Mục Lục
Kế toán thanh toán là gì? Kế toán thanh toán là người thực hiện các chứng từ thu, chi trong công ty khi có các nhu cầu thanh toán bằng tiền mặt hoặc chuyển khoản…
Kế toán là một trong những ngành có nhu cầu cao nhất trên thị trường lao động hiện nay. Điều này cũng dễ hiểu bởi hầu như bất kỳ một doanh nghiệp nào cũng cần đến bộ phận kế toán. Nếu như các doanh nghiệp nhỏ chỉ cần một kế toán là đủ, thì các doanh nghiệp lớn lại cần đến một đội ngũ với nhiều vị trí khác nhau. Và kế toán thanh toán là một trong những vị trí quan trọng thuộc đội ngũ đó.
Để hiểu thêm về công việc cụ thể, cơ hội việc làm, các kỹ năng cần có… cho vị trí kế toán thanh toán, mời bạn đọc bài viết sau nhé.
Kế toán thanh toán là gì?
Như đã nói, kế toán được chia ra thành nhiều bộ phận, lĩnh vực khác nhau. Mỗi bộ phận đều đảm nhận những nhiệm vụ riêng biệt. Trong đó, kế toán thanh toán là vị trí đóng vai trò quan trọng trong bộ máy hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.
“Kế toán thanh toán là người thực hiện các chứng từ thu, chi trong công ty khi có các nhu cầu thanh toán bằng tiền mặt hoặc chuyển khoản; tổng hợp lại các giao dịch trong tháng để làm báo cáo kế toán trình lên kế toán trưởng.”
Các nhiệm vụ của kế toán thanh toán là gì?
Quản lý các khoản thu của doanh nghiệp
Các khoản phải thu là một phần của vốn lưu động của công ty. Việc quản lý các khoản phải thu là nhiệm vụ quan trọng, nhằm hỗ trợ hoạt động của doanh nghiệp. Bên cạnh việc thực hiện nghiệp vụ thu tiền: thu của các cổ đông, thu hồi công nợ, nhận thu tiền của thu ngân hàng ngày…, kế toán thanh toán có nhiệm vụ theo dõi các khoản thu doanh nghiệp. Cụ thể, họ theo dõi thanh toán qua thẻ của khách hàng; theo dõi công nợ của cổ đông, khách hàng, nhân viên và đôn đốc thu hồi nợ; theo dõi tiền gửi ngân hàng; quản lý và xác minh tính hợp pháp các chứng từ thu, chi…
Xem thêm: Tuyển Dụng, Việc Làm Kế Toán Thanh Toán tại Careerlink
Quản lý các khoản chi
Kế toán thanh toán có nhiệm vụ thanh toán trực tiếp qua ngân hàng hay thanh toán tiền mặt cho nhà cung cấp, đối chiếu công nợ, nhận hóa đơn, rà soát phiếu đề nghị thanh toán, lập các phiếu chi… Bên cạnh đó, họ còn thực hiện các công việc nội bộ trong doanh nghiệp như trả lương cho nhân viên, thanh toán các khoản tiền chi từ bên ngoài. Họ cũng phụ trách việc theo dõi những khoản tạm ứng trong doanh nghiệp, lập các kế hoạch thanh toán và liên hệ với các nhà cung cấp khi có những vấn đề phát sinh liên quan.
Quản lý quỹ tiền mặt của doanh nghiệp
Quỹ tiền mặt của doanh nghiệp liên quan trực tiếp đến hoạt động thu, chi của doanh nghiệp. Do đó, kế toán sẽ kết hợp với thủ quỹ để cùng quản lý quỹ tiền mặt và thực hiện việc thu, chi theo đúng quy định của pháp luật. Họ kết hợp với thủ quỹ để kiểm tra, đối chiếu tồn quỹ trong ngày, trong tháng; kiểm soát hoạt động thu ngân của doanh nghiệp đồng thời đối chiếu, kiểm tra về tính hợp lý của những chứng từ và hạch toán vào sổ sách kế toán.
Trên đây là những điều cơ bản trả lời cho câu hỏi nhiệm vụ của kế toán thanh toán là gì. Ngoài ra, tùy vào từng doanh nghiệp, họ còn có những nhiệm vụ khác như tham gia các cuộc họp phòng ban, khóa đào tạo nghiệp vụ; lập báo cáo, in chứng từ, sổ sách có liên quan để trình cấp trên theo định kỳ hoặc đột xuất… Và để thực hiện những nhiệm vụ trên thì kế toán thanh toán phải thực hiện những công việc như ghi chép, phân loại chi phí và lập báo cáo tài chính; phân tích dữ liệu tài chính để họ có thể đề xuất các giải pháp giúp tổ chức vận hành thuận lợi.
Các kỹ năng cần có của kế toán thanh toán
Kế toán nói chung và kế toán thanh toán nói riêng cần sở hữu một số kỹ năng quan trọng sau:
Kỹ năng toán học: Bạn không nhất thiết phải giỏi toán để trở thành một kế toán. Tuy nhiên, nếu bạn có kỹ năng toán học tốt, bạn sẽ làm việc dễ dàng hơn với các con số cũng như có lợi thế hơn trong việc phân tích, so sánh và giải thích các dữ liệu, số liệu.
