Có nhiều ứng viên chia sẻ rằng họ đã nộp rất nhiều hồ sơ xin việc và đã rất thất vọng về kết quả: không có bất kỳ lời mời phỏng vấn và cũng không nhận được thư mời nhận việc. Rất có thể, vấn đề của họ là vội vàng nộp CV sau khi đọc xong tiêu đề, mô tả công việc và yêu cầu mà thiếu sự cân nhắc, xem xét. Để đảm bảo vị trí ứng tuyển phù hợp với bạn và tăng cơ hội tìm được việc, trước khi đưa ra quyết định ứng tuyển hãy tự hỏi mình những điều sau đây.
1. Vị trí đó có phù hợp với kế hoạch nghề nghiệp dài hạn của tôi không?
Mỗi công việc nên là một bước đệm hướng tới sự nghiệp lâu dài của bạn. Khi đánh giá về vị trí ứng tuyển, hãy cân nhắc xem nó có giúp bạn xây dựng đúng kỹ năng cho công việc mơ ước hay không. Ngay cả khi bạn đang tìm kiếm công việc bán thời gian để trang trải chi phí thì cũng nên tìm các cơ hội cho phép bạn làm việc trong ngành nghề mục tiêu hoặc tạo điều kiện thuận lợi để bạn bước vào lĩnh vực muốn theo đuổi trong tương lai.
Nếu bạn đã lên kế hoạch nghề nghiệp và đang tìm kiếm một công việc toàn thời gian, hãy cân nhắc xem công việc có phát huy các thế mạnh của bạn hoặc sẽ giúp bạn nâng cao thêm bất kỳ kỹ năng nào mới không. Không nên ứng tuyển một công việc mà bạn biết rằng sẽ khiến mình cảm thấy buồn chán, không có động lực hay đơn giản là thất vọng.
2. Tôi có đáp ứng được các yêu cầu không? Tôi có thừa khả năng hay chưa đáp ứng được vai trò này?
Trước khi quyết định nộp đơn, hãy đọc thật kỹ mô tả và yêu cầu công việc. Bạn đáp ứng được bao nhiêu phần trăm trong số đó. Thông thường, nếu đáp ứng khoảng 80% yêu cầu, hãy nộp đơn vào vị trí đó.
Ngoài ra cũng cần đặc biệt chú ý đến số năm kinh nghiệm được yêu cầu. Nếu nhà tuyển dụng đang tìm kiếm một người có 3-5 năm kinh nghiệm trong khi bạn vừa tốt nghiệp với ít hoặc không có kinh nghiệm thực tập liên quan, công việc đó không phù hợp với bạn. Đồng thời cũng không nên nộp đơn nếu bạn đã có hơn 10 năm kinh nghiệm. Bởi số năm kinh nghiệm cho thấy mức độ trách nhiệm mà vị trí đó cần có và phạm vi lương mà công ty sẵn sàng chi trả. Nếu đáp ứng các điều kiện công việc, có thể bạn sẽ nhận được mức lương thấp hơn. Ngoài ra, nhà tuyển dụng có thể cho rằng bạn sẽ cảm thấy buồn chán ở vị trí này và nhảy việc ngay khi có cơ hội tốt hơn. Nếu ứng tuyển sẽ là một sự lãng phí thời gian của bạn và của chính họ.
3. Tôi biết gì về văn hóa công ty?
Có thể bạn đã đáp ứng được tất cả yêu cầu cho công việc nhưng nếu không phù hợp với văn hóa thì bạn cũng sẽ khó thành công. Hãy xem xét môi trường làm việc của công ty mà bạn đã từng hợp tác trong quá khứ để hiểu được môi trường công ty nào sẽ phù hợp với bạn. Hãy tìm hiểu về công ty trên trang web, thông qua mạng xã hội và các mối quan hệ để đảm bảo rằng việc ứng tuyển vào công việc đó sẽ xứng đáng với thời gian bạn bỏ ra nhé.
4. Đường đi làm có hợp lý không?
Nếu bạn chọn công ty này, bạn sẽ đi làm như thế nào? Bạn mất bao lâu để đến văn phòng? Bạn có cần phải thay đổi chỗ ở vì công việc ứng tuyển?… Mặc dù rất yêu thích công việc nhưng hãy thực tế. Nếu đường đi quá xa sẽ làm ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của bạn. Do đó, hãy đảm bảo tuyến đường đi làm khả thi trước khi bạn ứng tuyển.
5. CV được thiết kế có liên quan đến công việc ứng tuyển không?
Sử dụng cùng một CV để ứng tuyển cho nhiều công việc khác nhau sẽ không giúp ích gì cho cơ hội nghề nghiệp của bạn. Do đó, bạn cần dành nhiều thời gian điều chỉnh cho phù hợp với vai trò ứng tuyển, cụ thể là các kỹ năng và kinh nghiệm được thiết kế phù hợp với mô tả công việc. Nếu CV của bạn chưa thể hiện sự nổi bật, đây là lúc nên thay đổi. Một CV được sắp xếp lộn xộn thể hiện sự cẩu thả và không chuyên nghiệp, đó là dấu hiệu của sự thất bại khi nộp đơn xin việc.
Hoàng Oanh