6 kỹ năng cần có trong CV chăm sóc khách hàng

Nếu đang tìm kiếm một công việc trong ngành dịch vụ khách hàng, bạn cần chắc rằng mình có một CV chăm sóc khách hàng mạnh mẽ để nổi bật so với đối thủ và cung cấp chính xác những gì nhà tuyển dụng tiềm năng đang tìm kiếm. Điều này đặc biệt quan trọng vì các nhà tuyển dụng rất bận rộn và không có thời gian để đọc từng câu chữ trên CV của bạn. Vì vậy, bạn cần tập trung vào việc quảng cáo bản thân một cách nhanh chóng.

Một trong những yếu tố quan trọng nhất mà các nhà tuyển dụng sẽ tìm kiếm là các kỹ năng chăm sóc khách hàng thiết yếu. Tuy nhiên, bạn không chỉ nên liệt kê chúng mà còn cần đưa ra bằng chứng về việc sử dụng và kết quả đạt được. Dưới đây là sáu kỹ năng cần thiết cho CV ứng tuyển vào vị trí chăm sóc khách hàng, hãy cùng tham khảo nhé.

Giao tiếp

Giao tiếp rất quan trọng để làm việc trong ngành dịch vụ khách hàng, vì bạn sẽ dành gần như cả ngày để nói chuyện với khách hàng. Thông tin bạn đưa ra cần phải rõ ràng và bạn cần có khả năng giao tiếp với nhiều người khác nhau thông qua nhiều phương tiện như viết hoặc nói…

Để chứng minh bạn có những kỹ năng này, bạn cần đưa ra bằng chứng về các kỹ năng giao tiếp tuyệt vời trong các vai trò trước đây của mình. Bất kỳ ví dụ nào về việc bạn đảm nhận vị trí là người đứng đầu một nhóm hoặc xử lý ổn thỏa phàn nàn của khách hàng trong quá khứ cũng có thể là một bằng chứng thuyết phục cho kỹ năng này.

Xây dựng mối quan hệ

Bạn cần nhớ rằng mục đích của dịch vụ khách hàng là đảm bảo khách hàng hài lòng với cách doanh nghiệp xử lý nhu cầu của họ. Bạn không chỉ cần giải quyết vấn đề của họ mà còn đảm bảo rằng họ sẽ quay lại để mua hàng hoặc sử dụng dịch vụ thêm nhiều lần nữa.

Như vậy, CV của bạn cần cho thấy rằng bạn có thể tạo nên những mối quan hệ tuyệt vời. Một ví dụ như “Tỉ lệ khách hàng cũ quay lại mua hàng là 85%, cao hơn mức trung bình của công ty là 45%” sẽ rất hữu ích. Điều này cho thấy bạn có kỹ năng tạo mối quan hệ tốt với mọi người và nhiệt tình hỗ trợ họ.

Kỹ thuật

Làm việc trong ngành dịch vụ khách hàng đòi hỏi bạn phải sử dụng phần mềm và thiết bị cụ thể giúp nâng cao khả năng giúp đỡ khách hàng. Ngoài các công cụ Microsoft Office thông thường, bạn sẽ cần phải thích ứng với phần mềm hỗ trợ khách hàng mà công ty bạn quyết định áp dụng.

Bạn có thể truyền đạt kỹ năng kỹ thuật vào CV bằng cách trình bày “Đã đào tạo hai nhân viên mới về cách sử dụng phần mềm X, nhập dữ liệu khách hàng và sắp xếp nhật ký tương tác của khách hàng”. Bên cạnh việc cho thấy bạn có thể sử dụng phần mềm cụ thể thì bạn còn đào tạo các nhân viên khác. Đây là một điểm cộng rất lớn vì nó cho thấy tiềm năng quản lý của bạn.

Bán hàng

Đối với ngành nghề dịch vụ khách hàng, nhà tuyển dụng xem đây là một yếu tố khá quan trọng. Cho dù bạn sử dụng điện thoại hay nói chuyện trực tiếp với khách hàng, bạn sẽ cần phải trả lời các câu hỏi của họ, xử lý các yêu cầu của họ và sau đó hướng họ đến việc mua hàng. Đây là một phần quan trọng của việc trở thành một chuyên viên dịch vụ khách hàng.

Để cho thấy bạn có khả năng thực hiện điều này trên CV, bạn nên làm nổi bật bất kỳ công việc bán hàng nào mà bạn đã làm trong quá khứ. Nếu bạn không có kinh nghiệm này, thì khả năng thuyết phục có thể là điểm thu hút tuyệt vời. Bán hàng là việc bạn thuyết phục ai đó đi theo quan điểm của bạn đến mức họ muốn mua những gì bạn cung cấp. Do đó, bất kỳ bằng chứng bạn đã thành công khi tranh luận sẽ là lợi thế rất lớn.

Kỹ năng quản lý thời gian

Là một nhân viên dịch vụ khách hàng, bạn không chắc rằng sẽ hỗ trợ một khách hàng vào lúc nào và trong thời gian bao lâu. Do đó, kỹ năng quản lý thời gian rất có ích. Bạn cần biết cách cân bằng nhiều nhiệm vụ cùng lúc và giải quyết tất cả chúng một cách kịp thời. Một ví dụ về kỹ năng quản lý thời gian mà bạn có thể tham khảo như sau “Xử lý hơn 90 cuộc gọi mỗi ngày, với các nhiệm vụ bao gồm nhập thông tin khách hàng mới, truy xuất dữ liệu khách hàng, trình bày thông tin sản phẩm có liên quan và hủy dịch vụ”. Để xử lý hơn 90 cuộc gọi hàng ngày đòi hỏi phải có kỹ năng quản lý thời gian đặc biệt. Nhà tuyển dụng biết rằng nếu không có khả năng sử dụng hiệu quả thời gian của mình, ứng viên sẽ không làm việc hiệu quả hoặc đạt được con số này. Điều này giải thích vì sao đó là một điểm nhấn kinh nghiệm hiệu quả.

Giải quyết vấn đề

Khi một khách hàng tìm đến bạn để giải quyết vấn đề, bạn cần có các kỹ năng xử lý một cách hiệu quả, bất kể đó là vấn đề gì. Làm thế nào để truyền đạt vấn đề giải quyết các kỹ năng trong CV của bạn? Đây là gợi ý dành cho bạn, “Chủ động nghiên cứu các vấn đề phức tạp khách hàng có thể gặp phải để cung cấp một dịch vụ chất lượng hơn”. Vì các nghiên cứu được thực hiện mà không cần nhắc nhở nên nó cho thấy sự chủ động và điều này thể hiện rằng bạn là một nhân viên có nhiều tiềm năng.

 

Pha Lê


 

Sao chép thành công