Gian truân nghề kế toán – chỉ người trong cuộc mới thấu

“Chị kế toán hết đẻ lại đi công tác” là câu chuyện buồn không của riêng ai mỗi khi đến mùa… đòi nợ. Thế nhưng mấy ai hiểu cho rằng, thật lòng chị kế toán chẳng muốn thiếu nợ ai đâu, chỉ là vì đủ lý do, sếp của chị vẫn chưa duyệt chi tiền. Vậy đó, cứ nghĩ nghề kế toán nhàn lắm, lại có biệt tài khất nợ, ai hay sâu trong lòng chị là một trái tim mạnh mẽ với kỹ năng thần sầu: chiến thắng các thử thách.

Nghề kế toán và những thử thách không phải ai cũng có thể vượt qua

“Mỗi ngành nghề đều có những thách thức riêng. Nghề kế toán cũng không ngoại lệ”

Khối lượng công việc lớn, áp lực công việc cao

Người ngoài chỉ thấy kế toán là công việc bàn giấy, về cơ bản cũng nhàn. Thực ra công việc của một kế toán chẳng hề nhàn nhã như người ta vẫn nghĩ. Từ kiểm kho, ghi xuất, nhập tồn, phát lương đến in hóa đơn, làm các thủ tục thanh toán đều một tay kế toán lo liệu.

Đặc biệt, cuối tháng, cuối quý, cuối năm là thời điểm bận rộn nhất của nghề kế toán khi phải tổng hợp giấy tờ, sổ sách, hóa đơn; lập báo cáo tài chính; làm báo cáo thuế và chuẩn bị chu toàn cho mùa kiểm toán. Lại thêm tính chất công việc đòi hỏi sự chính xác tuyệt đối khiến kế toán luôn phải tập trung cao độ và làm việc trong trạng thái căng như dây đàn. Lúc này, tăng ca xuyên màn đêm hay ngôi nhà cũng trở thành văn phòng làm việc, luôn xuất hiện với gương mặt hầm hầm, gắt gỏng với người thân, lạnh lùng với hàng xóm hoàn toàn không phải điều gì xa lạ.

Gắn bó với nghề kế toán 8 năm, chị Vân Phạm cảm thán: “Tháng 2, 3 kế toán chạy trối chết, chủ nhật cũng phải vùi đầu vào kho số liệu cho kịp thời hạn. Là nghề gắn liền với những con số, với những báo cáo tài chính quan trọng, hiển nhiên công việc của một kế toán cần sự cẩn thận, tỉ mỉ. Nhiều lúc chăm chăm chú chú vào các bảng tính, vào các con số mà cứ tưởng đang bay vào vũ trụ. Đóng sổ sách lại còn hoang mang không biết lối ra. Ấy vậy mà sai 1 số là đền tiền, không nói nhiều”.

Sếp lạnh nhạt, đồng nghiệp xa lánh, đối tác kỳ thị

 Mọi người có lí do khi nói kế toán vô cảm, khó khăn, tính toán chi li nhưng có ai biết đâu họ cũng có những cái khó riêng.

Trong thời buổi kinh tế thị trường, không ít doanh nghiệp đã thực thi những chính sách tối ưu hoá chi phí thông qua việc cắt giảm nhân sự và thắt chặt mọi khoản chi tiêu trong doanh nghiệp. Việc tối ưu chi phí đạt được hiệu quả đến đâu phụ thuộc rất nhiều vào kỹ năng tính toán đôi khi chi li đến mức khiến đồng nghiệp phải cau mày khó chịu đến từ vị trí của “chị kế toán”. Khó ở chỗ, sếp muốn cắt giảm chi phí nhưng hoàn toàn không muốn ảnh hưởng đến hiệu suất công việc. Kiểu này chị kế toán lại được một phen đau đầu không thôi.

