Mục Lục
- Và để xác định các nhân viên có tố chất lãnh đạo, theo kinh nghiệm của tôi, đầu tiên hãy quan sát khả năng giao tiếp của họ.
- Nhân viên của bạn có ai luôn hết mình vì công việc và đóng góp những ý tưởng mới mẻ không? Có thể đó là người có tiềm năng quản lý rất cao.
- Khi tìm người ở vị trí quản lý, một gợi ý khác là xem ai có thể thích ứng tốt với sự thay đổi
- Một nhóm hay doanh nghiệp được lãnh đạo bởi người thiếu trí tuệ cảm xúc sẽ không thể tồn tại trong làn sóng của môi trường kinh doanh phức tạp.
- Một câu hỏi cũng cần đặt ra khi xác định ai đó có tố chất lãnh đạo, đó là họ được đồng nghiệp tôn trọng hay không.
- Vừa là học sinh, vừa là giáo viên là dấu hiệu nhận biết cuối cùng của nhân viên có tiềm năng lãnh đạo mà tôi muốn nhắc đến trong bài viết hôm nay.
Các nhà quản lý giỏi là “ngọc ngà châu báu” đối với bất kỳ doanh nghiệp nào. Họ có thể giúp nhóm làm việc hăng say và kiểm soát công việc kinh doanh hàng ngày diễn ra suôn sẻ mà không gặp bất kỳ trở ngại nào. Miễn là có những nhà quản lý tuyệt vời đồng hành, tương lai của doanh nghiệp sẽ không phải lo sợ về “bóng tối”.
“Trước khi tìm kiếm nhân tài bên ngoài, nhiều công ty hàng đầu luôn chú ý đến nhân viên nội bộ, đặc biệt là những người có tố chất lãnh đạo.”
Một trong nhiều lợi ích tuyệt vời của việc chọn ra người quản lý trong đội ngũ nhân viên là họ biết rõ công ty, họ cũng quá thành thạo các quy trình, hệ thống và văn hóa làm việc.
Nhưng làm cách nào để nhận diện một nhân viên có tiềm năng cao hơn những người còn lại? Chị Lương Thị Phương Anh, Trưởng phòng Nhân sự đã có chia sẻ về các đặc điểm mà hầu hết những nhân viên này sẽ thể hiện.
Khi nghe thấy từ “quản lý”, đôi khi chúng ta có thể liên tưởng đến hình ảnh của một người có quyền áp đảo trong cuộc họp, khăng khăng bảo vệ ý tưởng của mình và không cho ai khác có cơ hội lên tiếng. Nhưng ồn ào nhất không khiến bạn trở thành người thông minh nhất hay một nhà quản lý thực thụ. Kiểu quản lý mà chúng ta đang nói đến là người chỉ mang lại giá trị cho nhóm. Có họ ở bên sẽ tốt cho tất cả mọi người – cho cả doanh nghiệp và những người làm việc cùng.
Và để xác định các nhân viên có tố chất lãnh đạo, theo kinh nghiệm của tôi, đầu tiên hãy quan sát khả năng giao tiếp của họ.
Tầm quan trọng của kỹ năng giao tiếp đã được thực tế chứng minh trong rất nhiều năm qua. Các kỹ năng nghe nói đọc viết được yêu cầu ở tất cả các cấp, không phân biệt chức danh. Nhưng trong khi những người khác có thể giao tiếp ở mức bình thường thì các nhà quản lý phải là người đặc biệt giỏi. Tại sao vậy? Bởi họ cần truyền đạt mục tiêu cho nhân viên một cách rõ ràng và chính xác. Hơn nữa, họ cần truyền cảm hứng cho người khác và có những bài cổ vũ tinh thần ý nghĩa khi tình hình khó khăn.
Không chỉ giỏi về khả năng giao tiếp bằng lời nói mà họ cũng là người giỏi về giao tiếp phi ngôn ngữ. Điều mà tôi muốn nói đến là kỹ năng lắng nghe tích cực, để mọi người có cơ hội bày tỏ suy nghĩ và ý kiến riêng (chứ không phải lớn tiếng áp đảo để cho là mình đúng). Lắng nghe quan điểm của người khác và sau đó rút ra kết luận là đặc điểm của các nhà quản lý thực thụ. Nếu bạn mong muốn một người như thế thì nhất định không nên xem nhẹ kỹ năng giao tiếp của họ.
Nhân viên của bạn có ai luôn hết mình vì công việc và đóng góp những ý tưởng mới mẻ không? Có thể đó là người có tiềm năng quản lý rất cao.
Những nhân viên có tố chất lãnh đạo không chỉ đơn giản là có mặt đúng giờ, làm việc được giao hết giờ xách giỏ ra về. Họ xuất hiện và tìm những cách mới mẻ hơn để tạo ra tác động giúp ích cho thành công chung của công ty. Khả năng suy nghĩ vượt trội và giải quyết vấn đề sáng tạo có thể biến một cuộc xung đột căng thẳng cao độ chỉ còn là một rắc rối nhỏ. Và khi mang trong mình tinh thần đó vào vị trí quản lý, họ có thể truyền cảm hứng cho nhân viên làm theo.
Khi tìm người ở vị trí quản lý, một gợi ý khác là xem ai có thể thích ứng tốt với sự thay đổi
Chúng ta không thể biết điều gì có thể xảy ra trong cuộc sống của mình và trong kinh doanh cũng vậy. Các doanh nghiệp có thể xuống dốc và trỗi dậy bất cứ lúc nào, đồng thời các nhiệm vụ và dự án có thể thay đổi trong tích tắc. Vì điều này mà chúng ta cần những cá nhân thích ứng tốt với sự thay đổi.
