7 lí do nhân viên không tin tưởng nhà quản lý

Là nhà quản lý, bạn phải nhận thức được các yếu tố khiến nhân viên không tin tưởng và các bước cần thực hiện để ngăn chặn điều đó. 

Nếu muốn nhân viên đi theo bạn, trước tiên bạn cần có được sự tin tưởng của họ. Khi nhân viên hoàn toàn tin tưởng vào người quản lý, họ sẽ nỗ lực nhiều hơn, làm việc đạt năng suất cao hơn và gắn bó với doanh nghiệp lâu hơn. Niềm tin là một vấn đề phức tạp đòi hỏi nhiều thời gian tìm hiểu nhưng với vai trò nhà quản lý, bạn có thể không có được sự tin tưởng của nhân viên vì những lý do sau.

Nói một đằng làm một nẻo

Không gì có thể phá hủy lòng tin hơn là một nhà quản lý không thể hiện được hành vi mà họ yêu cầu được nhìn thấy ở nhân viên. Chứng kiến một người nói thế này nhưng lại làm thế khác – trong bất kỳ khía cạnh nào trong cuộc sống của chúng ta – đều mang đến cảm giác bị lừa dối. Làm sao nhân viên có thể tin tưởng một nhà quản lý nói về điều này nhưng lại làm một điều hoàn toàn khác? Nếu bạn mong muốn có được sự tin tưởng từ nhân viên, hãy dẫn dắt họ bằng cách thực hiện các hành vi mà bạn đang đòi hỏi từ họ. Chẳng hạn, nếu bạn muốn nhân viên luôn luôn đúng giờ, bạn phải luôn là người đúng hẹn. Nếu không, bạn sẽ bị đánh giá là một người chỉ biết nói suông và dĩ nhiên điều này sẽ khiến nhân viên không tin tưởng bạn. 

Không giữ lời hứa

Không tuân thủ các cam kết mà bạn đưa ra cho nhân viên cấp dưới là một trong những cách nhanh nhất để đánh mất niềm tin. Nếu bạn hứa sẽ làm một điều gì đó cho nhân viên của mình, bất kể lớn hay nhỏ, và sau đó không thực hiện, thì chắc chắn niềm tin vào bạn và doanh nghiệp sẽ xấu đi. Ngay cả khi bạn có ý định tốt khi đưa ra đề nghị hoặc cam kết thực hiện điều gì đó nhưng không làm theo, thì nhân viên cũng sẽ không tin tưởng bất kỳ cam kết nào của bạn trong tương lai. Thế nên, chỉ hứa những điều bạn có thời gian, khả năng, thẩm quyền và nguồn lực để thực hiện.

Không chịu trách nhiệm

Một người quản lý không đứng ra chịu trách nhiệm khi có vấn đề xảy ra sẽ không bao giờ nhận được lòng tin của nhân viên. Có những lúc bạn sẽ không hoàn hảo và đưa ra quyết định kém hiệu quả nhưng đừng tìm mọi cách để đổ lỗi cho bất kỳ ai. Thay vào đó, bạn cần chấp nhận rằng mình đã sai lầm và cố gắng khắc phục vấn đề.

Văn hóa chịu trách nhiệm là điều quan trọng ở nơi làm việc, tuy nhiên bạn cần đảm bảo rằng điều này áp dụng cho tất cả mọi người, bao gồm cả bạn. Rất nhiều nhà quản lý cảm thấy rằng thừa nhận sai lầm sẽ khiến nhân viên ít tin tưởng họ hơn nhưng thực tế lại là ngược lại. Càng thể hiện sự dũng cảm nhận trách nhiệm, bạn càng có nhiều cơ hội để xây dựng lòng tin với nhân viên.

Thiếu đào tạo và hỗ trợ

Khi nhân viên không được đào tạo hoặc hỗ trợ cần thiết, họ sẽ cảm thấy rằng cấp trên không đầu tư vào họ. Họ sẽ cảm thấy bế tắc trong công việc, không có bất cứ cơ hội nào để phát triển hay thăng tiến và do đó mức độ tự tin và hi vọng vào lãnh đạo công ty cũng theo đó mà giảm đi. Theo thời gian, điều này sẽ biến thành mức độ tin cậy thấp. Nhân viên sẽ không lạc quan về tương lai, không nhiệt tình cải thiện mọi thứ và không tin rằng cấp trên sẽ thông cảm cũng như hỗ trợ họ. Điều này không chỉ làm tổn thương niềm tin mà còn ảnh hưởng đến tinh thần và sự gắn kết của nhân viên.

