Trước đây, các chiến lược phát triển nhân viên thường chú trọng vào việc khắc phục những điểm họ cần cải thiện thay vì tập trung vào sở trường và năng khiếu. Giờ đây một cách quản lý hiện đại hơn được gọi là “phát triển nhân viên dựa trên điểm mạnh” đang trở nên phổ biến bởi các lý do sau.
Lợi ích khi quản lý dựa trên sở trường và năng khiếu của nhân viên
Cải thiện sự tự tin
Khi bạn nhận ra điểm mạnh của các thành viên trong nhóm, bạn cho họ thấy rằng bạn tin tưởng vào khả năng của họ. Do đó, họ sẽ cảm thấy tự tin hơn để bày tỏ ý kiến của riêng mình. Đồng thời họ cũng được truyền cảm hứng để sử dụng các thế mạnh đó giúp nhóm sáng tạo và đổi mới hơn.
Nâng cao năng suất và sự hài lòng
Nếu bạn cho phép các thành viên trong nhóm tự do sử dụng điểm mạnh của họ, điều này sẽ thúc đẩy họ hướng đến hiệu suất cao hơn, từ đó giúp cải thiện sự hài lòng của nhân viên trong công việc. Loại môi trường làm việc này sẽ giúp hình thành một nhóm mạnh mẽ, có thể sẵn sàng ứng phó với các thách thức đồng thời giải quyết trở ngại một cách hiệu quả và thành công hơn.
Thái độ và sức khỏe tinh thần tốt hơn
Khi bạn phát huy sở trường và năng khiếu của nhân viên, công việc sẽ trở nên thú vị thay vì trở thành nguồn căng thẳng. Nếu nhân viên dành nhiều giờ hơn trong ngày để sử dụng thế mạnh của họ, họ sẽ ít gặp phải các vấn đề về sức khỏe tinh thần như tức giận, buồn bã, lo lắng, hồi hộp và căng thẳng. Trái lại, họ có nhiều khả năng hạnh phúc hơn và có thái độ tích cực trong công việc.
Cải thiện mức độ gắn kết
Tập trung vào các điểm mạnh sẽ cải thiện sự gắn kết và đóng góp của nhóm. Thực tế cho thấy chỉ 1% nhân viên trở nên lơ là khi người quản lý tập trung tích cực vào điểm mạnh của họ trong khi có đến 40% nhân viên sẽ chán nản nếu các kỹ năng chính của họ bị bỏ qua.
Phát triển điểm mạnh nhanh hơn và dễ dàng hơn cải thiện điểm yếu
Phát huy điểm mạnh đơn giản và nhanh hơn là cố gắng sửa đổi điểm yếu. Sẽ có ít căng thẳng hơn vì nhân viên đã thành thạo những việc họ làm, bạn chỉ đang giúp họ trở nên tốt hơn.
Trái lại, nếu tập trung cải thiện điểm yếu, nhân viên sẽ miễn cưỡng thực hiện thay đổi, đặc biệt nếu sự thay đổi đó trái ngược với tài năng thiên bẩm của họ. Do đó, cách tiếp cận này có thể là một hành trình dài và vất vả, kết quả là khiến bạn nản lòng và bỏ cuộc.
“Giao cho nhân viên các nhiệm vụ phù hợp với sở trường và năng khiếu sẽ tốt hơn là cố gắng dồn họ vào những vị trí không phù hợp.”
Làm gì để quản lý dựa trên thế mạnh của nhân viên?
Để giúp một nhóm hoạt động tốt nhất, bạn cần phải làm nhiều việc hơn là chỉ đạo và giao nhiệm vụ. Các nhà quản lý thực sự hiệu quả có thể nhận ra điểm mạnh độc đáo của từng thành viên trong nhóm và tối ưu hóa tất cả những “món quà của tự nhiên” đó.
Nếu bạn đang tự hỏi làm thế nào để phát huy sở trường và năng khiếu của nhóm, hãy tham khảo một số gợi ý sau.
Tìm hiểu các thành viên trong nhóm
Đây là điều hiển nhiên, nhưng để quản lý dựa trên thế mạnh của nhân viên thành công, bạn cần tìm hiểu nhóm của mình ở cấp độ cá nhân.
Hãy dành thời gian để trò chuyện trực tiếp về các vai trò trong quá khứ, các dự án yêu thích, kỹ năng và thành tích của nhân viên. Điều này sẽ giúp bạn hiểu họ quan tâm đến lĩnh vực nào và nhiệm vụ nào phù hợp nhất với thế mạnh của họ.
Giúp các thành viên trong nhóm hiểu được điểm mạnh của nhau
Các thành viên trong nhóm nhận thức được sở trường và năng khiếu của nhau sẽ làm việc nhóm tốt hơn. Hãy lấy một ví dụ: Thành viên A có tiếng nói hơn trong nhóm có thể bực bội rằng thành viên B dường như không có đóng góp gì. Tuy nhiên, nếu A biết rằng B có những điểm mạnh quan trọng đối với các dự án mà họ thực hiện nhưng chưa phát huy tốt, A sẽ đánh giá B tốt hơn, dẫn đến sự gắn kết trong nhóm được cải thiện.
Cho nhân viên cơ hội sử dụng và phát triển thế mạnh của họ
Công việc của người quản lý là phân công nhân viên vào các nhiệm vụ và dự án mà ở đó họ có thể sử dụng điểm mạnh của mình theo cách tốt nhất.
Nếu đã làm theo điều 1 và 2 ở trên, bạn sẽ không gặp khó khăn khi giao nhiệm vụ và dự án cho các thành viên trong nhóm dựa trên thế mạnh của họ. Tuy nhiên, nếu chỉ phân công công việc theo sở trường là chưa đủ. Bạn cũng phải:
– Cho họ lời khuyên về cách vượt qua trở ngại trong công việc, đưa ra phản hồi và khuyến khích họ hoàn thiện điểm mạnh và phát triển các kỹ năng mới.
– Kết hợp những nhân viên có điểm mạnh bổ sung cho nhau vào các nhóm để họ có thể học hỏi lẫn nhau.
– Khuyến khích nhân viên đặt ra các mục tiêu nghề nghiệp phù hợp với thế mạnh và đam mê của họ.
– Cung cấp các chương trình đào tạo giúp nhân viên phát triển điểm mạnh.
Mặc dù tập trung vào sở trường và năng khiếu của nhân viên giúp họ trở nên tự tin và đạt năng suất cao hơn trong khi cố gắng cải thiện điểm yếu dẫn đến trải nghiệm tiêu cực nhưng điều đó không có nghĩa phớt lờ các khuyết điểm. Hãy giúp nhân viên nhận thức về yếu điểm của mình vì nhờ đó họ biết điều gì đang kìm hãm họ để thực hiện các bước cải thiện nhằm tăng sự hài lòng trong công việc và hỗ trợ đội nhóm ngày càng lớn mạnh hơn.
Huỳnh Trâm
Author Profile
Latest entries
- Nghệ thuật quản lý2024.12.02Tuyệt chiêu xây dựng đội ngũ hợp tác và chia sẻ
- Bí quyết tuyển dụng2024.11.265 sáo ngữ cần tránh khi viết tin tuyển dụng và gợi ý thay thế
- Nghệ thuật quản lý2024.11.18Khắc phục phong cách quản lý vi mô bằng cách nào?
- Nghệ thuật quản lý2024.11.04Làm gì để nhân viên ít hỏi lại và nâng cao tinh thần chủ động?