Trong những lần công ty có sự thay đổi về chính sách hoặc quy trình sản xuất, sau khi lắng nghe lí do thuyết phục thì nhân viên nào vui vẻ chấp nhận và tìm cách thích ứng nhanh nhất cũng như khuyến khích người khác làm điều tương tự? Hãy nhớ đến họ khi công ty có nhu cầu về người quản lý mới.
Một người có thể thích nghi tốt với sự thay đổi sẽ đảm bảo rằng không có thời gian hoặc nguồn lực nào bị lãng phí. Doanh nghiệp của bạn sẽ hưởng lợi rất nhiều khi có người quản lý sở hữu kỹ năng cần thiết trong mọi thời đại này.
Một nhóm hay doanh nghiệp được lãnh đạo bởi người thiếu trí tuệ cảm xúc sẽ không thể tồn tại trong làn sóng của môi trường kinh doanh phức tạp.
Đây là lý do tại sao tôi cho rằng trí tuệ cảm xúc cũng là điều cần quan tâm khi xác định quản lý tiềm năng.
Trí tuệ cảm xúc nghĩa là khả năng xác định, diễn giải và thay đổi trạng thái cảm xúc của bản thân và người khác. Đây là một đặc điểm bẩm sinh không dễ dạy nhưng có khả năng vô song trong việc hòa giải xung đột khi quản lý một loạt các tính cách đối lập.
Hơn nữa, những cá nhân có trí tuệ cảm xúc cao thường rất thành thạo trong nghệ thuật đàm phán và ủy quyền. Họ có thể dễ dàng xác định ai thích hợp làm việc gì và khuyến khích các thành viên làm việc hiệu quả theo cách nhẹ nhàng nhưng đầy uy lực. Và bạn biết không, những người quản lý đồng cảm này thường có khả năng lãnh đạo bằng cách làm gương cũng như đặc biệt giỏi trong việc tạo ra môi trường làm việc tích cực.
Một câu hỏi cũng cần đặt ra khi xác định ai đó có tố chất lãnh đạo, đó là họ được đồng nghiệp tôn trọng hay không.
Nếu bạn đã nhắm được một nhân viên cụ thể để đảm nhận vị trí cấp cao, thì rất có thể bạn rất tôn trọng họ. Tuy nhiên, điều quan trọng hơn là họ cũng cần được đồng nghiệp tôn trọng. Khi nhà quản lý được tôn trọng, mọi người sẽ lắng nghe những gì họ nói, cho dù đó là lời khen ngợi hay lời phê bình mang tính xây dựng, và sẽ tiếp tục làm việc chăm chỉ nhằm đáp ứng các tiêu chí đã đề ra. Bạn muốn biết cách để xem nhân viên đó có thực sự được tôn trọng hay không? Hãy nhìn vào mối quan hệ, cách họ cư xử và làm việc với các đồng nghiệp khác.
Vừa là học sinh, vừa là giáo viên là dấu hiệu nhận biết cuối cùng của nhân viên có tiềm năng lãnh đạo mà tôi muốn nhắc đến trong bài viết hôm nay.
Các nhà quản lý giỏi đều có điểm chung là ham học hỏi và biết rằng mọi người đều có điều gì đó để dạy cho người khác. Tương tự, họ không ngại vào vai giáo viên. Họ cố gắng tạo ra một môi trường học tập cho nhóm, chẳng hạn như chia sẻ những tin tức nóng hổi và thay đổi mới nhất của ngành trong các cuộc họp để mọi người đều bắt kịp xu hướng, chứ không chỉ giữ khư khư cho mình để chứng tỏ bản thân hiểu biết hơn người. Đừng quên hỏi nhân viên của bạn xem họ đánh giá bản thân mình là học sinh hay giáo viên để biết được thực sự họ có bao nhiêu tố chất lãnh đạo nhé.
Có khá nhiều điểm cần chú ý phải không? Điều đó nói rằng, không phải chỉ vì một nhân viên được đồng nghiệp yêu thích hoặc thành viên kỳ cựu đã gắn bó với doanh nghiệp trong nhiều năm hoặc có thành tích cao đều có nhiều tiềm năng trở thành quản lý. Và điều quan trọng hơn là không phải ai có tố chất lãnh đạo đều dám chấp nhận vai trò đầy thử thách đó.
Với những người mong muốn thăng tiến và thể hiện sự tự tin, tư duy sáng tạo và trí tuệ cảm xúc cần thiết, việc dành thời gian để mài dũa và phát triển các kỹ năng này ngay từ đầu chắc chắn sẽ tạo ra những viên ngọc sáng – những nhà quản lý đặc biệt đưa doanh nghiệp của bạn phát triển lên tầm cao mới.
Thúy Vui
Author Profile
Latest entries
- Nghệ thuật quản lý2024.12.02Tuyệt chiêu xây dựng đội ngũ hợp tác và chia sẻ
- Bí quyết tuyển dụng2024.11.265 sáo ngữ cần tránh khi viết tin tuyển dụng và gợi ý thay thế
- Nghệ thuật quản lý2024.11.18Khắc phục phong cách quản lý vi mô bằng cách nào?
- Nghệ thuật quản lý2024.11.04Làm gì để nhân viên ít hỏi lại và nâng cao tinh thần chủ động?