Chị Bích Thủy, kế toán thanh toán chia sẻ: “Chỉ riêng việc thanh toán công tác phí mà mình nghe không biết bao nhiêu lời phàn nàn. Ghi giá cao một chút cho các bạn thì sếp bắt bẻ “Em tính như vậy thì tự lấy tiền của mình mà trả. Tiền không phải của em nên em muốn tính bao nhiêu cũng được à?”. Soi như sếp thì các bạn lại tỏ thái độ “Có mấy đồng bạc lẻ mà cũng chi li. Thế này ai dám đi công tác nữa”. Mình ở giữa chỉ biết cười khổ”.

Còn bạn Lê An, kế toán nội bộ thì tâm sự rằng: “Mọi người bảo kế toán nhàn lắm, cuối tháng chỉ có đưa lương nên việc gì cũng đến tay. Có lúc cao điểm phải giúp sales nghe điện thoại, phụ kho đóng hàng. Đến kỳ thuế, hiếm lắm mới có người muốn phụ một tay nhưng làm sao dám đồng ý”.

“Đến kỳ trả lương cũng nào được yên. Làm bảng lương sớm thì sếp cằn nhằn đã đến ngày đâu, đến ngày làm không kịp thì bị mắng sao làm mãi chả xong. Hệ thống ngân hàng bị lỗi chưa chuyển lương trong buổi sáng thì đầu giờ chiều đã có người gõ cửa hỏi sao chưa nhận được. Chuyển sớm thì than có tiền lại tiêu hết, chuyển trễ 1-2 ngày thì trách móc chắc phải sống bằng niềm tin, biến không khí thành thức ăn, chạy xe bằng nước lã…” – Chị Thanh Hiền, kế toán tổng hợp trút nỗi lòng.

“Lúc khất nợ ai cũng thấy, khi xin tiền trả nợ chẳng ai hay” là chia sẻ của bạn Hồng Anh về khía cạnh khác của nghề kế toán. Bạn kể “Ai cũng nói kế toán công nợ phải mặt dầy mà tự nghĩ mặt mình cũng dầy thật. Đòi 1 lần không được thì đòi nhiều lần, sáng gọi chiều gọi, liên tục 4,5 ngày như thế mình mới nhận được 4 triệu trả trước. Mừng rớt nước mắt. Nhưng nước mắt có rơi vì mừng cũng có khi rơi vì sầu. Đòi người hôm trước hôm sau người đòi. Những lúc chưa xoay kịp tiền thì mỗi tiếng chuông điện thoại vang lên là mỗi lần giật mình thon thót. Lúc này kế toán sẽ vào vai một bà bầu đi đẻ hay đi công tác ở nơi xa xăm sóng điện thoại phủ không tới là chuyện cơm bữa”.

 Cám dỗ giăng khắp mọi nơi

Trong công tác kế toán, có rất nhiều lỗ hổng để một kế toán viên có thể “trục lợi”. Càng là một kế toán “lão làng”, việc trục lợi lại càng dễ dàng. Mị lực của đồng tiền thực sự không nhỏ và càng nhiều tiền thì con người ta càng dễ gục ngã. Theo báo cáo của Hiệp hội Điều tra Gian lận Hoa Kỳ (ACFE), trung bình mỗi doanh nghiệp mất khoảng 5% doanh thu vì các hành vi gian lận của bộ phận kế toán.

Một lần tặc lưỡi cho qua đều có thể mang lại một nguồn lợi. Khi làm được một lần, nhiều người sẽ nghĩ mọi chuyện đơn giản và sẽ có lần thứ 2, thứ 3… thứ n. Khi đó, việc chịu trách nhiệm chỉ còn là may rủi hoặc khi nào mà thôi. Giữa những cám dỗ này, giữ tâm thuần tịnh mới là điều đáng quý.

Vậy đấy, trăm đắng ngàn cay nghề kế toán, có ai thấu, có ai hay? Thế nên nếu chị kế toán có lỡ khất nợ ít hôm với lý do “nghỉ đẻ” hay “đi công tác” thì xin hãy hiểu và cảm thông cho chị vì thật tâm chị chẳng muốn thiếu nợ ai đâu.

Trang Đoàn

Sao chép thành công