Kỹ sư cầu nối BrSE là gì? Yếu tố cần có của kỹ sư cầu nối

BrSE là gì? Kỹ sư cầu nối (BrSE) là một nghề nối dài danh mục những lý do khiến chúng ta phải công nhận rằng Công nghệ Thông tin (CNTT) là một ngành học vô cùng lý tưởng.

Ở thời điểm hiện tại, kỹ sư cầu nối là một trong những ngành nghề hot dành cho các bạn trẻ theo đuổi chuyên ngành CNTT khi được làm việc trong môi trường quốc tế, thu nhập cao, nhiều cơ hội phát triển bản thân và thăng tiến trong sự nghiệp. Vậy, kỹ sư cầu nối BrSE là gì? Ngay bây giờ hãy cùng đi tìm câu trả lời nhé!

Kỹ sư cầu nối BrSE là gì? Yếu tố cần có của kỹ sư cầu nối

Kỹ sư cầu nối BrSE là gì?

BrSE là viết tắt của cụm từ Tiếng Anh “Bridge Software Engineer” – một công việc đặc thù trong các công ty sản xuất và cung cấp giải pháp CNTT (outsourcing).

“Nói một cách chính xác, BrSE là người làm việc trực tiếp với khách hàng, chịu trách nhiệm kết nối và truyền đạt yêu cầu của khách hàng đến những người thực hiện kỹ thuật, đảm bảo hai bên hiểu nhau và có thể hợp tác suôn sẻ, thuận lợi trong mỗi dự án.”

Khi truyền đạt yêu cầu của khách hàng cho đội nhà, BrSE sẽ đóng vai trò là người đại diện cho khách hàng. Nhưng khi có vấn đề phát sinh trong quá trình thực hiện dự án, BrSE lại đóng vai trò là người đại diện cho đội nhà để thương lượng các biện pháp khắc phục và thuyết phục khách hàng.

Công việc chính của kỹ sư cầu nối BrSE là gì?

Công việc chính của BrSE sẽ thay đổi theo từng giai đoạn, quy mô, cũng như tính chất của mỗi dự án. Cụ thể như sau:

Công việc hàng ngày

– Quản lý và xử lý email công việc, liên lạc/trao đổi công việc với khách hàng.

– Lập kế hoạch hàng ngày.

– Theo sát và đảm bảo tiến độ dự án.

– Đánh giá công việc và thực hiện báo cáo hàng tuần, hàng tháng theo tiến độ của dự án và yêu cầu của khách hàng.

Công việc trong mỗi dự án

Công việc của kỹ sư cầu nối sẽ thay đổi theo từng giai đoạn của dự án.

– Giai đoạn pilot (chào hàng): vì tính chất bảo mật, BrSE sẽ phải tự mình thực hiện quy trình bao gồm liên hệ khách hàng, nghiên cứu – phân tích yêu cầu của khách hàng, lên kế hoạch, trực tiếp code và test sản phẩm demo để chào hàng.

– Giai đoạn triển khai dự án: Quản lý và giám sát các hoạt động của nhóm; chủ động thay đổi các chiến lược, phương pháp để tăng năng suất, chất lượng dự án; đảm bảo dự án thực hiện đúng yêu cầu, tiến độ và đạt kì vọng của khách hàng đồng thời liên tục cập nhật tiến độ và thương lượng với khách hàng khi có vấn đề phát sinh.

– Giai đoạn kết thúc dự án: Tổng kết, thử nghiệm sản phẩm trước khi gửi đến khách hàng.

Những khó khăn của kỹ sư cầu nối BrSE là gì?

Công việc nào cũng có những thử thách nhất định, vậy khó khăn của kỹ sư cầu nối BrSE là gì?

Trở ngại về ngôn ngữ

Khách hàng 100% là doanh nghiệp nước ngoài (chủ yếu là Nhật Bản) nên sẽ phải giao tiếp hoàn toàn bằng ngôn ngữ khác (không phải tiếng mẹ đẻ).

Trở ngại về khoảng cách

Khoảng cách về địa lý khiến kỹ sư cầu nối chỉ có thể liên lạc với khách hàng qua email, Skype…, dẫn đến những khó khăn và hạn chế nhất định so với hình thức gặp mặt trao đổi trực tiếp.

