4 lỗi cần tránh trong mô tả công việc để thu hút ứng viên

Để thu hút được các ứng viên đến với vòng tuyển dụng cả về số lượng lẫn mức độ phù hợp, thì bản mô tả công việc rõ ràng, dễ hiểu, đầy đủ thông tin và có phong cách là một trong những điều kiện không thể thiếu. Thế nhưng trong thực tế, rất nhiều công ty chưa đầu tư đủ thời gian và chất xám vào việc xây dựng những bản mô tả công việc chuẩn và hấp dẫn cho các vị trí tuyển dụng của mình.

Điều này không chỉ gây khó khăn cho việc tìm người, mà còn khiến hình ảnh công ty trở nên kém chuyên nghiệp trong mắt ứng viên tiềm năng. Trong đó, 4 lỗ hổng phổ biến nhất thường thấy trong một bản mô tả công việc có thể kể tới như sau.

Chức danh không rõ ràng, khó hiểu

Chức danh công việc trong mô tả công việc nên giữ ở mức ngắn gọn và dễ hiểu cho tất cả mọi người, dù bằng tiếng Anh hay tiếng Việt, với đầy đủ thông tin về phòng ban và chức vụ (Trợ lý kinh doanh, Trưởng phòng R&D, hoặc Chuyên viên Kế toán Thuế). Đối với một số công ty khởi nghiệp – nơi không có những phòng ban cụ thể, bạn vẫn có thể sử dụng chức danh sáng tạo riêng của công ty, nhưng nên kèm theo mô tả gần đúng nhất về vị trí cần tìm trong ngoặc đơn. Thực tế, một số chức danh và vị trí tại các công ty start-up có thể trở nên khá khó hiểu với nhiều ứng viên. Chẳng hạn như “Growth hacker” (tạm hiểu là Nhân viên thúc đẩy tăng trưởng cho start-up) thường khiến nhiều bạn trẻ phải tìm tới Google trong hoang mang, ngược lại, “Nhân viên truyền thông” lại là một chức danh khá chung chung và lẫn lộn giữa marketing, PR nội bộ và đối ngoại. 

Nội dung công việc không cụ thể

 Điều tiếp theo ngay sau tiêu đề tuyển dụng mà ứng viên quan tâm, đó chính là nội dung công việc. Những nhiệm vụ ôm đồm, dài dòng, không tập trung và nhất là không có thứ tự ưu tiên sẽ khiến ứng viên cảm thấy choáng ngợp, khó hình dung về vị trí tuyển dụng.

Nội dung công việc cần phải làm rõ: các nhiệm vụ chính của vị trí tuyển dụng (bán hàng, quản lý kho, thực hiện chiến dịch marketing…), mục tiêu cần đạt được (doanh số, lượng truy cập website,…), yêu cầu cần có, hình thức làm việc (toàn thời gian, bàn thời gian, thực tập, thời vụ…). Những mục này càng rõ ràng, cụ thể bao nhiêu, tỷ lệ ứng viên phù hợp tìm tới nhà tuyển dụng sẽ tăng lên tương ứng.

Thiếu thông tin về lương và phúc lợi

Lương và phúc lợi là những thông tin mà người đi tìm việc đặc biệt quan tâm. Thực tế, một bản mô tả “đầu voi đuôi chuột” với nội dung công việc và yêu cầu vô cùng chi tiết, nhưng chỉ kèm hai chữ vỏn vẹn: “Thỏa thuận” ở phần thông tin về lương và phúc lợi sẽ khiến ứng viên có cảm giác không thoải mái ngay lập tức và có thể bỏ qua công việc này.

Nếu vì một số lí do, bạn không muốn công khai về mức lương cụ thể thì cần đưa ra khoảng lương ước lượng (nằm trong vùng thoả thuận), đặc biệt cần nhấn mạnh thêm vào các lợi ích khác ngoài lương như phúc lợi, văn hoá công ty, tiềm năng phát triển… để thu hút sự quan tâm. Điều này vô cùng quan trọng trong việc quản lý kỳ vọng của ứng viên và giúp bạn tránh được việc phải nhận hồ sơ hay phỏng vấn những người không phù hợp ngay từ đầu.

Nhầm lẫn giữa yêu cầu và kỳ vọng

Tại phần “yêu cầu dành cho ứng viên”, nhiều thông tin tuyển dụng không có sự phân biệt rõ ràng dành cho tiêu chí bắt buộc (yêu cầu) và tiêu chí bổ sung liên quan (kỳ vọng), điều này sẽ tạo sự nhầm lẫn cho ứng viên. Họ sẽ nghĩ rằng bản thân sẽ không thỏa mãn được các tiêu chí trong khi thực tế họ có khả năng đảm trách công việc. Vì thế, cần làm rõ sự đâu là yêu cầu cần thiết và đâu là “kỳ vọng” bằng cách thêm vào một từ “ưu tiên”, chẳng hạn ưu tiên ứng viên có bằng lái xe hơi, ưu tiên những người có thể đi công tác thường xuyên.

Bên cạnh đó, đừng liệt kê những kỹ năng mềm chung chung mà người đi làm nào cũng phải trang bị như kỹ năng giao tiếp, làm việc nhóm, xử lý tình huống… – những cụm từ “thừa” nhất trong mô tả công việc của bạn.

Ngân Linh

Sao chép thành công