Tập trung và chú ý chi tiết: Có câu “Sai con toán, bán con trâu”, nói lên tác hại to lớn của những sai sót dù nhỏ trong việc tính toán. Nghề kế toán buộc bạn phải cẩn thận, tập trung để giữ cho thông tin chính xác và có tổ chức. Thường xuyên làm việc với các dữ liệu tài chính, bạn cần tập trung, tránh để xảy ra sai sót. Bởi các lỗi đơn giản có thể chuyển thành các vấn đề lớn hơn nhiều nếu chúng không được sớm phát hiện.
Hiểu biết về kinh doanh: Để làm tốt nghiệp vụ của một kế toán thanh toán, bạn phải có sự am hiểu nhất định về các chức năng của một doanh nghiệp, có kiến thức cơ bản về kinh doanh để phân tích và diễn giải chính xác các dữ liệu tài chính.
Kỹ năng tin học văn phòng: Kỹ năng này là yếu tố hết sức quan trọng đối với một kế toán thanh toán. Bởi vì bạn sẽ phải sử dụng các phần mềm chuyên dụng để thực hiện thống kê các giao dịch và lên kế hoạch cho các hạch toán. Thí dụ như Excel, phần mềm thông minh kinh doanh, Microsoft Visual Basic và QuickBooks… Nếu không nhờ vào sự hỗ trợ của các phần mềm, một kế toán sẽ mất rất nhiều thời gian để hoàn thành công việc và hiệu quả cũng không đạt như mong muốn.
Kỹ năng phân tích và tổng hợp: Người kế toán thanh toán thường sẽ phải phụ trách khá nhiều đầu mục công việc khác nhau như báo cáo, thu thập chứng từ, ghi chép số liệu và các công việc phát sinh khác. Vì thế họ cần có kỹ năng tổng hợp tốt. Ngoài ra, thu thập và phân tích dữ liệu tài chính là nhiệm vụ quan trọng của kế toán, và là việc làm cần thiết để phát hiện và xử lý các vấn đề tiềm ẩn của doanh nghiệp.
Kỹ năng giao tiếp: Kế toán viên phải có khả năng lắng nghe cẩn thận để thu thập chính xác các dữ kiện và số liệu từ khách hàng, đối tác hoặc người quản lý. Bên cạnh đó, họ cần có khả năng trình bày rõ ràng để báo cáo tình hình tài chính, cũng như để thuyết trình hoặc đưa ra những tư vấn cho nhà quản lý doanh nghiệp.
Ngoài ra, để hoàn thành nhiệm vụ chung, mỗi kế toán thanh toán phải có tinh thần làm việc nhóm, hỗ trợ, hợp tác với các bộ phận kế toán khác nhằm mang lại hiệu quả công việc cao nhất.
Cơ hội nghề nghiệp cho kế toán thanh toán
Hiểu kế toán thanh toán là gì, có thể bạn đã hiểu lí do vì sao đây là công việc có thu nhập khá ổn định và là vị trí đáng mơ ước. Thực tế cho thấy nhu cầu lao động kế toán tăng mạnh qua mỗi năm, mở ra nhiều cơ hội cho những ai theo đuổi ngành nghề này. Riêng kế toán thanh toán là vị trí công việc không quá mới mẻ nhưng ngày càng giữ vai trò quan trọng đối với các doanh nghiệp. Theo đó, cơ hội việc làm cho kế toán thanh toán trên thị trường lao động luôn rộng mở.
Trên thực tế, mỗi doanh nghiệp sẽ có những yêu cầu riêng dành cho kế toán thanh toán tùy vào quy mô và hình thức hoạt động. Tùy theo công việc và công ty, mức lương của kế toán thanh toán dao động từ 7 đến hơn 20 triệu đồng/ tháng. Để ứng tuyển thành công vào vị trí, trước hết bạn cần có bằng cấp chuyên môn: Tốt nghiệp chuyên ngành Tài chính, Kế toán, Kinh tế… từ cấp Cao đẳng trở lên. Nếu có kinh nghiệm làm việc thì sẽ là một lợi thế.
Kế toán thanh toán không khó để tìm việc và hướng phát triển tương lai cũng đầy hứa hẹn. Nếu bạn cố gắng trau dồi năng lực chuyên môn để có kỹ năng nghề nghiệp vững vàng cộng thêm các kỹ năng mềm xuất sắc, bạn có thể ứng tuyển vào những vị trí quan trọng trong các công ty, tập đoàn kinh tế lớn. Lúc đó, bạn sẽ có vai trò và thu nhập đáng mơ ước.
Trên đây là chia sẻ về kế toán thanh toán là gì, công việc cụ thể và yêu cầu cần có. Để tìm được vị trí mong muốn liên quan đến kế toán thanh toán, hãy nhanh tay truy cập vào Careerlink.vn nhé.
Kiều Giang