoặc đưa cho họ 2 thứ không liên quan nhau và xem họ có thể nghĩ ra một điều gì đó mới mẻ hay không…

Để tăng hiệu quả, mỗi ứng viên nên được thử thách theo nhiều cách bởi kết quả của một nhiệm vụ có thể không phản ánh đúng tiềm năng thực sự của họ. Chúng ta sẽ hiểu tường tận hơn khả năng sáng tạo của ứng viên nếu họ tiếp xúc với nhiều tình huống khác nhau. Ai tạo ấn tượng tốt trong các thử thách có nhiều khả năng sẽ đạt được thành tích tốt trong công việc. Đến đây thì chắc rằng việc ra quyết định tuyển người đã dễ dàng hơn rất nhiều rồi phải không nào?

Huỳnh Trâm

Sao chép thành công