Ngày nay, nhân viên luôn tìm kiếm cơ hội học tập và cơ hội để phát triển trong công ty, vì vậy việc cần làm là đầu tư vào nhân viên của bạn, thảo luận về các điểm mạnh và kỹ năng mà họ muốn cải thiện và đưa ra kế hoạch phát triển cá nhân chi tiết. Cung cấp các khóa đào tạo, các công cụ và cho nhân viên thấy những bước họ cần thực hiện để leo lên nấc thang của công ty cũng như cho thấy bạn đứng về phía họ sẽ mang đến hiệu quả đáng kể trong việc cải thiện mức độ tin cậy.

Không công bằng

Ưu tiên một nhân viên hơn những người khác, đặc biệt là khi tăng lương, thăng chức hoặc thậm chí trò chuyện nhiều hơn cũng tạo ra sự bất bình trong đội nhóm. Mặc dù biết rằng có thiện cảm với ai đó hơn một vài người khác là điều hoàn toàn tự nhiên nhưng nhà quản lý có trách nhiệm đối xử công bằng với mọi người. Đồng thời bạn cũng cần thiết lập các chỉ tiêu và kỳ vọng rõ ràng cho từng nhân viên để dựa vào đó đưa ra đánh giá khách quan trong quá trình làm việc và tránh được các hiểu lầm không đáng có.

Thiếu minh bạch

Có những điều mà các nhà quản lý luôn né tránh, chủ yếu là do sợ người khác phát hiện ra thông tin quan trọng hoặc bí mật kinh doanh có thể gây hậu quả bất lợi cho công ty.

Tuy nhiên, đối với nhân viên, bạn cần có một cách tiếp cận khác. Thay vì giữ bí mật hoặc làm sai lệch thông tin, hãy thể hiện sự minh bạch và trung thực đối với nhân viên. Bạn sẽ sớm thấy rằng nhân viên nhiệt tình hơn với các mục tiêu kinh doanh và có động lực nhiều hơn để đạt được các mục tiêu đó. Nhân viên cũng sẽ cảm thấy hạnh phúc hơn trong công việc bởi họ có một người quản lý thúc đẩy tinh thần tuyệt vời và điều đó sẽ khuyến khích cảm giác an toàn và tin tưởng.

Thiếu giao tiếp

Nhân viên sẽ không tin tưởng quản lý của họ khi họ không có mối quan hệ tốt với người quản lý. Nhân viên cần hiểu nhà quản lý, làm quen với các giá trị của họ và hiểu rằng toàn bộ nhóm đang làm việc hướng tới cùng mục tiêu. Điều này sẽ không xảy ra nếu không giao tiếp thường xuyên.

Do đó, bạn cần dành thời gian để phát triển mối quan hệ với mỗi nhân viên, điều này sẽ tạo ra sự khác biệt đáng kể đối với mức độ gắn kết của nhân viên và niềm tin nói chung. Nếu có nhiều cuộc trò chuyện hơn giữa bạn và nhân viên, nhiều khả năng nhân viên của bạn sẽ cảm thấy thoải mái khi tiếp cận bạn để được tư vấn và hỗ trợ.

Là người quản lý, nếu bạn không nhận được sự tin tưởng của nhân viên, điều đó có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển và tăng trưởng của doanh nghiệp. Khi nhân viên bắt đầu hình thành cảm giác không tin tưởng vào cấp trên của mình, họ sẽ không còn động lực, tinh thần làm việc giảm sút và trường hợp xấu nhất, họ có thể rời đi.

Vì vậy, điều quan trọng là bạn phải nhận thức được các yếu tố có thể khiến nhân viên không tin tưởng và các bước cần thực hiện để ngăn chặn điều đó. Bằng cách này, bạn sẽ đảm bảo nhân viên của mình nỗ lực hơn và bạn đang làm việc như một nhóm để thúc đẩy doanh nghiệp tiến lên.

Huỳnh Trâm 4/2020

Sao chép thành công