Thiếu kỹ năng và kiến thức không phải là trở ngại duy nhất khiến người quản lý không thể trở thành nhà lãnh đạo hiệu quả, mà đôi khi các quan niệm sai lầm cũng là những rào cản đáng gờm. Điển hình là những ý nghĩ sau đây.
1. “Tôi không thể làm bạn hay hòa nhập với nhân viên bởi tôi sẽ đánh mất quyền uy, cũng như bị cho là ưu ái, thiên vị”
Quan điểm cho rằng người giám sát phải có khoảng cách nhất định với nhân viên cùng với sự khách quan thường xuất phát từ nỗi sợ của họ rằng mối quan hệ sẽ được sử dụng để gây bất lợi cho họ vào một thời điểm nào đó, đặc biệt khi có những quyết định khó khăn cần thực hiện hoặc các vấn đề về hiệu suất cần được giải quyết.
Miễn là các kỳ vọng hoàn thành công việc rõ ràng (cả kỳ vọng của bạn đối với nhân viên và kỳ vọng của họ đối với bạn) thì không có gì cản trở mối quan hệ của bạn cả. Thật vậy, nếu bạn là người giám sát hiệu quả thì tự nhiên bạn sẽ xây dựng được mối quan hệ tốt với nhân viên. Giao tiếp cởi mở là một phần rất quan trọng ở nơi công sở, người quản lý và nhân viên cần giao tiếp tốt với nhau để tăng hiệu suất công việc và mang lại nhiều lợi nhuận hơn cho doanh nghiệp.
2. “Công việc của người quản lý là khiến nhân viên làm việc mà không cần lúc nào cũng giải thích về mục đích”
Đây là phương pháp giám sát kiểu trồng nấm: giữ chúng trong bóng tối, chăm sóc và đóng hộp khi tới kỳ thu hoạch – một quy trình hoàn toàn khép kín. Tuy nhiên, điều này sẽ tạo thuận lợi cho các tin đồn xuất hiện nhằm đáp ứng nhu cầu của những người thiếu thông tin, cho dù thông tin đó có đúng hay không. Mặc dù sự dè dặt, cẩn thận là cần thiết nhưng việc cung cấp mục đích, ý nghĩa của từng nhiệm vụ cho nhân viên sẽ giúp họ làm việc hiệu quả hơn. Trong thực tế, nhiều giám sát viên thích giữ lại thông tin như một cách nhằm chứng tỏ quyền lực. Và nếu nhân viên nhận thấy những gì đang diễn ra, họ sẽ có xu hướng trả đũa, điều đó hoàn toàn gây xáo trộn việc trao đổi các thông tin cần thiết.
3. “Tôi luôn phải xuất hiện với sự chuyên nghiệp, thành thạo mọi thứ và làm chủ tình huống”
Khi chuyển sang vai trò giám sát, sẽ là không thực tế khi mong đợi bản thân trở thành người hoàn hảo, có khả năng vô hạn, nhìn thấu được tất cả ngay lập tức. Khi bạn thường xuyên giả vờ chứng minh mình là một người quản lý hoàn hảo thì khi bị phát hiện, chắc chắn sự tin cậy mà bạn đang cố gắng bồi đắp sẽ biến mất. Bạn cần được công nhận là người chân thành, trưởng thành qua các trải nghiệm hơn là bị xem là người thiếu trung thực.
4. “Tôi phải sẵn sàng cho nhóm 24/7 trở thành người quản lý giỏi”
Với tư cách là người quản lý, bạn có thể làm việc nhiều giờ hơn bất cứ ai khác trong nhóm nhưng điều đó không có nghĩa là bạn phải làm việc suốt ngày đêm. Bạn cũng cần nghỉ ngơi để tái tạo năng lượng giống như những người khác, cho dù đi ra ngoài ăn trưa thay vì ăn ở bàn làm việc hoặc một chuyến du lịch xa. Nếu không, bạn sẽ dễ dàng bị kiệt sức và điều này không tốt cho bất kỳ ai.
5. “Tôi không thể trở thành một người quản lý hiệu quả”
Hàng triệu người có thể làm tốt vai trò quản lý của họ, vậy tại sao bạn chắc chắn rằng mình không thể? Khi đảm nhận vai trò giám sát, không gì có thể ngăn cản bạn trở nên thành công nếu xem các thử thách như một cơ hội để học tập. Bạn sẽ phạm sai lầm, bạn sẽ cảm thấy mất đi phần cuộc sống trước đây khi bạn có ít trách nhiệm hơn, nhưng những khó khăn bạn đang trải qua là phản ứng bình thường đối với điều bạn chưa biết. Cũng giống như bất kỳ kỹ năng nào có được ví dụ như đi xe đạp, ban đầu bạn có thể loạng choạng nhưng kỹ năng của bạn sẽ cải thiện theo thời gian thực hành. Ngoài ra, cũng cần nhớ điều này: tác động lớn nhất đối với nhân viên là người giám sát trực tiếp. Vì vậy, bạn còn là tấm gương để họ noi theo và phát triển.
Hoàng Oanh
Author Profile
Latest entries
- Bí quyết tuyển dụng2024.09.09Khám phá sức mạnh của lắng nghe chủ động trong tuyển dụng
- Nghệ thuật quản lý2024.09.04Điều gì xảy ra nếu đặt kỳ vọng thiếu thực tế cho nhân viên?
- Bí quyết tuyển dụng2024.08.26Thổi phồng công việc để thu hút ứng viên, lợi hay hại?
- Nghệ thuật quản lý2024.08.19Nên làm gì với những nhân viên thiếu tự tin?