Chênh lệch múi giờ

Nếu khách hàng ở khu vực Châu Á thì sẽ ít bị ảnh hưởng hơn nhưng nếu bạn phải làm việc với những khách hàng ở bên kia địa cầu thì sẽ gặp khó khăn/chậm trễ trong thời gian họp hay trao đổi thông tin giữa các bên.

Những kỹ năng cần có để trở thành kỹ sư cầu nối BrSE

Kỹ năng code

Một số vị trí BrSE đặc biệt chỉ thiên về thông dịch sẽ không yêu cầu kỹ năng code. Tuy nhiên, để trở thành một BrSE đích thực, có thể đảm nhận những dự án trị giá triệu đô thì bạn buộc phải biết code, thậm chí là code giỏi để có thể hiểu tường tận mọi quá trình và có thể tự mình thực hiện/giám sát quá trình đó.

Giỏi ngoại ngữ

Tùy thị trường (khách hàng của bạn ở đâu), bạn sẽ phải giỏi loại ngôn ngữ tương ứng. Tuy nhiên, thông thạo ít nhất 2 ngoại ngữ (Tiếng Anh và ngôn ngữ của khách hàng) sẽ giúp ích cho bạn vô cùng nhiều trong quá trình làm việc.

Kỹ năng giao tiếp

Là người đóng vai trò cầu nối, bạn bắt buộc phải có kỹ năng giao tiếp để duy trì mối quan hệ hòa hảo, tốt đẹp giữa 2 bên, tránh mọi xung đột có thể xảy ra.

Kỹ năng tự học

Không ai là “giáo sư biết tuốt” và trong công việc không ai có trách nhiệm phải dạy bạn cách làm việc. Thế nên, kỹ năng tự vô cùng quan trọng đối với một kỹ sư cầu nối. Tự học qua sách vở. tài liệu, tự học thông qua quan sát và học hỏi từ những đàn anh, đàn chị trong nghề. Nói tóm lại, cách thức nào có thể giúp bạn học hỏi bạn đều phải tận dụng một cách tối đa.

Cơ hội nghề nghiệp và mức lương của kỹ sư cầu nối BrSE

Thông thường, để trở thành một BrSE bạn phải có ít nhất 3 năm kinh nghiệm, những kỹ sư cầu nối mới vào nghề đều được coi là Fresher. Lúc đó bạn sẽ được làm việc với các BrSE có kinh nghiệm với mức lương khoảng 2000 đô la/tháng.

– Khi có 1-2 năm kinh nghiệm, bạn sẽ trở thành kỹ sư cầu nối cấp độ 1 và có thể tự mình đảm nhận các công việc. Mức lương của bạn cũng sẽ tăng lên mức 2000-3000 đô la/tháng.

– Ở cấp độ 2 – tương đương một trưởng phòng nhỏ, BrSE cần phải nâng cao kỹ năng xử lý tình huống và kỹ năng giao tiếp, mức lương cho cấp độ này rơi vào khoảng 3000-4000 đô la/tháng.

– Đến cấp độ 3, BrSE không chỉ đủ năng lực làm việc cá nhân mà còn có khả năng lập kế hoạch, làm việc với khách hàng và tham gia ký kết hợp đồng. Mức lương khoảng 4000-6000 đô la/tháng.

– Khi đã có nhiều năm kinh nghiệm trong nghề và đạt được những thành tựu nhất định, bạn chính là BrSE cấp 4, có đủ khả năng và điều kiện để thành lập công ty của riêng mình. Lúc này, mức lương của BrSE sẽ dựa trên lợi nhuận thu được từ các dự án.

Kỹ sư cầu nối BrSE là một ngành nghề hot, chính vì vậy mà công việc này đòi hỏi ở bạn rất nhiều kỹ năng. Theo dõi đến đây chắc hẳn bạn đã hiểu kỹ sư cầu nối BrSE là gì và làm thế nào để trở thành một kỹ sư cầu nối giỏi đúng không nào? Nếu đang tìm việc kỹ sư cầu nối BrSE, hãy truy cập ngay CareerLink.vn nhé.

Trang Đoàn

Sao chép thành công