4 mẹo “nhỏ mà có võ” giúp tuyển dụng nhân viên thiết kế phù hợp

Mọi người thường nói rằng “Thương hiệu của bạn phải kể một câu chuyện” và một trong những phần quan trọng nhất của câu chuyện đó là hình ảnh, từ logo, banner, standee hay brochure… Các giải pháp thiết kế độc đáo và ý tưởng sáng tạo sẽ khiến mọi người nhớ bạn là ai, bạn làm gì, điều gì khiến bạn đáng nhớ hơn so với các thương hiệu khác. Và đằng sau những ý tưởng độc đáo đó là bộ óc tài tình của các nhà thiết kế “cứng cựa” nhưng họ thì không dễ tìm thấy. À, ý tôi là không dễ nếu bạn chưa biết những mẹo “nhỏ nhưng có võ” này.

4 mẹo “nhỏ mà có võ” để tuyển dụng nhân viên thiết kế phù hợp

Có lẽ chúng ta đã quá quen thuộc với lời khuyên rằng khi tuyển thiết kế thì nhất định phải xem qua porfolio vì nó như một bức ảnh chụp nhanh khả năng của họ như thế nào, nhưng liệu chúng ta đang xem xét porfolio đúng cách? Nếu cần tìm một thiết kế trẻ và sẵn sàng tạo điều kiện cho họ học hỏi thì tôi không quá “soi” porfolio khi họ có mọi yếu tố khác mà công việc đòi hỏi. Nhưng sẽ khác nếu tôi cần người có thể bắt tay vào làm việc ngay ngày đầu tiên và hoàn thành công việc. Tôi sẽ chú trọng tìm hiểu các thiết kế trước đó của họ đã đạt được mức độ của những gì tôi cần hoặc ít ra họ đã làm công việc tương tự hay chưa. Nếu porfolio không có các tác phẩm gây ấn tượng mạnh và kể một câu chuyện lôi cuốn thì ứng viên có thể sẽ không làm được điều đó trong các bản thiết kế.

Đến giờ tôi vẫn còn rất ấn tượng với portfolio chỉ với một trang thiết kế màu trắng đơn giản, chứa thông điệp tập trung vào lý do tại sao ứng viên phù hợp với công việc. Thế thì vì sao tôi lại thích? Đó là bởi ứng viên biết chính xác tác phẩm đó dùng để làm gì, nên được thiết kế thế nào, được sử dụng cho mục đích gì và được gửi cho ai. Vậy nên dù đơn giản nhưng nó không tầm thường, thậm chí còn có sức mạnh hơn hàng tá hình ảnh khác.

Nhưng đôi khi tốt quá lại khiến người ta nghi ngờ: Liệu đây có phải là tác phẩm họ tự tạo ra? Yêu cầu ứng viên thiết kế trực tiếp là cách hay nhất để xóa tan điều lấn cấn này. Nói như vậy không có nghĩa là chỉ ngồi chờ nhận kết quả mà cần quan sát cách ứng viên thiết kế. Họ có lên Google và tìm kiếm hình ảnh một cách điên cuồng? Họ có suy nghĩ thấu đáo vấn đề hay chỉ cố gắng tô điểm cho ra vẻ nghệ thuật và bị cuốn vào tiểu tiết? Hãy yêu cầu ứng viên thêm các điểm nổi bật, tạo đường viền, ghép các layer và xem cách họ sử dụng phím cũng như các công cụ thiết kế. Nếu họ do dự, loay hoay với những điều cơ bản này thì có lẽ “chúng ta không thuộc về nhau”.

Để hiểu sâu hơn, tùy vào tình huống tôi sẽ yêu cầu họ đánh giá thiết kế của đối thủ cạnh tranh (hoặc thiết kế mà tôi không vừa ý lắm) và làm rõ những gì họ có thể điều chỉnh để chúng trở nên “hợp nhãn” hơn.  

Chắc có thể bạn đang tự hỏi, không có chuyên môn thiết kế thì làm sao đánh giá các tác phẩm một cách thấu đáo, phải không? Đúng vậy, nếu không phải người trong nghề, không có con mắt nghệ thuật thì một thiết kế tuyệt vời hoàn toàn có thể bị đánh giá là nghiệp dư, là thảm họa. Rất sợ sai lầm như thế nên tôi luôn nhờ đến sự giúp đỡ của các bạn có chuyên môn hoặc thu hẹp ứng viên là người có kinh nghiệm làm việc trong ngành mà công ty hoạt động.

Trong hàng chục cuộc gặp gỡ với các nhân viên thiết kế để nhờ họ tư vấn, có một đặc điểm của ứng viên liên tục được nhắc đến, đó là họ có thể tiếp thu những lời chỉ trích tốt như thế nào. Các nhân viên thiết kế cần phải tiếp thu quan điểm của người khác, kể cả người ngoài ngành. 

Để xác định liệu một ứng viên có giỏi điều này hay không, tôi thường chọn một tác phẩm từ porfolio của họ và đưa ra nhận xét trong các cuộc phỏng vấn. Nếu họ ngay lập tức phòng thủ, mọi người có thể cho đó là một dấu hiệu xấu nhưng tôi nghĩ không sao cả. Tôi muốn tìm một người biết đứng lên để bảo vệ ý kiến của mình. Tôi không thích làm việc với những người luôn cho rằng họ đúng, nhưng tôi cũng không muốn làm việc với một người dễ dãi. Tôi tìm kiếm ứng viên biết cân bằng tốt việc sẵn sàng đón nhận phản hồi, biết bảo vệ thiết kế của họ khi họ đúng và biết dàn xếp êm xuôi khi lỡ sai.

Điều cuối cùng, tôi cho rằng quan trọng nhất, đó là không tìm một nhân viên thiết kế +. Rất nhiều tin tuyển dụng yêu cầu ứng viên phải thiết kế + viết nội dung, thiết kế + marketing, hay thiết kế + thành thạo Google Ads… Có thể có một vài người như thế nhưng để thương hiệu tạo được ấn tượng mạnh mẽ, doanh nghiệp cần một nhân viên thiết kế xuất sắc trong việc họ cần làm: đó là thiết kế. Tôi cho rằng đây đã là một yêu cầu cao rồi, nếu tìm kiếm thêm dấu “+” sẽ khiến việc tuyển dụng trở nên khó khăn hơn rất nhiều.

Một vài kinh nghiệm của tôi về cách chọn các ứng viên thiết kế phù hợp xin chia sẻ cùng các bạn. Một designer giỏi có thể biến tầm nhìn thành hiện thực và giúp dự án của bạn thành công, nhưng việc chọn sai người có thể gây tốn kém, mất thời gian và làm tổn hại đến uy tín thương hiệu. Bạn có thể tránh sai lầm này bằng cách nghiêm túc trong tuyển dụng. ‍Đừng vội vàng, hãy dành thời gian để kiểm tra kỹ năng, khám phá tài năng của ứng viên và xem liệu họ có phù hợp hoàn hảo với nhóm của bạn hay không. Nếu cân nhắc kỹ lưỡng các yếu tố chính này, tin rằng bạn sẽ thuận lợi trên con đường tìm kiếm “mảnh ghép” hoàn hảo cho doanh nghiệp!

Huỳnh Trâm

Sao chép thành công