5 Dấu hiệu nhận biết một nhân viên tồi

Trong công việc, có những nhân viên năng nổ, nhiệt tình, cống hiến hết mình vì công việc, nhưng vẫn tồn tại một vài cá nhân riêng rẻ mang lại ảnh hưởng tiêu cực, từ đó mà năng suất và hiệu quả giảm sút đi hẳn. Vậy làm thế nào để nhận biết được những cá nhân này nhằm đưa ra giải pháp kịp thời chỉnh đốn tư tưởng cũng như tác phong làm việc của họ thì đòi hỏi người lãnh đạo phải có cách nhìn nhận tinh tế, xử trí khéo léo và mang sức thuyết phục cao. CareerLink.vn sẽ chia sẻ một vài gợi ý để bạn có thể đưa ra giải pháp phù hợp với tình hình hiện tại.

Chểnh mảng, thiếu sự tập trung

Một trong những yếu tố quan trọng quyết định đến chất lượng và hiệu quả công việc chính là sự tập trung cao độ. Sự chểnh mảng, thiếu tập trung sẽ làm ảnh hưởng trực tiếp đến tiến độ công việc, đánh giá mức độ hoàn thành chỉ mang tính chất tương đối, dẫn đến chất lượng công việc chỉ đạt ở mức độ trung bình, đôi khi rơi vào trường hợp chậm trễ, vì cách tiếp cận kém khoa học nên chắc chắn kết quả mang lại sẽ không hiệu quả.

Luôn trễ nải về tiến độ

Xuất phát từ việc thiếu sự tập trung, chểnh mảng nên nhân viên dễ phạm phải những thiếu xót, mắc nhiều lỗi khiến cho công việc trì trệ, dẫn đến kết quả không đạt được yêu cầu về tiến độ mà cấp trên giao phó. Ngược lại, một nhân viên làm việc với sự tập trung cao độ sẽ luôn đảm bảo khối lượng công việc trong tầm kiểm soát, có sự điều chỉnh, phân chia thời gian hợp lý giải quyết công việc theo mức độ ưu tiên.

Thái độ lơ là, thiếu nghiêm túc

Bởi vì nhân viên làm việc với thái độ lơ là, thiếu nghiêm túc, quan niệm bình chân như vại, chẳng có bất kì một kế hoạch làm việc cụ thể nào cả, cho nên kết quả công việc không khả quan và tiến triển. Nếu trường hợp này xảy ra trong thời gian dài sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng công việc bởi sự hời hợt của chính nhân viên đó.

Thiếu tinh thần hợp tác với mọi người

Một trong những dấu hiệu nhận biết một nhân viên tồi chính là họ thiếu tinh thần hợp tác với mọi người, luôn làm việc theo ý kiến chủ quan và không tuân thủ theo bất kỳ nguyên tắc nào. Họ không mong muốn cũng như có nhã ý tìm ra tiếng nói chung và hòa hợp cùng đồng nghiệp, đôi khi chính thái độ ấy ảnh hưởng ít nhiều đến những nhân viên khác.

Gây nên xung đột, mâu thuẫn không đáng có

Do thiếu tinh thần hợp tác, thay vì cùng nhau đưa ra những giải pháp hiệu quả nhất cho công việc thì họ luôn bất đồng quan điểm với mọi người, gây nên xung đột, mâu thuẫn không đáng có trong tập thể.

Đâu là giải pháp hữu hiệu nhất?

Nhìn nhận về nguyên nhân một cách chuẩn xác

Trước hết, là người trực tiếp quản lý, bạn cần có sự cân nhắc nguyên nhân dẫn đến tình trạng công việc bị ảnh hưởng và gián đoạn xuất phát từ đâu để có biện pháp điều chỉnh kịp thời. Bạn cần có sự nhìn nhận cội nguồn vấn đề xuất phát từ tâm lý chán nản, thái độ bất mãn của bản thân nhân viên đó với công việc hiện tại, hay từ chính tính chất công việc vượt quá khả năng mà nhân viên có thể gánh vác.

Lắng nghe phản hồi từ cấp dưới

Chủ động quan tâm, lắng nghe phản hồi từ cấp dưới là một trong những giải pháp hiệu quả nhất để bạn có thể nhanh chóng xác định cách nhìn nhận của mình về vấn đề của nhân viên trong thời gian qua đã thật sự chuẩn xác hay chưa? Qua đó đưa ra cách điều chỉnh cho phù hợp, tránh cách nhìn phiến diện và xem xét liệu rằng nhân viên có đang không hài lòng về môi trường lẫn công việc họ phụ trách hay không?

Tăng cường trao đổi, hỗ trợ

Bạn có thể cân nhắc đến việc cải thiện môi trường làm việc bằng cách tăng cường trao đổi, hỗ trợ để nhân viên tránh rơi vào tình trạng cảm thấy bị lạc lõng hay không bắt kịp nhịp độ làm việc với nhân viên khác nhằm mục đích xúc tiến công việc diễn ra theo đúng kế hoạch, qua đó động viên, khích lệ, gợi hứng thú trong công việc, tạo nên tác động tích cực làm thay đổi quan điểm và hành động của bản thân nhân viên đó.

Người nào việc nấy

Là người quản lý, bạn nên phân chia công việc phù hợp với khả năng – năng lực của từng nhân viên, nhằm tránh trường hợp quá tải, căng thẳng, mệt mỏi khiến nhân viên không thể phát huy hết khả năng sáng tạo trong công việc, dẫn đến chất lượng công việc giảm sút rõ rệt. Trên thực tế thì nhân viên luôn phải đối mặt với tình trạng khối lượng công việc ngày càng nhiều, một nhân viên thiếu tinh thần cầu tiến khó lòng mang lại hiệu quả cao trong công việc, dẫn đến năng suất làm việc đồng đội cũng sẽ bị ảnh hưởng đáng kể.

Tìm kiếm nguồn lực mới

Sau khi đã áp dụng các biện pháp tích cực nhưng tình thế vẫn không có sự chuyển biến nào cả thì bạn cũng nên có kế hoạch tìm kiếm ứng viên khác phù hợp để tiến độ công việc không bị ảnh hưởng bởi những tác nhân ngoài ý muốn. Bạn cũng cần nhìn nhận rằng tinh thần, thái độ làm việc của một nhân viên là vô cùng quan trọng nên việc rời bỏ khỏi vị trí công việc hiện tại cũng sẽ tạo điều kiện cho nhân viên đó có cơ hội được làm việc trong môi trường thích hợp hơn so với hiện tại.

Hương Giang

Sao chép thành công