5 lí do thấu cảm là kỹ năng lãnh đạo then chốt

Nghệ thuật lãnh đạo không phải chỉ bàn đến chuyên môn, sự uy tín trên thương trường, sự nhanh nhạy trong đàm phán… mà nên kể đến khả năng thấu cảm, hiểu được cảm xúc và suy nghĩ của cấp dưới.

Điều này không có nghĩa rằng bạn phải đồng ý với quan điểm của họ mà là bạn sẵn sàng hiểu và nhận thức sâu sắc về điều đó. Vậy tại sao sự thấu cảm được xem là một kỹ năng then chốt đối với một nhà lãnh đạo thành công? 5 lí do được tiết lộ sau đây sẽ là lời giải đáp thỏa đáng dành cho bạn.  

Giúp giữ chân nhân tài

 Một trong những khó khăn mà tất cả các tổ chức phải đối mặt là giữ chân nhân viên tài năng, và lí do được cho là phổ biến nhất cho sự ra đi của họ là sự thiếu tin tưởng và đánh giá cao từ cấp trên. Sự thấu cảm sẽ làm tăng niềm tin, tạo cảm giác nhân viên được coi trọng và quan tâm hơn. Cho dù trong các mối quan hệ cá nhân hay là một thành viên của tổ chức, họ cũng sẽ có nhiều khả năng gắn bó hơn khi cảm thấy được lắng nghe, đánh giá cao và được chú ý đến. Do đó, những người sếp có khả năng thấu cảm cao sẽ chiếm được tình cảm của nhân viên và tạo ảnh hưởng không nhỏ đến việc ở lại của họ.

Tăng động lực làm việc

Bạn có bao giờ nhận thấy khi ai đó nói rằng họ đánh giá cao việc mà bạn đã làm cho họ, bạn sẽ bị thôi thúc muốn đóng góp nhiều hơn cho họ không? Đối với việc quản lý nhân viên cũng vậy, nếu cấp trên thể hiện sự ghi nhận với những cố gắng nhân viên đã bỏ ra, chắc chắn rằng họ sẽ muốn nỗ lực nhiều hơn nữa. Các tổ chức thành công nhận thức rất tốt vấn đề này và các nhà quản lý của họ liên tục tìm cách để thể hiện sự cảm kích đối với nhân viên dưới quyền.

Nâng cao tinh thần đồng đội

 Nếu được cấp trên quan tâm, đánh giá cao những nỗ lực thì nhân viên cấp dưới cũng có xu hướng đối xử như thế với đồng nghiệp của mình. Khi sự thấu hiểu từ cấp trên được lan tỏa, nó sẽ được truyền đến toàn bộ tổ chức giúp nâng cao tinh thần đồng đội, giảm xung đột nhân viên, giảm chia rẽ nội bộ. Sự đoàn kết này sẽ giúp nhân viên phối hợp ăn ý hơn và mang lại hiệu suất làm việc cao hơn.

Tạo ra các ý tưởng sáng tạo

Những người có nhận thức họ là một phần của tổ chức và được đánh giá cao sẽ luôn tìm cách để tăng thêm giá trị cho tổ chức. Họ “chịu” đầu tư thời gian và năng lượng vào những ý tưởng, quy trình và phương pháp để cải thiện công việc của mình và đưa tổ chức tiến lên phía trước. Sự gắn bó đối với tổ chức khiến họ cảm thấy rằng sự thành công của họ và sự thành công của tổ chức có liên quan mật thiết với nhau, thúc đẩy họ tìm ra những cách làm việc mới và tốt nhất có thể.

Được người khác nể trọng

Như đã nói, một người có khả năng thấu cảm là người biết đặt mình vào vị trí của người khác để suy nghĩ, để nhìn nhận toàn diện một vấn đề. Vậy nên đặt ví dụ khi nhân viên mắc lỗi, một người sếp thông minh sẽ đặt họ vào tình huống đó để xem xét và đánh giá. Khi sự cố diễn ra theo chiều hướng không ai mong muốn thì sự thông cảm, lòng trắc ẩn và sự tha thứ có thể sẽ được dùng đến.

Lẽ dĩ nhiên, những nhà lãnh đạo luôn “thấu tình đạt lý” như thế này sẽ được lòng nhân viên lẫn khách hàng, đối tác.

Nâng cao sự đồng cảm trong quản lý ở bất kỳ tổ chức nào cũng đều mang đến rất nhiều lợi ích và kết quả cuối cùng là sự gia tăng về hiệu quả, năng suất và thành công cho tất cả các bên liên quan. Đối với một số doanh nghiệp, sự thấu hiểu còn hơn cả một kỹ năng mềm mà trở thành một công cụ thiết yếu mà các nhà lãnh đạo của họ cần có để giữ cho doanh nghiệp luôn ở thế cạnh tranh và thành công. Để đạt được sự thấu cảm, bạn cần hai yếu tố cơ bản là sự tò mò và lắng nghe sâu sắc. Dĩ nhiên một vài cuộc trò chuyện sẽ không giúp nâng cao sự thấu cảm ở bạn, nhưng theo thời gian, sự tò mò và biết cách lắng nghe sẽ giúp bạn nhận biết chính xác hơn cách người khác suy nghĩ và cảm nhận. Chúc bạn thành công!

 

Tiến Huy

Sao chép thành công