5 sai lầm trong quản lý làm giảm hiệu suất của nhân viên

Hiệu suất làm việc của nhân viên dựa trên nhiều yếu tố như điều kiện làm việc, cơ sở vật chất, trang thiết bị,… năng lực của mỗi cá nhân và đặc biệt là vai trò lãnh đạo của nhà quản lý. Nếu nhà quản lý có cách thức quản lý tốt, nhân viên sẽ dốc hết khả năng làm việc mang lại hiệu suất cao. Tuy nhiên, có một số sai lầm nếu nhà quản lý mắc phải sẽ ảnh hưởng đến năng suất của nhân viên, điển hình là 5 điều sau.

Không chủ động tương tác thường xuyên

Giao tiếp thường xuyên có mối tương quan tích cực với sự cố gắng của nhân viên trong công việc. Trên thực tế, những nhân viên có người quản lý thường xuyên liên lạc với họ có mức độ gắn kết với công việc cao hơn gấp 3 lần so với những nhân viên có người quản lý không thường xuyên giao tiếp. Hơn nữa, xây dựng mối quan hệ với nhân viên thậm chí có thể khiến họ gắn bó lâu dài với với công việc bởi một trong những lý do khiến nhân viên nghỉ việc là do mối quan hệ không tốt với người quản lý.

Bạn có thể giao tiếp thường xuyên hơn với nhân viên bằng cách đặt lời nhắc trên điện thoại, máy tính hoặc trong phần mềm quản lý nhân sự. Việc gặp gỡ nhân viên theo nhóm có thể mang lại hiệu quả nhưng tương tác một – một có tác dụng thúc đẩy nhân viên nhiều hơn.

Thiếu các phản hồi mang tính xây dựng và kịp thời

Có đến 72% nhân viên được hỏi cảm thấy rằng hiệu suất của họ sẽ được cải thiện nếu nhận được các phản hồi mang tính xây dựng và chính xác. Do đó, khi đưa ra phản hồi, hãy trình bày một cách cụ thể nhằm cho thấy bạn có một cái nhìn sâu sắc về công việc của từng cá nhân. Nói với nhân viên của bạn rằng “Bạn làm tốt lắm!” thể hiện sự mơ hồ và không chân thành. Trong khi “Tôi thích cách bạn xử lý tình huống với khách hàng X vào ngày hôm qua!” cho thấy rằng bạn hiểu tình huống nhân viên đã phải vật lộn, đã vượt qua và họ xứng đáng được công nhận.

Bên cạnh đó, việc đưa ra phản hồi cũng cần được thực hiện thường xuyên và đừng chờ đến đợt đánh giá hàng năm. Để phản hồi mang lại hiệu quả, nó cần được thực hiện kịp thời. Phản hồi khi vấn đề xảy ra quá lâu sẽ không mang lại lợi ích cho bất kỳ ai.

Không công nhận thành tích của nhân viên

Nhiều cuộc khảo sát cho thấy công nhận thành tích có tác động cực kỳ tích cực đến sự nỗ lực của nhân viên cũng như giữ chân được họ. Công nhận có nhiều hình thức, tùy thuộc vào ngân sách của bạn nhiều hay ít mà có thể thay đổi từ các phần quà bằng hiện vật, tài chính hoặc lịch làm việc linh hoạt, có thể làm việc từ xa 2 ngày một tuần…

Hãy để nhân viên của bạn được tham gia vào quá trình ra quyết định để xem những ưu đãi nào được yêu thích nhất. Chọn ra 5 điều được đề cử cao nhất và sau đó tổ chức một cuộc thăm dò để thu hẹp xuống còn 2 hoặc 3. Nhân viên của bạn không chỉ sẽ nỗ lực hơn vì được khuyến khích mà còn cảm thấy được đánh giá cao khi đóng góp vào các quyết định của công ty.

Không cung cấp cho nhân viên về bức tranh lớn

Khi nhân viên không thực sự nắm bắt được định hướng của công ty, điều này sẽ tạo ra một số thách thức tiềm năng như không tận tâm, giảm năng suất, chất lượng dịch vụ khách hàng kém hiệu quả… Do đó, nhân viên cần phải nhìn thấy bức tranh lớn để đánh giá và tìm thấy ý nghĩa trong công việc họ làm mỗi ngày. Bằng cách nhìn tổ chức từ góc độ rộng hơn, họ sẽ thấy hào hứng và có thể tập trung để đạt được kết quả tốt hơn.

Trong quá trình quản lý, hãy tận dụng mọi cơ hội có sẵn để cho nhân viên thấy được hành động của họ có tác động thế nào đối với các mục tiêu của doanh nghiệp. Điều này không chỉ làm tăng tính rõ ràng của mục tiêu mà còn giúp nhân viên nhận thức rõ công việc của họ đang làm hướng đến những kết quả lớn lao nào, từ đó họ có nhiều động lực hơn để thực hiện các nhiệm vụ được giao.

Không làm gương

Nhà quản lý hiệu quả không chỉ giám sát nhân viên cấp dưới mà còn dẫn dắt và làm gương cho họ. Các nhân viên thiếu niềm tin vào cấp trên sẽ không tận tâm trong công việc. Do đó, thể hiện các giá trị và năng lực của người quản lý trong công việc rất quan trọng trong việc tạo tác động tích cực đến hiệu suất của nhân viên.

Khi có cơ hội, hãy cho cấp dưới của bạn thấy bạn là người quản lý như thế nào. Ví dụ, khi nhóm của bạn phạm sai lầm, đừng đổ lỗi cho họ. Thay vào đó, hãy chịu trách nhiệm về tình huống và cho các thành viên thấy rằng bạn đang làm việc để cải thiện. Họ sẽ đánh giá cao sự khiêm tốn và trung thực của bạn.

 

Đặng Hảo

Sao chép thành công